Sau khi sinh con xong, mẹ của Bảo Bảo muốn ghi lại tất cả những khoảnh khắc ăn ngủ đầu đời của con trai mình. Thế nhưng, trong khi ngủ cô lại thấy con trai mình thường xuyên ngọ nguậy, ngủ không ngon giấc. Đặc biệt, có một lần con trai cô lăn lộn đã lọt thỏm xuống góc giường, khiến cả nhà bị một phen hú vía.
Sau đó, cô quyết định làm hàng rào chắn quanh giường, đề phòng trường hợp con trai bị ngã xuống đất. Tuy nhiên, tình trạng của con trai cô vẫn không cải thiện nên gia đình đã đưa đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán Bảo Bảo bị thiếu canxi nên thường xuyên ngủ không ngon, hay lăn lộn trên giường. Vì vậy, bác sĩ đã kê đơn bổ sung canxi và vitamin D, sau một thời gian sử dụng Bảo Bảo không còn trằn trọc như trước, ngủ ngon hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng chỉ ra có một số nguyên nhân khác khiến cho trẻ thường xuyên quấy khóc, lăn lộn trong khi ngủ.
1. Trẻ có vấn đề cảm xúc và bị kích động trước khi ngủ
Có một số trẻ chơi đùa quá vui trước khi ngủ, khiến cơ thể mệt mỏi quá mức, ảnh hưởng lớn tới chất lượng giấc ngủ. Khi hệ thần kinh bị kích thích quá mức, nó sẽ ở trong trạng thái hưng phấn, vỏ não hoạt động nhiều hơn trong khi ngủ, dẫn tới việc gia tăng các cử động tứ chi của trẻ trên giường.
Để tránh tình trạng như vậy, bố mẹ cần hẹn giờ đi ngủ mỗi ngày, không nên chơi đùa quá khích với trẻ trước giờ đi ngủ, cần để cơ thể trẻ trở lại trạng thái bình thường. Sau đó, bố mẹ có thể hát, kể chuyện để rèn luyện thói quen tốt, từ đó giúp trẻ ngủ ngon giấc hơn.
2. Môi trường ngủ của trẻ không thoải mái
Môi trường cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến trẻ ngủ không ngon giấc.Nhiệt độ cơ thể của mỗi người khác nhau, một số người mẹ thường sợ con mình bị lạnh nên đắp chăn dày. Trên thực tế, thân nhiệt của trẻ em cao hơn người lớn, việc đắp chăn như vậy sẽ khiến chúng cảm thấy nóng nực, dẫn tới tình trạng lăn lộn tìm tư thế ngủ thoải mái hơn.
Ngoài ra, trẻ cũng nhạy cảm với môi trường xung quanh khi ngủ như ánh sáng quá chói, giường không thoải mái cũng khiến chúng ngủ không ngon giấc.
3. Cơ thể trẻ khó chịu
Có một số trẻ khi ngủ thường trằn trọc, quấy khóc mà nguyên nhân của nó là do trước khi ngủ được bố mẹ cho ăn quá nhiều đồ ăn vặt. Trước khi ngủ khoảng 1 tiếng, trẻ không nên ăn quá no dẫn tới dạ dày vẫn tiếp tục làm việc trong khi ngủ, tạo gánh nặng lên đường tiêu hóa.
Đặc biệt, trẻ sơ sinh thường ngủ ngay sau khi bú sữa rất dễ bị đầy hơi, điều này có thể khiến chúng cảm thấy khó chịu.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác có thể khiến trẻ khó chịu chính là việc bị muỗi đốt, côn trùng cắn. Da trẻ rất mỏng manh và mềm mại, nếu bị cắn sẽ gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Để đối phó với điều này, bố mẹ cần kiểm tra chăn màn, khu vực em bé ngủ, tốt nhất nên sử dụng màn chống muỗi chuyên dụng cho bé.
4. Thiếu canxi, khó tiêu
Ngoài những yếu tố khách quan trên, người mẹ cũng cần chú ý đến sức khỏe bên trong trẻ, chẳng hạn tình trạng thiếu canxi và khó tiêu. Yếu tố này cũng ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của trẻ.
Trẻ thiếu canxi rất ít được bố mẹ chú ý, vì vậy cần cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ. Trong trường hợp trẻ bị thiếu canxi, người mẹ nên tăng cường bổ sung các sản phẩm từ sữa và thực phẩm giàu canxi. Ngoài ra, để cơ thể hấp thu canxi tốt hơn, trẻ cần được bổ sung thêm vitamin D thông qua việc tắm nắng.
Một yếu tố chủ quan nữa là chứng khó tiêu, nếu trẻ không kìm chế được trước món mình thích và ăn quá nhiều, sẽ dẫn tình trạng quá tải cho hệ tiêu hóa trước khi ngủ. Trẻ trước khi ngủ cần ăn số lượng vừa phải, tránh quá no. Khi trẻ ngủ ngon, cơ thể được nghỉ ngơi và hormone tăng trưởng tiết ra sẽ giúp trẻ cao lớn nhanh.
Giấc ngủ rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khi trẻ ăn ngon ngủ ngon thì chúng mới phát triển khỏe mạnh được.
Nguồn: Aboluowang, 163
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/tre-lan-lon-trong-khi-ngu-la-binh-thuong-nhung-neu-chu-quan-ve-lau-dai-se-anh-huong-den-su-phat-trien-toan-dien-cua-tre-2220212310223826355.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.