Vào những ngày hè, trẻ thường được ăn nhiều loại thức ăn phong phú, một mặt thức ăn mang lại dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, nhưng mặt khác cũng có thể gây dị ứng cho trẻ, nhất là ở các trẻ có cơ địa dị ứng.
Dị ứng thức ăn là triệu chứng của hệ miễn dịch cơ thể phản ứng với những thực phẩm không hợp với cơ thể. Ở những trẻ có cơ địa dị ứng - là những trẻ thường có nồng độ kháng thể IgE trong máu cao hơn bình thường. Các kháng thể IgE còn gọi là kháng thể gây dị ứng bám trên bề mặt tế bào bạch cầu có tên là Mastocyte, còn gọi là dưỡng bào, chứa nhiều túi nhỏ bên trong có nhiều hóa chất trung gian như histamine, serotonin… Trong thức ăn có những protein "lạ" là những dị nguyên (allergen) khi hấp thu vào máu, gắn vào kháng thể IgE kích thích dưỡng bào phóng thích các túi chứa histamin, serotonin… đi vào trong máu, gây ra triệu chứng dị ứng như: Ngứa mắt, họng khô, phát ban, buồn nôn, khó thở, và thậm chí là gây sốc.
Những thủ phạm gây dị ứng
Các thức ăn chứa nhiều histamin hoặc quá trình chuyển hóa sản sinh ra nhiều histamin và những chất trung gian gây dị ứng khác thường có khả năng dẫn đến tình trạng dị ứng thức ăn. Các chất này tác dụng chủ yếu lên hệ thống mạch máu, gây giãn thành mạch, tăng tính thấm thành mạch. Điều này dẫn đến sự thoát huyết tương và các thành phần trong máu ra khoảng gian bào. Hậu quả là gây ứ đọng, phù nề cục bộ hoặc toàn thân, xung huyết, tiết dịch, tăng co thắt cơ trơn…
Theo một số nghiên cứu cho thấy, các protein gây dị ứng có tính chất bền với nhiệt, không bị phân hủy bởi enzyme tiêu hóa và axit dạ dày. Vì thế, khi được chế biến và đi qua dạ dày thì chúng vẫn giữ nguyên được cấu trúc không gian, hấp thu vào máu và gây các phản ứng dị ứng cho hệ miễn dịch.
Thủ phạm gây dị ứng thức ăn thường gặp là tôm, cá, sữa bò, trứng, lạc, đậu nành… Tuy nhiên, người ta đã ghi nhận được với trẻ em phần nhiều là dị ứng với sữa bò, trứng và đậu nành là những thực phẩm dễ gây dị ứng.
Tỷ lệ trẻ bị dị ứng với sữa bò là 2,5%; trứng 1,3%; lạc 0,8%; đậu nành 0,4%. Các phản ứng dị ứng với các thực phẩm không chứa protein hoặc ít protein là hiếm khi xảy ra.
Dễ nhận thấy dị ứng thức ăn ở trẻ là lòng trắng trứng. Cá, tôm, cua, ghẹ, trai, điệp, hào sò, vẹm (đồ biển). Ngũ cốc có chứa gluten (lúa mì, mạch đen, yến mạch và lúa mạch). Một số trẻ nhũ nhi có tình trạng dị ứng với sữa.
Có đến 80% trẻ bị dị ứng có biểu hiện ở da, 20% có biểu hiện triệu chứng đường hô hấp, 20% có biểu hiện ở hệ tiêu hoá, các triệu chứng khác chỉ chiếm vài phần trăm. Dị ứng thức ăn nếu không được xử lý tốt có thể dẫn đến những hệ lụy không thể khắc phục được.
Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, có một số loại thức ăn nên tránh cho em bé ăn trước một độ tuổi nhất định, để tránh làm tăng nguy cơ bị dị ứng, khi mà hệ miễn dịch của bé còn đang phát triển. Trong đó đậu phộng và các thức chứa đậu phộng không nên cho bé trong gia đình có tiền sử bị dị ứng ăn, cho đến khi em bé ít nhất được 3 tuổi.
Còn lại nếu không có vấn đề gì khác, các bé có thể ăn các loại thức ăn trên từ 6 tháng tuổi trở lên.
Có một điều thú vị là dị ứng thức ăn là dị ứng với thực phẩm đưa vào đường tiêu hoá, nhưng các biểu hiện chủ yếu lại ở da và những yếu tố gây nặng bệnh lại nằm ở đường hô hấp.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng thức ăn ở trẻ
Một câu hỏi được đặt ra ở nhiều bậc phụ huynh là, liệu bé nhà tôi có dị ứng với thực phẩm không, ăn các thực phẩm lạ bé hay quấy khóc, da mẩn đỏ liệu đã nguy hiểm, có cần dừng không và quan trọng nhất là yếu tốt nào làm tăng nguy cơ dị ứng ở trẻ…
Vấn đề này thực sự làm đau đầu cho các nhà chuyên môn. Nghiên cứu cho thấy những yếu tố nguy cơ làm tăng dị ứng ở một số trẻ có cơ địa dị ứng là do di truyền từ bố mẹ hoặc người thân. Nếu trong gia đình có người tiền sử bị dị ứng thì khả năng cao trẻ cũng sẽ dị ứng với loại thức ăn đó. Do vậy, các bố mẹ nên lưu ý điều này, tránh cho con nhỏ dùng những loại thức ăn mà mình hoặc người trong gia đình không ăn được. Càng không nên thử cho trẻ ăn thức ăn đó xem có dị ứng hay không. Vì cơ thể trẻ nhỏ rất yếu, cần tránh mọi trường hợp gây ra các biểu hiện bất thường về sức khỏe cho con.
Các nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em thường dễ bị dị ứng với thức ăn hơn so với người lớn, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân là do hệ miễn dịch của trẻ phát triển chưa hoàn thiện và dễ phản ứng với các yếu tố lạ trong thực phẩm.
Thói quen ăn uống không khoa học thường dễ dẫn đến tình trạng dị ứng thực phẩm. Một số thực phẩm dễ gây dị ứng như: Hải sản, các loại hạt, sữa, trứng… Ngoài ra, các yếu tố môi trường như không khí, nguồn nước cũng có thể gây ảnh hưởng đến tình trạng dị ứng thực phẩm ở người.
Như vậy, có thể nói trong quá trình trẻ bắt đầu ăn dặm cha mẹ đều phải lưu ý chú trọng đến các thực phẩm cho trẻ. Lưu ý đến yếu tố dị ứng này để tránh nguy cơ gây dị ứng thức ăn cho trẻ. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của dị ứng thức ăn ở trẻ là sẽ xảy ra ngay sau khi ăn xong chỉ vài phút. Trẻ có những biểu hiện bất thường như nôn mửa, mệt mỏi, phát ban trên người, có thể bị phù trên mặt.
Có trường hợp muộn hơn là biểu hiện dị ứng xảy ra sau ăn vài giờ đồng hồ. Trẻ có thể nổi ban đỏ quanh miệng, dần dần có triệu chứng đau bụng, đi ngoài, chảy nước mắt nước mũi. Tình trạng dị ứng thức ăn ở trẻ tiến triển nặng, trẻ có thể bị co thắt phế quản, khó thở, rất nguy hiểm đến tính mạng.
Cha mẹ cần làm gì khi nghi ngờ trẻ bị dị ứng thức ăn?
Khi nghi ngờ trẻ bị dị ứng thức ăn, nên đưa trẻ đi bác sĩ để chẩn đoán bệnh và có được lời khuyên hợp lý. Mỗi sản phẩm ăn uống đều có dán nhãn thành phần thức ăn, phụ huynh dễ dàng hơn khi quyết định có thể và không thể cho con ăn gì.
Tình trạng dị ứng hoặc không dung nạp thức ăn có thể kéo dài hay tái phát làm cha mẹ lo lắng, vì vậy cần nghe tư vấn từ một chuyên gia dinh dưỡng hoặc một bác sĩ nhi khoa.
Một số trung tâm xét nghiệm có bộ kit làm thử nghiệm lẩy da (skin prick test) hoặc xét nghiệm máu tìm các loại dị nguyên, trong đó có các dị nguyên thức ăn khác nhau, giúp quý phụ huynh tránh được các thức ăn này cho con em mình, cũng như các dị nguyên khác như lông chó mèo... không cho trẻ tiếp xúc, hay "cắt bỏ" nguồn tiếp xúc. Tuyệt tối không tự ý mua sử dụng các thuốc chữa dị ứng cho trẻ, mà phải theo kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ.
Cách phòng ngừa dị ứng thức ăn tốt nhất ở trẻ sơ sinh là cho trẻ bú sữa mẹ trong tối thiểu 4 - 6 tháng đầu (không bú thêm sữa bột), vì nó làm giảm tối đa việc tiếp xúc với các Protein lạ, giúp hoàn chỉnh lớp bảo vệ ở ruột, giảm nguy cơ nhiễm trùng (nhiễm trùng làm dị ứng dễ bùng phát). Ở những trẻ này, nên bắt đầu cho ăn thức ăn đặc sau 6 tháng và khởi đầu bằng: Gạo, thịt lợn, thịt gà, chuối, lê, rau quả và các loại dầu tinh chế (không còn Protein để gây dị ứng).
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.