Gần đây, trên mạng xã hội Trung Quốc có 2 video về cách giáo dục con lên "hot search" (Top tìm kiếm nóng). Tưởng chừng đó là những hành vi nghịch ngợm hàng ngày của trẻ con nhưng cách ứng xử của 2 bậc cha mẹ cho thấy phương pháp giáo dục khác biệt và phần nào về tương lai của những đứa trẻ.
-
Cô bé nửa đêm muốn đi chơi
Video đầu tiên được ghi lúc 2h30 sáng. Một bé gái tầm 2-3 tuổi nói với mẹ rằng em không muốn ngủ và muốn ra ngoài chơi. Người mẹ liên tục hỏi con có chắc chắn muốn làm điều này không? Sau khi nhận được câu trả lời khẳng định, cô nói: "Được rồi, chúng ta sẽ không về nhà cho đến rạng sáng", sau đó nắm tay con lên đường.
Sáng sớm trên đường không có ai nhưng bé gái rất vui vẻ, dọc đường chạy nhảy, vô cùng phấn khích. Người mẹ nhân cơ hội nói: "Con phải nhớ bây giờ con đã hạnh phúc như thế nào. Khi con khóc, hãy nghĩ về những lúc con hạnh phúc. Con có làm được không?".
Một lúc sau, cô hỏi: "Con có buồn ngủ không? Muốn đi ngủ chưa?". Bé gái khuôn mặt vui vẻ, liên tục nói rằng mình vẫn muốn đi chơi.
Nhưng chớp mắt đã là 4h50 sáng, lúc này cô bé mệt lả, không còn sự phấn khích như ban đầu, rơm rớm nước mắt và bắt đầu hối hận, tỏ ý muốn về nhà. Nhưng người mẹ bình tĩnh từ chối: "Không, chúng ta đã đồng ý, sẽ chơi đến sáng".
Một lúc sau, bé gái nói tay lạnh, muốn mẹ sưởi ấm nên mở 2 bàn tay nhỏ ra và ôm mẹ. Người mẹ không nắm tay con mà lùi lại, miệng lẩm bẩm: "Ở nhà có ấm không con? Ở nhà có lạnh tay không? Nhưng con không được ngủ ở nhà, con phải ra ngoài chơi".
Bé gái gục xuống đất, còn người mẹ thì tiếp tục nói: "Vậy thì ngồi đây đến sáng nhé?". Đứa trẻ không khóc, không làm ầm ĩ, người mẹ cũng không quát mắng, 2 người chỉ là ngoan cố yên lặng. Cuối video, cô bé vỡ oà, vừa khóc vừa xin lỗi. Video kết thúc và người mẹ "thắng".
Ở phần bình luận, nhiều người dành lời khen cho người mẹ này vì sự ổn định về mặt cảm xúc và cách giáo dục tốt, đó là cho con cái cảm nhận được trách nhiệm phải làm theo những gì minhg nói. Nhưng sau khi xem hết video, bạn có cảm nhận được rằng cái gọi là sự ổn định cảm xúc thật ra là "sự trả đũa"?
Người mẹ liên tục hỏi con có buồn ngủ không và bắt con phải trả lời, rồi lại từ chối, mặc dù sau đó con đã nhiều lần tỏ ý muốn ngủ và về nhà. Là cha mẹ, chúng ta có thể hiểu được cảm xúc và sự mệt mỏi của người mẹ này nhưng nhiều người cho rằng họ không thể đồng ý với cách làm này.
Đối với đứa trẻ hai tuổi, nó có thể thực sự hiểu những gì mẹ muốn dạy không? Rõ ràng là không cần thiết. Trẻ sẽ chỉ nhớ mẹ đã đưa mình đi lang thang trên đường phố, mệt mỏi không cho về nhà ngủ, nhất định để lại trong lòng một chút sợ hãi. Sự kiên định của người mẹ thực sự khiến nhiều người cảm thấy nghẹt thở.
-
Đứa trẻ pha cà phê bị đổ và sự cổ vũ của ông bố
Trong video thứ 2, có một bé gái khoảng 3 tuổi. Bé đang pha một cốc cà phê đá, các bước thực hiện khá phức tạp. Ông bố ngồi bên cạnh và đồng hành trong suốt quá trình.
Tay của cô bé vẫn chưa vững lắm, khi thêm sữa hoặc cà phê thường đổ ra khắp bàn. Mỗi lần như vậy, ông bố sẽ giả vờ bị đau, bất lực và hét lên: "ok! ok! dừng lại! dừng lại!". Nhưng sau khi con hoàn thành một bước, người bố vẫn sẽ cổ vũ bằng nhiều cách khác nhau để không khí vô cùng vui vẻ.
Cho dù cô bé làm lộn xộn chén đĩa trong phòng, làm đổ cà phê và sữa ra bàn nhưng suốt quá trình đó, người bố không hề nói một lời trách móc mà rất kiên nhẫn nhìn con gái mình "chơi đùa". Đứa trẻ cũng có cảm giác thành tựu, trên nét mặt không giấu được vẻ tự hào.
Trong các video tiếp theo, có thể thấy cô bé càng ngày càng pha cà phê thành thạo, không đổ một chút nào. Ở phần bình luận có một câu rất hay: "Bạn cảm thấy cô bé ấy bây giờ làm rất tốt là vì trước đó bé đã không bị trách mắng vì làm đổ 100 lần". Một đứa trẻ như vậy hẳn sẽ luôn tự tin, không sợ sai, sợ thất bại bởi sau lưng luôn có cha mẹ cổ vũ, đồng hành.
Giáo dục trẻ em không phải là một cuộc chiến để phân thắng bại. Phương pháp giáo dục nhẹ nhàng và kiên quyết không sai nhưng tiền đề của nó là tình yêu thương chứ không phải sự tức giận, trả đũa.
Nhà tâm lý học David Elkind từng nói: Điều trẻ cần biết nhất là chúng rất quan trọng với cha mẹ và sẽ luôn được bao bọc bởi tình yêu thương. Thực ra, điều con cái muốn rất đơn giản: sự ghi nhận và đánh giá chân thành; sự chấp nhận kiên nhẫn và bao dung của cha mẹ là đủ để bảo vệ con một cách ấm áp và an toàn để con trưởng thành tử tế.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.