Nhà văn, Chuyên gia giáo dục trẻ em nổi tiếng của Trung Quốc - Trương Hồng cho rằng: Đó là việc sau một ngày dài học tập, làm việc mệt mỏi, cả gia đình ngồi quây quần ăn cùng nhau bữa cơm.
Về điều này, Nhà giáo dục người Mỹ Sally Lewis từng viết trong cuốn sách: "Đánh thức tài năng của trẻ em" như sau: "Một số người đã nghiên cứu xem yếu tố nào khiến trẻ em đạt được thành tích học tập cao. Chỉ số IQ, điều kiện xã hội và tình trạng kinh tế thực sự lại không quan trọng bằng 1 yếu tố tinh tế này. Đó là tất cả những đứa trẻ đạt điểm cao thường ăn tối với bố mẹ".
Việc cả gia đình quây quần bên mâm cơm rất quan trọng. Đây là thời điểm mà cả nhà có thể dành thời gian nhiều nhất cho nhau, tạo một bầu khí trò chuyện thoải mái, vui vẻ và bình đẳng.
Với cha mẹ, không cần tránh những vấn đề "to tát". Chúng ta có thể nói cho con về tình hình tài chính của gia đình, kế hoạch đầu tư sắp tới, hoặc cùng thảo luận về dự định du lịch của cả nhà... Là một thành viên của gia đình, trẻ có quyền được biết. Nhờ đó, trẻ hiểu được trách nhiệm của bản thân với gia đình ngay từ khi con nhỏ. Tiền đề này giúp trẻ trưởng thành hơn và có những lựa chọn đúng đắn trong tương lai.
Cha mẹ hãy kể cho con nghe về cuốn sách đang đọc, bộ phim đã xem, một câu chuyện thời sự hôm nay mà mình quan tâm, sự kiện xảy ra ở chỗ làm,... Trò chuyện chính là sự thể hiện cách nhìn cuộc sống, suy nghĩ. Từ lời kể của cha mẹ, trẻ có thể học hỏi một cách tự nhiên về xã hội và nghề nghiệp.
Trò chuyện trên bàn ăn là cách giáo dục tinh thần tốt nhất
Nhịp sống ngày càng hối hả, áp lực sinh tồn và phát triển khiến nhiều gia đình không thể ăn tối cùng nhau. Rất dễ dàng nhận thấy hiện trạng con ăn cơm trước, bố mẹ xong việc thì ăn sau ở nhiều gia đình. Có vẻ như cuộc sống xã hội đã trở nên quan trọng hơn giây phút gia đình quây quần, ấm áp.
Nhà văn Trương Hồng cho biết, gia đình bà thường ăn tối cùng nhau. Điều này được bà chia sẻ trong cuốn sách "Những người yêu thương nhau muốn ăn cùng nhau, thật nhiều bữa". Trong cuốn tiểu thuyết thiếu nhi "Chậm lại để lớn lên", nữ nhà văn cũng chia sẻ nhiều chi tiết và câu chuyện thú vị trên bàn ăn nhà mình.
Đã có những câu chuyện "vô thưởng vô phạt" như một lần nọ, con bà ăn những miếng rau cải bẹ rồi đột nhiên há miệng ra hỏi: "Mẹ nhìn xem trong miệng con có cái gì này". Nữ nhà văn trêu lại con: "Mẹ chẳng thấy gì ngoài răng và lưỡi". Hay có lần, con bà vì không chịu chờ thức ăn nguội bớt mà đã vội vàng ăn nên phải uống vội nước và thở hổn hển.
Những câu chuyện thường ngày đó, chẳng có cái nào là tầm thường cả. Những cuộc trò chuyện trên bàn ăn tối chính là cách giáo dục tinh thần tốt nhất cho trẻ. Không có nghĩa là mọi cuộc trò chuyện của chúng ta đều nhắm vào "ý nghĩa giáo dục, giáo điều". Những câu chuyện "vô thưởng vô phạt" mang đến cho trẻ bầu không khí vui vẻ, ấm áp, để tinh thần của trẻ luôn hạnh phúc, cảm thấy được cha mẹ yêu thương, quan tâm đến những điều nhỏ nhặt.
Nói thêm về tác dụng của những câu chuyện trên bàn ăn, nhà văn Trương Hồng nhận định: Nếu không có sự gần gũi về tâm hồn thì sao có thể phát huy được ảnh hưởng của giáo dục! Nữ nhà văn cũng chia sẻ thêm những câu chuyện thời ấu thơ của mình để làm minh chứng.
Khi bà còn nhỏ, mẹ bà đã phải từ bỏ một công việc tốt để có thêm thời gian chăm sóc các con. Bà kể cho các mọi thứ, từ lịch sử gia đình, cuộc sống của bản thân, những câu chuyện về ông bà, bạn bè, tình hình tài chính của gia đình,...
Sau này, Trương Hồng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ. Bà nhiều lần đề cập về tầm quan trọng của việc cha mẹ nói chuyện với con càng nhiều càng tốt, đặc biệt là trong bữa ăn - nơi mà các thành viên gia đình có thể quây quần.
"Làm sao có thể tiếp cận trái tim của mọi người mà không cần nói chuyện? Làm sao có thể tạo ảnh hưởng giáo dục nếu không có sự gần gũi về mặt tâm hồn? Chúng ta chỉ có thể bị ảnh hưởng bởi những người chúng ta yêu thương", Trương Hồng cho hay.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.