Cách phân biệt nấm lành và nấm độc

(lamchame.vn) - Có những loại nấm độc rất giống nấm thường, mọc lẫn với nấm ăn được, khiến người đi hái nấm rất dễ bị nhầm. Không chỉ thế, nhiều khi trong quá trình chế biến, bạn mắc sai sót chẳng hạn như nếu không đun kỹ hoặc dụng cụ dùng để đun nấu, đựng đồ ăn chín có dính nấm sống, ăn vào cũng có thể gây ngộ độc.

Thế nào là nấm độc?

Nấm độc là nấm chứa thành phần độc tố tự nhiên, hoặc là nấm ăn được nhưng mọc ở vùng nhiễm độc (như vùng ô nhiễm, gần nhà máy hóa chất…).

Thông thường người bị ngộ độc nấm thường là do ăn nấm mọc tự nhiên (trong rừng, ngoài ruộng, vườn nhà, chuồng trại…) chứ các loại nấm được nuôi trồng thì rất hiếm khi gây ngộ độc.

Phân biệt nấm lành và nấm độc

Hầu hết các ca ngộ độc nấm đều xảy ra ở các tỉnh vùng núi, nơi có nhiều nấm dại mọc nhưng người dân chưa có kiến thức phân biệt nấm lành và nấm độc.

1. Nhìn bằng mắt

Ảnh minh họa

- Nấm độc thường có màu sắc khá sặc sỡ, nhiều màu, nổi bật. Nấm thường có đốm màu đen, đỏ, trắng… nổi lên (chủ yếu ở mũ nấm). Mũ nấm có vằn, có hạt, vảy, màu tạp, có rãnh, vết nứt, có vòng quanh thân…
- Thông thường các loại nấm độc khi ngắt sẽ có nhựa chảy ra.

2. Ngửi bằng mũi

- Nấm độc khi ngắt thường có mùi cay, mùi hắc, hoặc mùi đắng xộc lên. Nhưng cũng cần lưu ý 1 số nấm độc vẫn có mùi thơm nhẹ.

- Nấm ăn được thường có mùi dịu, thơm, hoặc không mùi.

3. Thử nghiệm biến màu

 

Ảnh minh họa

- Dùng phần trắng của hành lá chà xát lên phần mũ nấm, nếu thân hành biến thành màu xanh nâu thì nấm đó có độc, còn ngược lại thì nấm không độc.

- Dùng đũa/thìa hoặc vật dụng gì đó bằng bạc để thử vào món ăn xem vật thử có bị đổi màu, nếu bị đổi màu thì có khả năng đó là nấm độc.

- Ngoài ra, có thể nhỏ lượng nhỏ sữa bò tươi lên mũ nấm, nếu thấy hiện tượng sữa vón cục thì khả năng cao nấm đó có độc.

Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp ngoại lệ, như có nấm độc có màu sắc và hình dạng giống nấm thường. Vì thế rất khó để có thể nhận biết được nấm an toàn và nấm độc nếu không có đủ kinh nghiệm và kiến thức, và lời khuyên tốt nhất là hãy coi tất cả nấm ở trong rừng là nấm độc và không nên ăn. Dưới đây là một số loại nấm độc nhưng có hình dạng giống nấm thường:

4 loại nấm cực độc dễ bị nhầm lẫn

- Nấm có chứa Amatoxin (nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón): Nấm có chứa Amatoxin này thường mọc thành cụm từng hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng. Loại nấm này có màu trắng tinh khiết, bề mặt nhẵn bóng, lúc non đầu tròn hình trứng, dính chặt vào cuống nấm.

Mặt dưới mũ nấm (phiến nấm) có màu trắng. Cuống nấm có màu trắng, vòng cuống dạng màng ở đoạn trên gần sát với mũ, chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa.
 

Nấm có chứa Amatoxin

- Nấm độc có chứa muscarin (nấm mũ khía nâu xám): Nấm độc có chứa muscarin thường mọc trên mặt đất trong rừng, hoặc nơi có nhiều lá cây mục nát.
 

Nấm độc có chứa muscarin

Loại nấm này có mũ nấm hình nón đến hình chuông, đỉnh nhọn, có các sợi tơ màu từ vàng đến nâu tỏa ra từ đỉnh xuống mép mũ. Khi già, mép mũ nấm bị xẻ thành các tia riêng rẽ. Đường kính mũ nấm 2 – 8 cm. Phiến nấm lúc non màu hơi trắng, gắn chặt vào cuống, khi già có màu xám hoặc nâu, tách rời khỏi cuống.

- Nấm ô tán trắng phiến xanh: Đây là loại nấm mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu bò, trên bãi cỏ, ruộng ngô và 1 số nơi khác.

 

Nấm ô tán trắng phiến xanh

Mũ nấm của loại nấm này lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt. Khi trưởng thành mũ nấm hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng, đường kính 5 – 15 cm, trên bề mặt mũ có các vảy mỏng màu nâu bẩn dày dần về đỉnh mũ.

Phiến nấm lúc non có màu trắng, lúc già có ánh màu xanh nhạt hoặc xanh xám, nấm càng già màu xanh càng rõ. Cuống nấm có màu từ trắng đến nâu hoặc xám, có vòng ở đoạn trên gần sát với mũ, chân cuống không phình dạng củ và không có bao gốc, cuống dài 10 – 30 cm. Thịt nấm có màu trắng.

- Nấm thức thần hay nấm Psilocybe: Độc tố chính của nấm là psilocybin và psilocin gây rối loạn tâm thần (ảo giác, rối loạn cảm xúc, dễ kích động). Triệu chứng xuất hiện sớm (1 giờ sau ăn)và khỏi sau 12-24 giờ.

Nấm thức thần hay nấm Psilocybe

Nấm thức thần thường mọc nơi những chỗ có phân bò, cỏ mục hay gỗ mục. Mũ nấm đường kính 1- 2 cm, màu nâu vàng (khi khô đổi màu rơm), hình nón, phủ một lớp nhày trong. Phiến nấm lúc non có màu trắng, lúc già có ánh màu xanh nhạt hoặc xanh xám, nấm càng già màu xanh càng rõ. Cuống nấm rất dài, mỏng manh, màu như mũ nấm, có khi chuyển màu xanh lục hoặc lam. Thịt nấm có màu nâu nhạt, mùi nhẹ, vị nhạt.

Dấu hiệu khi bị ngộ độc nấm

Ngộ độc nấm có biểu hiện sớm và muộn.
- Biểu hiện sớm thường xuất hiện sau khi ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ.
- Biểu hiện muộn xuất hiện sau từ 6 – 40 giờ, trung bình 12 giờ sau khi ăn.

Mức độ ngộ độc tùy thuộc vào các loại nấm. Dấu hiệu xuất hiện sau 20 – 30 phút như nạn nhân thấy nôn nao, khó chịu, có khi đau bụng dữ dội hoặc nôn ra máu, đi ngoài nhiều lần, phân có mùi tanh hôi, người mệt lừ, lạnh toát, có khi nổi mẩn đỏ; nếu nặng thì co giật, hôn mê.

Các triệu chứng xuất hiện càng chậm thì mức độ ngộ độc càng nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Cách sơ cứu khi bị ngộ độc nấm
- Các bác sĩ khuyến cáo, nếu không may ăn phải nấm độc, khi còn tỉnh táo, cố gắng móc họng gây nôn rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
- Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng Oresol.
- Nếu người bệnh hôn mê, co giật: Cho người bệnh nằm nghiêng.
- Nếu người bệnh thở yếu, ngưng thở: Hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.
- Nếu ngộ độc loại biểu hiện muộn cần điều trị tại cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt (thường tuyến tỉnh trở lên).

Với các loại nấm tươi lành tính để tránh ngộ độc, các gia đình cũng nên chế biến càng sớm càng tốt, nếu để nấm bị dập nát, thối rữa sẽ hình thành độc tố mới gây ngộ độc.

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang