Với sự dẫn dắt của người lớn, trẻ bướng bỉnh không những sẽ hợp tác hơn, mà còn rất thông minh và có chính kiến.
Điều chỉnh cho phù hợp
Nhiều cha mẹ chia sẻ "đau đầu" khi con trở nên bướng bỉnh vô cớ. Có phụ huynh chia sẻ, những tưởng độ tuổi nào đó, con sẽ ngoan hơn nhưng mỗi tuổi lại khiến người lớn mệt mỏi theo những cách khác nhau.
Cô Đỗ Thị Hường, giáo viên thuộc Hệ thống Trường Liên cấp IQ School (Hà Nội), cho biết, các bậc cha mẹ cần "bắt mạch" những dấu hiệu bướng bỉnh của trẻ để có cách giáo dục con tốt hơn.
Mặc dù, cha mẹ có thể gặp khá nhiều khó khăn khi nuôi dạy con ở thời kỳ trẻ bướng bỉnh, không nghe lời. Thế nhưng, đây lại thường là các bé độc lập, có chính kiến và cá tính.
Theo cô Hường, không phải tất cả trẻ thích làm theo ý kiến của mình đều là trẻ bướng bỉnh. Đôi khi, chỉ là do con có chính kiến và cá tính mạnh. Vì vậy, người lớn cần tìm hiểu thật kỹ xem những hành động của con là biểu hiện của tính quả quyết hay bướng bỉnh.
Những trẻ cá tính mạnh và chính kiến có thể rất thông minh và sáng tạo. Ngược lại, những trẻ bướng bỉnh thường chỉ cố chấp theo ý kiến của mình và không sẵn sàng lắng nghe ý kiến người khác.
Một số đặc điểm trẻ bướng bỉnh có thể có là có nhu cầu được thừa nhận và lắng nghe. Trẻ có thể tìm kiếm sự chú ý của người lớn thường xuyên. Tuy nhiên, bướng bỉnh ở một số trẻ có thể là sự độc lập tới mức cực đoan, làm những gì mình thích cho bằng được hoặc nổi giận nhiều hơn những trẻ khác.
"Việc dạy dỗ trẻ bướng bỉnh có thể khó nhưng cũng có nhiều điều thú vị. Khi đã xác định được con mình có tính này, cần điều chỉnh cách dạy con phù hợp", cô Hường nói.
Theo cô Hường, đối với trẻ ở độ tuổi nhỏ, khi bướng bỉnh có thể không chịu ăn hay không chịu ngủ đúng giờ khiến người lớn gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc. Trường hợp này, cha mẹ cần cố gắng lắng nghe để có những giao tiếp phù hợp. Cần ghi nhớ rằng, nếu muốn con lắng nghe mình, thì người lớn cũng cần sẵn sàng lắng nghe bé.
Trẻ bướng bỉnh có thể có ý kiến riêng và thường sẽ tranh luận với người khác. Trẻ có thể trở nên ngang tàng nếu cảm thấy mình không được lắng nghe. Vậy nên, cha mẹ hãy thật sự lắng nghe ý kiến, băn khoăn của con và trò chuyện cởi mở để bé ngoan ngoãn hơn.
Cần có quy tắc và kỷ luật
Theo cô Hường, khi trẻ bướng bỉnh và chống đối, cha mẹ thường cảm thấy tức giận và dễ lớn tiếng với bé. Tuy nhiên, phản ứng này không làm cho con hiểu ý kiến của bạn mà chỉ khiến bé tỏ ra chống đối hơn nữa.
Để luôn giữ tâm trạng bình tĩnh và cân bằng với con, cha mẹ có thể cùng bé chơi thể thao, nghe nhạc hay làm những việc cả hai cùng thích. Khi tham gia những hoạt động thư giãn cùng nhau, bé cũng dần xem cha mẹ là "bạn" và sẽ hợp tác hơn.
Bên cạnh đó, cô giáo Trường Liên cấp IQ School cũng cho rằng, để trẻ hợp tác hơn, hãy cố gắng hướng hành vi của trẻ theo chiều hướng tích cực. Một cách để ba mẹ có thể có phản ứng vui vẻ từ trẻ là hỏi con những câu như "Con thích đi chơi không?", "Con thích ăn kem không?" hay "Con thích đi tưới cây không?". Những câu hỏi này thường sẽ gợi được phản ứng hào hứng, vui vẻ từ bé và giúp bé có cảm giác mình được lắng nghe. Khi đã vui vẻ, tích cực, bé sẽ ngoan ngoãn, hợp tác hơn.
Theo cô Hường, những trẻ bướng bỉnh hoặc cá tính mạnh rất nhạy cảm với cách ba mẹ đối xử với mình. Vì vậy, bạn hãy chú ý đến giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể và từ ngữ mình sử dụng để tránh khiến trẻ cảm thấy con đang bị ép buộc, ra lệnh. Thay vì bảo con phải làm một việc gì đó, hãy cùng con làm.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cần nhượng bộ, chiều theo những mong ước chưa hợp lý của con. Mục đích của cuộc trò chuyện là để ba mẹ hiểu con hơn và để trẻ cảm thấy được quan tâm. Vậy nên, nếu con có mong muốn, ý kiến chưa hợp lý, cha mẹ có thể cùng bé tìm ra một phương án phù hợp hơn hoặc cho con sự lựa chọn trong khuôn khổ.
Dù không đồng tình với các yêu cầu của con, cha mẹ cũng hãy thông cảm và thấu hiểu cảm xúc của bé. Thậm chí, hãy cho con biết mình có thể hiểu được sự thất vọng, tức giận hoặc bực bội của con dù không đáp ứng yêu cầu của bé.
"Để hiểu rõ hơn về hành vi bướng bỉnh của con, hãy cố gắng nhìn nhận tình huống từ góc độ của bé. Cha mẹ có thể thử đặt mình vào vị trí của con và cố gắng tưởng tượng những gì bé phải trải qua. Người lớn càng hiểu rõ con thì càng có thể thay đổi tính bướng bỉnh của con tốt hơn", cô Hường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc nuôi dạy trẻ cần có quy tắc và kỷ luật. Con cần hiểu được mình sẽ bị phạt nếu vi phạm các quy tắc này. Vậy nên, cha mẹ cần có những hình thức kỷ luật phù hợp với hành vi của con.
Người lớn hãy lưu ý là hình phạt phải đến ngay sau khi trẻ vi phạm quy tắc để bé có thể kết nối hành vi của mình với hình phạt. Cha mẹ có thể phạt bé bằng cách để bé ngồi một mình, cắt giảm thời gian chơi hoặc xem tivi hoặc giao việc nhà phù hợp. Lúc này, cũng nên giải thích để con hiểu vì sao bé bị phạt và phải hoàn thành hình phạt.
"Đôi khi, trẻ trở nên bướng bỉnh vì không có được thứ mình muốn. Vậy nên, bạn cần trò chuyện với con để xem con có mong muốn, khó chịu, buồn bực gì hay không. Vì thế, người lớn cần bình tĩnh và trao cơ hội để trẻ bày tỏ. Bởi có thể con có lý do riêng cho những đối đầu đó", cô Đỗ Thị Hường, giáo viên thuộc Hệ thống Trường Liên cấp IQ School chia sẻ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.