Cấm HS dùng điện thoại trong trường học: Nghiên cứu sớm áp dụng biện pháp triệt để

(lamchame.vn) - Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác".

Cấm HS dùng điện thoại trong trường học: Nghiên cứu sớm áp dụng biện pháp triệt để - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Quyền hạn này, chủ yếu được trao cho các giáo viên nên mỗi nơi áp dụng một khác.

Khi con gái lớn của tôi học ở Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại, máy tính, iPad… khi đang học trên lớp. Khi phát hiện một số bạn sử dụng các thiết bị trên, giáo viên chủ nhiệm đã tịch thu và mời bố mẹ lên gặp Ban Giám hiệu để giải quyết. Chính vì sự quản lý nghiêm túc, chặt chẽ như thế nên học sinh ngoan, rất ít em phạm lỗi, không có hiện tượng sử dụng điện thoại để chơi game, lướt mạng xã hội, xem YouTube… trong giờ học.

Trong khi đó, ở trường của con bạn tôi thì nhà trường không cấm sử dụng điện thoại, giáo viên để cho học sinh dùng thoải mái. Điện thoại thông minh kết nối Internet có thể là một công cụ hỗ trợ học tập thiết thực nhưng nó cũng là phương tiện để các em chơi game online, đắm mình trong các kênh mạng xã hội, lướt xem hình ảnh, video ở những trang web không lành mạnh. Và có không ít học sinh thậm chí nghiện sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội từ rất sớm.

Ở một số trường cao đẳng, đại học mà tôi tham gia thỉnh giảng, việc lạm dụng điện thoại cũng khá phổ biến. Trong giờ học, một số em mải xem điện thoại nên mất tập trung. Điều tệ nhất là dù học ngành ngoại ngữ nhưng các em lười học từ mới, sử dụng phần mềm google dịch để dịch bài khóa.

Khi được giao bài tập, nhiều em lợi dụng mạng Internet để hỗ trợ làm bài. Khi gọi các em đứng lên dịch bài từ tiếng Trung sang tiếng Việt, các em dịch khá tốt. Tuy nhiên, khi thấy có câu nào dịch chưa sát nghĩa, tôi yêu cầu dịch lại thì các em lúng túng, không biết từ đó nghĩa là gì? Các em không giải thích được vì sao mình dịch được như vậy.

Tôi nghĩ một phần nguyên nhân là do các em lười, phần khác là do nhà trường không có sự quản lý chặt chẽ nên học sinh, sinh viên mới lạm dụng và bị phụ thuộc vào điện thoại như vậy. Do nhà trường không có chủ trương cấm sử dụng điện thoại nên khi lên lớp, tôi không dám tự ý cấm sinh viên dùng điện thoại.

Chỉ có vào các tiết kiểm tra giữa kỳ và thi cuối kỳ, tôi mới thu hết tài liệu, điện thoại của sinh viên để các em không thể chép bài trên Internet. Kết quả là nhiều em có điểm bài tập về nhà rất cao nhưng điểm thi giữa kỳ và cuối kỳ lại rất thấp. Lý do dễ hiểu là các em bị phụ thuộc vào điện thoại quá nhiều, không được sử dụng điện thoại là không làm được bài. Từ thực tế làm công tác giảng dạy ở một số trường đại học, cao đẳng, tôi thấy rằng thực sự cần thiết cấm học sinh, sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học.

Một số quốc gia trên thế giới cũng thí điểm việc này như Hà Lan, Pháp, Hy Lạp, Đan Mạch… cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường từ năm 2018. Con gái lớn của tôi đang học đại học năm thứ nhất tại Trường Đại học Eramus Rotterdam (Hà Lan). Quốc gia này quy định người đủ 18 tuổi trở lên mới được phép đăng ký mua sim điện thoại. Con gái tôi sinh vào tháng 12/2006 nên tại thời điểm này vẫn chưa được mua sim điện thoại.

Người Hà Lan rất ít sử dụng điện thoại, ít lướt mạng xã hội, ít chụp ảnh sống ảo. Họ chỉ nghe điện thoại trong giờ hành chính, ngoài giờ, hầu như rất khó liên hệ được với họ. Hai ngày cuối tuần là thời gian họ dành cho gia đình, hầu như không làm việc, không giải quyết công việc cơ quan, muốn liên hệ với họ càng khó hơn.

Điều này khác hoàn toàn so với Việt Nam. Học sinh, sinh viên Việt Nam hầu như lúc nào cũng cầm điện thoại bên người, không xem TikTok thì cũng xem Facebook, Zalo, Telegram, Intergram. Công chức, viên chức, người lao động dù tan làm nhưng thường xuyên làm việc ngoài giờ, nhận tin nhắn, điện thoại của cấp trên chỉ đạo làm việc bất kể thứ 7, Chủ nhật.

Cấm sử dụng điện thoại trong trường học: Nên hay không? | Báo Dân trí

Dẫu biết rằng điện thoại có nhiều tính năng phục vụ tốt cho việc học tập của học sinh, sinh viên. Thế nhưng, nếu giáo viên thiếu phương pháp quản lý hiệu quả, học sinh, sinh viên lại mê điện thoại thì việc cho các em sử dụng điện thoại trong trường, trong lớp học sẽ lợi bất cập hại. Để cấm hoàn toàn học sinh, sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học mà không làm giảm hiệu quả học tập, ngành Giáo dục có thể cân nhắc đến việc áp dụng một số biện pháp như:

Thứ nhất, phụ huynh phải có trách nhiệm và đồng hành cùng với nhà trường trong việc quán triệt cấm con em sử dụng điện thoại trong trường, trong lớp.

Thứ hai, nhà trường cần tổ chức nhiều sân chơi khác thay thế, giúp các em vận động thể chất hoặc phát huy các loại hình giải trí thông minh khác như âm nhạc, hội họa, giao tiếp xã hội.

Thứ ba, hãy để cho học sinh, sinh viên có sự cân bằng giữa học tập, nghỉ ngơi, thư giãn, rèn luyện. Vì khi trẻ cân bằng, chúng có rất nhiều mối quan tâm lành mạnh như đọc sách, chơi các trò chơi ngoài trời, du lịch dã ngoại, làm từ thiện, hoạt động cộng đồng… Những mối quan tâm này sẽ giúp chúng giảm thời gian tập trung vào sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội không cần thiết.

Thứ tư, phải trang bị đủ thiết bị máy tính được quản trị an toàn, chỉ cho phép vào những ứng dụng, trang web phục vụ học tập và kiểm tra.

Thứ năm, áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm minh đối với những trường hợp không tuân thủ quy định.

Thứ sáu, giáo viên, các nhà quản lý giáo dục không chỉ có trách nhiệm mà còn cần quan tâm, yêu thương, kiên trì đối với việc rèn học trò. Chúng ta quản lý việc sử dụng điện thoại trên cơ sở tôn trọng, phát huy tính tự nguyện tự giác của học sinh, sinh viên.

Thứ bảy, ngành Giáo dục cần nghiên cứu kỹ cách làm, cách giáo dục trẻ em của các nước đã áp dụng việc cấm sử dụng điện thoại thành công như học sinh, sinh viên chỉ được phép dùng điện thoại trước khi đến và sau khi rời khỏi trường; yêu cầu học sinh, sinh viên để điện thoại ở nhà; giao điện thoại cho nhà trường cất giữ hoặc để trong tủ khóa khi đến trường… Học sinh, sinh viên vi phạm sẽ bị tịch thu điện thoại. Giáo viên cũng không sử dụng điện thoại trong trường học trừ trường hợp cần thiết phục vụ công việc.

Tôi cho rằng cấm học sinh, sinh viên dùng điện thoại ở trường nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên không gian mạng. Và đây cũng là điều mà ngành Giáo dục nên quan tâm, nghiên cứu để sớm áp dụng biện pháp triệt để vì một môi trường học đường lành mạnh, hiệu quả và có chất lượng.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang