Căn bệnh nếu diễn biến nặng sẽ khiến xương giòn và xốp, chỉ ho cũng có thể gãy

(lamchame.vn) - Theo khuyến cáo của các chuyên gia, hiện nay có khoảng 80% người mắc căn bệnh này vẫn chưa được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Loãng xương và những dấu hiệu cảnh báo

TS.BS. Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết cơ thể con người luôn diễn ra 2 quá trình: tạo xương và huỷ xương. Nếu quá trình tạo xương giảm và quá trình huỷ xương tăng, xương sẽ suy giảm về chất lượng và số lượng. Hậu quả là xương giòn, dễ gãy.

Người lớn tuổi có nguy có bị loãng xương cao hơn những nhóm đối tượng khác. Tuy nhiên, loãng xương có thể gặp ở nhóm đối tượng trẻ mắc một số bệnh lý khiến quá trình loãng xương đến sớm.

Ngoài ra, một số trường hợp tự ý dùng thuốc có thành phần corticoid kéo dài cũng khiến cho quá trình huỷ xương diễn ra nhiều hơn quá trình tạo xương.

Ở người cao tuổi, có nhiều yếu tố làm cho quá trình huỷ xương gia tăng: suy giảm hormone; chế độ ăn khiến cho quá trình hấp thu canxi, vitamin D bị hạn chế; rối loạn nội tiết trong cơ thế...

Loãng xương ở giai đoạn sớm gần như không có triệu chứng. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng đau mỏi ở xương dài. Loãng xương nặng có thể khiến gãy xương xảy ra do té ngã nhẹ. Thậm chí có những bệnh nhân loãng xương nặng, chỉ ho cũng có thể bị gãy xương sườn.

Căn bệnh khiến xương giòn, mủn, xốp chỉ còn ho cũng có thể gãy - Ảnh 1.

Bác sĩ Cao Thanh Ngọc đang khám cho bệnh nhân. Ảnh M.T

Điều trị loãng xương thế nào?

Theo bác sĩ Cao Thanh Ngọc, trong điều trị loãng xương, việc bổ sung các chất cung cấp sức mạnh cho xương như canxi và vitamin D là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, không vì thế mà người bệnh có thể nhầm tưởng rằng loãng xương chỉ cần uống canxi là ổn. Thực tế, canxi chỉ như vật liệu xây dựng, chỉ là điều trị hỗ trợ.

Đối với trường hợp loãng xương ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ khuyến cáo tăng cường vận động thể dục thể thao ngoài trời để hấp thu vitamin D, ăn đầy đủ dinh dưỡng, có thể bổ sung thêm canxi.

Đối với trường hợp loãng xương nặng thì cần điều trị lâu dài. Thời gian điều trị thông thường là 5 năm với thuốc biphosphonate uống và 3 năm với thuốc biphosphonate truyền tĩnh mạch. Sau thời gian đó, các bác sĩ sẽ đánh giá lại đáp ứng điều trị và có thể cân nhắc tạm ngưng điều trị nếu mật độ xương cải thiện. Nếu mật độ xương chưa cải thiện, việc điều trị có thể kéo dài hơn tùy từng trường hợp cụ thể.

ThS BS. Nguyễn Châu Tuấn - Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết để điều trị loãng xương đúng, người bệnh cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ về cách uống, thời điểm, đặc biệt là khi dùng thuốc biphosphonate. Tiếp theo, để điều trị đủ, người bệnh cần phối hợp cả biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.

Người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống cân đối với đầy đủ các chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa và rau xanh. Đồng thời, người bệnh cần tăng cường các bài tập rèn luyện sức cơ và khả năng thăng bằng như yoga, đạp xe đạp... Cuối cùng, muốn điều trị hiệu quả, người bệnh cần tái khám định kì để các bác sĩ có thể đánh giá tình trạng bệnh và điều chỉnh nếu cần thiết.

Theo bác sĩ Tuấn, loãng xương có thể dẫn đến hậu quả đáng sợ là gãy xương. Trong đó, té ngã là nguyên nhân chính gây gãy cổ xương đùi, gãy lún đốt sống ở những bệnh nhân loãng xương. Do vậy, khi có bất cứ vấn đề về xương người dân nên kiểm tra sớm để được khám và điều trị đúng cách.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang