Ung thư phổi vì sao khó phát hiện sớm?
Mới đây, một người quản lý cũ của diễn viên Mai Phương (sinh năm 1985) chia sẻ thông tin bà mẹ đơn thân Mai Phương bị mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Hiện Mai Phương đang phải điều trị chứng mục xương (bảo tồn xương) sau đó mới có cách chữa trị ung thư phù hợp. Được biết diễn viên Phương phát hiện ung thư phổi cách đây 3 tuần sau khi đi khám vì triệu chứng ho kéo dài, sức khỏe giảm sút.
Ung thư phổi khó phát hiện sớm do triệu chứng không rõ ràng, ảnh minh họa.
Theo TS. Đinh Văn Lượng, Phó Giám đốc Trung tâm Ung thư Phổi Quốc gia, Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện Phổi Trung ương, ung thư phổi là một trong những căn bệnh ác tính dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị. Nhưng tiên lượng ung thư phổi thường rất dè dặt do bệnh nhân thường đến khám khi đã ở giai đoạn muộn.
Có nhiều trường hợp bệnh nhân khi tới gặp bác sĩ để khám chỉ mới ho kéo dài 2 tuần không dứt nhưng ung thư đã di căn xương. Ung thư phổi khó phát hiện sớm là do bệnh thường diễn biến rất âm thầm, các triệu chứng thường không rõ ràng hoặc bệnh không có triệu chứng. Bệnh khi diễn biến có triệu chứng rõ ràng như ho nhiều, ho kéo dài… mới đến khám đã ở giai đoạn muộn.
Tiên lượng ung thư phổi khi có di căn xương
Tiên lượng của bệnh ung thư phổi sẽ phụ thuộc vào tiền sử bệnh, thể trạng, loại mô học ung thư, giai đoạn ung thư, phương pháp điều trị và phản ứng với điều trị.
“Với những bệnh nhân ung thư phổi đã di căn xương tiên lượng điều trị rất dè dặt, vì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Điều trị cho bệnh nhân lúc này chủ yếu là điều trị giảm triệu chứng, bệnh nhân đau thì dùng thuốc giảm đau, khó thở thì hỗ trợ thở máy… Riêng với bệnh nhân có di căn xương có thể xảy ra nguy cơ gãy xương. Bệnh lý tùy thuộc vào vị trí của khối u cư trú”, TS.BS Lượng nói.
Di căn trong ung thư phổi thường gặp như hạch thượng đòn, di căn da thành ngực, di căn não, di căn xương, di căn gan… Ở Việt Nam tỷ lệ người bị mắc ung thư phổi khá cao nhưng nguyên nhân gây ra căn bệnh này chưa rõ ràng. Tuy nhiên một số yếu tố nguy cơ gây bệnh như: hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động, ô nhiễm không khí, làm việc trong môi trường tiếp xúc với bức xạ (uranimun, mỏ cromate), người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất như công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa, khí đốt… Một số yếu tố khác gây ra ung thư phổi như độ tuổi (càng cao nguy cơ mắc cao hơn), người bị tổn thương phổi (sẹo tổn thương phổi), di truyền…
90% người bị ung thư phổi bị nghiện thuốc lá nặng, trong khói thuốc lá có hơn 40 chất gây ra ung thư. Người không hút thuốc lá nhưng thường xuyên tiếp xúc lâu với môi trường khói thuốc (hút thuốc lá thụ động) cũng có nguy cơ bị mắc ung thư như người hút thuốc lá chủ động. Điều này lý giải tại sao một số phụ nữ không hút thuốc lá nhưng vẫn bị mắc ung thư phổi do hút thuốc lá thụ động.
TS. BS Lượng cho hay: “Cách phát hiện ung thư phổi sớm cần phải chụp phổi (chụp lồng ngực thẳng và đứng) thường quy 6 tháng/lần để sàng lọc ung thư. Đặc biệt ở nhóm người có yếu tố nguy cơ cao hút thuốc, tuổi cao, làm trong môi trường phóng xạ, hóa chất…”.
Để phòng ung thư phổi nên có một lối sinh hoạt khoa học và tốt cho sức khỏe, đặc biệt tránh xa khói thuốc. Mọi người nên thăm khám sức khỏe định kỳ, chụp Xquang tim phổi để tầm soát ung thư phổi sớm.
Theo emdep.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.