Hoa khôi đá cầu qua đời vì bệnh ung thư vú di căn
Nguyễn Thị Huyền Trang, sinh năm 1985 là cái tên từng rất nổi tiếng của làng đá cầu Việt Nam và thế giới. Cô đã giành giải vô địch thế giới khi mới 20 tuổi, cùng loạt thành tích sáng chói trong SEA Games.
Năm 2013, Huyền Trang phát hiện mình có khối u ở ngực nhưng các bác sĩ chỉ kết luận đó là khối u lành tính. Sau đó cho rằng cô bị lao xương khi những cơn đau bắt đầu ảnh hưởng đến chuyện đi lại. Phải đến khi Huyền Trang mổ cột sống, kết quả sinh thiết mới cho thấy tế bào ung thư đã di căn vào xương, đồng nghĩa với việc bệnh đã đi vào giai đoạn rất khó chữa trị.
Nguyễn Thị Huyền Trang, hoa khôi đá cầu từng giành được nhiều thành tích.
Căn bệnh ung thư vú phát triển quá nhanh, di căn vào xương khiến cô liệt nửa người, nhiều lần chết đi sống lại. Sau một thời gian dài chữa trị, sáng 23/7, cô tuyển thủ xinh đẹp, tài năng đã mãi mãi ra đi trong niềm tiếc thương của người thân, bạn bè.
Căn bệnh ung thư vú mà nữ tuyển thủ mắc phải đáng sợ thế nào?
Ung thư vú là tình trạng khối u ác tính phát triển ở các tế bào vú. Khối u ác tính này tập hợp các tế bào ung thư có thể phát triển rất nhanh ở các mô xung quanh, hoặc có thể lan ra (di căn) các cơ quan khác trong cơ thể. Ung thư vú hầu hết xảy ra ở nữ giới, nhưng nam giới cũng có thể mắc bệnh này.
Di căn là biến chứng nghiêm trọng nhất của ung thư vú. Đó là khi một số tế bào từ khối u vỡ ra và di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể - thông qua máu hoặc các mạch bạch huyết - xâm nhập mô ở các vị trí mới, có thể ở xa. Khi các tế bào ung thư vú di căn, nó dễ xảy ra ở các hạch bạch huyết, phổi, gan, xương, não và da.
Cô được chẩn đoán bị ung thư vú di căn sang xương.
Có Khoảng 70% trường hợp ung thư vú di căn sang xương. Khi tế bào ung thư lan sang xương thì chúng có thể phá hủy xương, gây loãng xương nghiêm trọng nhất là dẫn đến gãy xương. Khi đã di căn vào xương, bệnh ung thư vú đã ở giai đoạn 4 - giai đoạn cuối và khó có thể chữa khỏi.
Dấu hiệu nhận biết khi ung thư di căn sang xương
- Đau nhức xương khớp, xương dễ gãy;
- Nếu tế bào ung thư phát triển trong hoặc gần cột sống, chúng cũng có thể gây áp lực lên tủy sống và các dây thần kinh liền kề. Áp lực này gây đau lưng, cổ, khó đi lại.
- Tăng nồng độ canxi trong máu, dễ dẫn đến các vấn đề như sỏi thận, suy thận, vấn đề thần kinh,…
Bức ảnh 12 quả chanh giúp nhận biết dấu hiệu ung thư vú.
Những đối tượng dễ mắc ung thư vú
Bạn có nguy cơ bị ung thư vú nếu bạn rơi vào các trường hợp dưới đây:
- Phụ nữ trên 50 tuổi: Theo một khảo sát ở Mỹ, có dưới 5% phụ nữ dưới 50 tuổi bị ảnh hưởng bởi căn bệnh ung thư vú. Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên khi bạn bước sang tuổi 50 và cao nhất ở phụ nữ trên 70 tuổi.
- Từng bị ung thư ở một bên vú.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú: Nếu trong gia đình bạn, những người thân cận nhất có tiền sử bị ung thư vú thì bạn cũng nên kiểm tra định kỳ.
- Phụ nữ có gen di truyền: Các nhà khoa học đã xác định một số gen có đột biến dẫn đến ung thư vú, trong đó đứng đầu danh sách là gen BRCA1 và BRCA2. Bởi vì có đến 45-65% phụ nữ có đột biến di truyền 2 gen này mắc bệnh ung thư vú.
- Có kinh nguyệt trước 12 tuổi: Phụ nữ có kinh nguyệt sớm (trước tuổi 12) và mãn kinh muộn (sau tuổi 55) có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú do chịu tác động lâu dài của nội tiết tố nữ estrogen và progesterone.
- Có con muộn hoặc vô sinh.
Theo giadinh.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.