Cần xem xét xử lý tội đưa hối lộ với người thân của thí sinh được sửa điểm

(lamchame.vn) - Theo Luật sư Đặng Văn Cường, nếu những phụ huynh, người thân của các thí sinh đưa tiền, lợi ích vật chất cho các đối tượng sửa điểm thì cũng phải bị xử lý về tội đưa hối lộ.

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Trong vụ án gian lận thi cử tại Hòa Bình, có đối tượng thừa nhận đã nhận 550 triệu đồng để sửa điểm. Điều này đồng nghĩa với việc có dấu hiệu của hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Do đó, cần làm rõ hành vi này để xử lý theo quy định pháp luật tất cả các đối tượng có liên quan.

Mới khởi tố tội danh "lợi dụng chức vụ, quyền hạn..." là chưa đủ

Theo ông Cường, hiện nay cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố các đối tượng nâng điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La về một tội danh là lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015 mà chưa làm rõ được động cơ, mục đích nâng điểm và những quyền lợi mà những đối tượng này có được khi thực hiện hành vi nâng điểm cho một loạt thí sinh ở nhiều địa phương như vậy.

“Nếu các đối tượng trên nâng điểm vì thành tích của trường, của địa phương mà không vì lợi ích cá nhân thì phải có chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo địa phương và ngành giáo dục... Cách thức và kết quả nâng điểm cũng sẽ khác với những trường hợp ở các tỉnh này, và nếu như vậy thì phải xử lý tất cả những người có liên quan. Còn nếu nâng điểm cho một số em như vậy thì cũng cần làm rõ những thí sinh đó là con em của các gia đình nào? Có phải là con em nông dân, công nhân, đồng bào dân tộc thiểu số hay là con em của các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nhà quan chức?”.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khám nhà ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm Hội đồng thi Hòa Bình - cán bộ liên quan đến gian lận thi cử ở Hòa Bình

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khám nhà ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm Hội đồng thi Hòa Bình - cán bộ liên quan đến gian lận thi cử ở Hòa Bình

Ông Cường cho rằng, đối với việc đối tượng được nhận hơn 500 triệu đồng để nâng điểm, trường hợp này có căn cứ để khởi tố về tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Khi đó, những phụ huynh, người thân của các học sinh này là những người đưa tiền, lợi ích vật chất để các đối tượng đó sửa điểm cũng phải bị xử lý về tội đưa hối lộ theo quy định trên. Tùy vào mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Cần xem xét có hành vi đưa hối lộ hay không? Chẳng hạn nhận sửa điểm để cầu lợi… từ một ai đó thì cũng là tội nhận hối lộ, không chỉ là vật chất nhìn thấy được. Muốn vậy, phải xác định nhân thân đối tượng được nâng điểm, như thế mới có cơ sở để nhận xét, phán đoán nâng điểm vì thành tích chung hay vì lợi ích cá nhân. Phải làm rõ động cơ mục đích để xác định cho đúng tội danh”.

Còn nếu kết quả điều tra cho thấy các đối tượng đã sửa điểm cho các thí sinh từ một điểm số rất thấp đến một kết quả từ 28 điểm trở lên và các thí sinh phần lớn đều đăng ký vào các trường thuộc lực lượng vũ trang như công an, quân đội, thì theo ông Cường, như vậy là có dấu hiệu của hành vi chạy trường, chạy điểm chứ không phải là nâng điểm để cho thành tích của nhà trường.

Cần làm rõ danh tính phụ huynh và trách nhiệm của thí sinh

Ông Cường cho rằng cần phải làm rõ danh tính các phụ huynh đã tác động để sửa điểm, nâng điểm đồng thời cũng làm rõ trách nhiệm của từng thí sinh. Trong trường hợp những thí sinh đó xúi giục hoặc giúp sức cha mẹ, người thân tác động để sửa điểm thì các em này cũng phải liên đới chịu trách nhiệm, nếu khởi tố hình sự thì phải là đồng phạm trong vụ án đó.

“Trước sự nghi ngờ của cả cộng đồng và để thực hiện việc công khai, minh bạch thông tin và xử lý vụ việc một cách công bằng, đúng pháp luật thì không có lý do gì để không công khai danh tính những đối tượng được sửa điểm và những đối tượng đã tác động để sửa điểm. Đồng thời, phải xem xét trách nhiệm pháp lý của những đối tượng này theo quy định pháp luật và công khai để nhân dân được biết, giám sát hoạt động tư pháp.

Nếu chứng minh được những người đó có tác động vật chất để sửa điểm thì phải khởi tố những người này vì tội đưa hối lộ, đồng thời những người nhận được lợi ích vật chất kể cả là hứa hẹn thăng chức, tăng lương, hoặc các lợi ích vật chất khác thì đều là nhận hối lộ.

Còn khi cơ quan điều tra không chứng minh được là có sự tác động của các phụ huynh thì không thể xử lý họ được. Nói cách khác, nếu họ không tác động mà tự bị sửa điểm của con thì họ vô can”, ông Cường nói.

Đưa hối lộ được hiểu là hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (của hối lộ) dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn để họ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Việc đưa của hối lộ có thể là do người phạm tội chủ động đưa cho người có chức vụ, quyền hạn nhưng cũng có thể đưa của hối lộ theo gợi ý, đòi hỏi của người có chức vụ, quyền hạn.

Việc đưa hối lộ có thể thực hiện một cách trực tiếp, nhưng cũng có thể thực hiện một cách gián tiếp (qua người môi giới).

Thời điểm hoàn thành tội phạm này được tính từ thời điểm một bên chấp nhận đề nghị hoặc yêu cầu của bên kia. Trên thực tế có trường hợp bên đưa hối lộ không có thỏa thuận trước với người có chức vụ, quyền hạn nhưng thực hiện việc đưa của hối lộ đồng thời với việc đưa ra yêu cầu đối với người có chức vụ, quyền hạn và người đó đã chấp nhận (tức vừa nhận của hối lộ vừa chấp nhận đề nghị của người đưa hối lộ), thì thời điểm hoàn thành tội phạm này tính từ thời điểm người có chức vụ, quyền hạn chấp nhận đề nghị của bên đưa hối lộ, đây cũng đồng thời là thời điểm hoàn thành tội nhận hối lộ.

Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Phạm tội 2 lần trở lên;

e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 7 đến 12 năm.

4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang