Sở Y tế Hà Nội nhận định, nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn thành phố là hiện hữu nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể với ngành y tế để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.
Ghi nhận tại Bệnh viện E, trong 3 tuần trở lại đây tiếp nhận mỗi ngày 10-15 trường hợp tới khám TCM. ThS.BS. Trương Văn Quý - Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, riêng trong ngày 7/7, đã có 4 bệnh nhi phải nhập viện vì có biểu hiện của TCM cấp độ 2.
Cần cảnh giác các ca bệnh tay chân miệng.
Khi phát bệnh ở mức độ 2 trở lên, bệnh nhân sẽ sốt li bì, giật mình, run tay chân, đi đứng loạng choạng. Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp còn xuất hiện triệu chứng tại cơ quan hô hấp và tuần hoàn như suy tuần hoàn, phù phổi cấp...
Theo BS. Qúy: 4 trường hợp này đều là các bé trai 13-17 tháng có chung các biểu hiện như sốt cao 39-40 độ, nổi phỏng nước trên da và giật mình. Trong đó, 1 bệnh nhi có tình trạng giật mình 10 phút/lần trong đêm. Sau thời gian điều trị, sức khoẻ của các bé đã ổn định, tỉnh táo, hạ sốt và hết hiện tượng giật mình.
Đặc biệt, trong số 4 bệnh nhi này, ngoài 1 trường hợp xác định được nguồn lây nhiễm là người anh trai bị TCM cách đây 1 tuần thì các trường hợp còn lại đều không rõ nguồn lây. TCM là bệnh có thể gặp quanh năm nhưng 2 khoảng thời gian xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhất là tháng 4-6 và tháng 9-10.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, đối với các dịch bệnh lưu hành khác như sởi, sốt xuất huyết, TCM, ho gà, viêm não Nhật Bản..., mặc dù ghi nhận số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lại đang có xu hướng gia tăng nhanh trong những tuần gần đây tạo điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch trên địa bàn thành phố nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể với ngành y tế để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch một cách chủ động.
Chính vì vậy, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, TTYT các quận, huyện quyết liệt triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Thực hiện duy trì tiêm chủng hàng tuần tại trạm y tế xã, phường, thị trấn để tăng cường cơ hội tiêm chủng cho trẻ, hạn chế việc tiêm muộn, hoãn tiêm. Phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học đặc biệt là công tác phòng chống bệnh TCM tại các trường mầm non mẫu giáo.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.