Cặp vợ chồng U70 vẫn ngọt như mật ấy tên thật là Trần Văn Thanh và Nguyễn Thị Thu. 3 năm qua, ông bà Nguyễn Trần - Thu Thanh không nhớ nổi đã cùng nhau thực hiện bao nhiêu chuyến đi. Bà bảo năm 2018, ước chừng có 24 chuyến, trong đó có 5-6 chuyến nước ngoài.
Không phải lúc nào ông bà cũng thu xếp được để đi cùng nhau. Chuyến Shangrila đầu tháng 8 vừa rồi, ông đi một mình cùng hội bạn bè. Tối tối, bạn rủ nhau đi thăm thú ăn uống, ông ở nhà bật zalo lên nói chuyện với bà, rồi bảo bà livestream phim "Về nhà đi con" để hai vợ chồng cùng xem.
Năm ngoái, ông rủ ông thông gia đi xuyên Việt. Trước khi đi, ông nhắn bà thông gia sang nhà mình chơi để vợ ông có người hàn huyên. Ông bảo mỗi khi đi một mình, lo nhất là bà phải chăm con chó Coco. "Coco nặng 40 cân, bạn ấy thì bé nhỏ thế này. Mình phải dặn kĩ, nếu em đưa nó đi dạo nhé, em phải cầm cái roi thế này, em phải dọa nó thế này này thì nó mới cho em yên, không em ngã thì khổ".
Ông Trần Văn Thanh là thầy giáo dạy văn, còn bà Nguyễn Thị Thu làm kế toán. Những năm 80, cuộc sống vất vả, ông tranh thủ trưa tối và cuối tuần đi bán hàng, bà thì thuê lại 4 sào ruộng để trồng cấy. Muốn trồng trọt lại phải có phân bón, thế là nuôi thêm vài con lợn. Người ta làm đồng ban ngày, bà làm đồng buổi tối, quanh năm ngày tháng lúc trồng lúc hái lúc cắt cỏ về rải chuồng ủ phân. Cơm nước cho con cái xong hai vợ chồng lại cuốc đá nung vôi vừa bán vừa xây nhà. Cứ thế từ sáng sớm tới đêm khuya.
Rồi bà thấy hai vợ chồng cùng làm công chức thế này thì chết đói, bà xin nghỉ một cục, về nhà buôn bán. Ông miệt mài với văn chương và bục giảng, một tay bà vừa chăm con vừa nội trợ vừa kiếm đồng ra đồng vào phụ chồng, vừa tham gia công tác Hội phụ nữ. Nhà ông lại đông cháu, thương các em nghèo khó, lo các cháu không có tương lai, ông đem hết cháu chắt về nhà nuôi ăn nuôi học. Lại tay bà săn sóc cho 7,8 đứa cháu nhà chồng. Con cái, công việc cứ cuốn ông bà đi qua tuổi thanh xuân chật vật lam lũ, tuổi trung niên bươn bải lo toan, chưa từng mơ về một ngày dung dăng dắt tay nhau đi khắp thế gian.
Nhưng 8 năm trước, người con trai duy nhất của ông bà đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Nỗi mất mát quá lớn khiến bà chìm dưới đáy vực. Còn ông nghiệm ra rằng, cuộc đời này vô thường quá. "Cuộc sống này quả thật không ai biết trước chuyện gì xảy ra. Nay còn khỏe mạnh ngồi bên nhau, mai không biết thế nào. Nên có điều kiện thì cứ thỏa mãn nhu cầu cuộc sống. Vậy là đi thôi. Đi để vực bạn ấy dậy. Dần dần bọn mình vượt qua, cảm thấy chấp nhận và hạnh phúc", ông thổ lộ.
Nói về chuyện tận hưởng cuộc sống bằng cách xê dịch dù tuổi đã xế chiều, ông kể: "Mình dạy văn lớp 9, trong sách giáo khoa văn có trích đoạn Bến quê của Nguyễn Minh Châu kể về nhân vật Nhĩ, người thời trẻ chu du khắp thế giới nhưng về già thì ốm liệt một chỗ. Ngày ngày nhìn qua cửa sổ sang bên kia sông, anh ta thấy một bãi bồi rất đẹp, khao khát được đặt chân tới mà không thể đi, tiếc nuối vô cùng. Cuộc đời mà cứ để tiếc thì rất phí".
Thế là ông bảo vợ "Đừng để dành em ạ, ít của để dành thì tốt hơn". Mỗi tháng lương hưu của ông cộng với tiền nhặt nhạnh của bà dồn cho những chuyến đi khắp mọi miền đất nước. Có khi còn phải lấy tiền trước trong quỹ góp cùng vài người họ hàng để đi chơi, xong về trả sau.
Ông bảo, vui nhất là được đi cùng nhau, không đi cùng được thì nhớ lắm. "Như hôm mình đi Shangrila ấy, tận 6 ngày. Lúc ngồi trên xe ô tô đi về phía Bắc lên cửa khẩu, trời mưa, bên ngoài cửa xe mù mịt, thấy mỗi lúc một xa quê, xa vợ, tự nhiên bồi hồi nhớ thời trẻ yêu nhau cũng xa nhau thế này, vợ thì ở nhà một mình… Nói vậy chứ thi thoảng cũng nên xa nhau một tí mới thấy nhau có giá trị, chứ ở nhà 24/24 ra vào lại lườm nhau", ông cười.
Một năm sau khi con trai mất, vị đại diện họ tộc nhà Trần lên nhà ông bà ăn cơm và nói thẳng với bà rằng: "Để Thanh đi lấy vợ mới, kiếm thằng con trai khác nối dõi tông đường".
Bà nuốt nước mắt vào trong, không dám phản đối. Còn ông đáp: "Vợ con cả đời hi sinh cho con, giờ bảo con bỏ cô ấy mà đi bước nữa thì con không làm được".
Nghĩ do bà giữ chồng, đích thân họ hàng nhà bà tới nhà khuyên giải, bảo bà cho ông đi kiếm con. Bạn bè nhiều người còn công khai rủ ông đi gặp mối nọ mối kia. Ông từ chối không nổi, đành nói khéo là "tôi thiếu gì chỗ để đi lại, nhưng chưa thích".
"Vợ mình đã khổ vì việc mất con rồi, giờ còn mỗi ông chồng cũng bỏ đi nốt thì sống sao được. Mình mà dấn thêm thì ác quá. Nhu cầu thì ai chả muốn, nhưng mình bằng lòng với số phận, sống với vợ con cho tròn vai. Nếu mình làm sai, người khổ chính là vợ mình", ông thổ lộ.
Ông bảo, ông chẳng lo chuyện khói hương, đời người chết là chết. Mà còn lũ cháu do chính tay ông bà nuôi ăn học trưởng thành. Còn người con rể hiếu thuận như con ruột. Lại được gia đình thông gia hiểu biết, hòa hợp, xem nhau như anh em một nhà.
Ông cũng chẳng lo chuyện già cả không ai ở bên chăm sóc. "Mình với bạn ấy còn ở bên nhau thì còn chưa phiền lụy tới con cái. Mình cũng phòng xa hết cả rồi. Mình bảo với bạn ấy, nhà mình có hai lô đất, nếu anh có mệnh hệ gì mà tạm biệt em đi trước, em cho con gái mình 1 lô, phần bên kia bán được hơn 1 tỷ em gửi ngân hàng rồi chọn một viện dưỡng lão xịn sống cho vui vẻ. Còn chẳng may số anh nhọ mà em bỏ anh đi trước thì anh cũng làm thế. Để con cái tự do lo cho cuộc sống riêng nó, mình tìm đến bạn bè, tìm những người đồng trang lứa, sở thích với mình, ung dung tự tại".
Bà góp lời: "Tôi cũng nghĩ vậy đấy. Tôi và mấy bà bạn cùng tuổi vẫn nói với nhau, mai này Hiệp Hòa có người xây viện dưỡng lão, chị em mình vào đấy ở tất cho vui nhé".
Từ ngày về hưu, ông giúp cháu trai điều hành một quỹ từ thiện của huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang với hàng nghìn thành viên, thành ra lại bận rộn hơn cả lúc đang công tác. Bà cũng góp sức tích cực cùng với hội phụ nữ khu. Ngày ngày, có ai đến cậy nhờ giúp đỡ, hay thông báo về hoàn cảnh nọ kia, ông đều vác xe máy đi đến tận nơi tìm hiểu thực tế, xác minh thông tin, rồi chụp ảnh, quay phim, viết bài đăng lên trang web của của câu lạc bộ để vận động quyên góp. Mỗi tháng hai lần, nhà của ông bà là nơi nấu cơm từ thiện cho bệnh viện đa khoa Hiệp Hòa. Người mang đến mớ rau, người mang cân thịt, người góp bìa đậu phụ, còn trong nhà có gì ông bà mang ra phục vụ hết.
Bà kể, nhà chỉ có hai vợ chồng nhưng chẳng mấy khi được ăn cơm đúng bữa. Bà cơm nước xong xuôi thì ông còn bận viết dở bài. Ông viết bài xong thì khách lại tới nhà. "Mà người ta cần mình giúp, mình không để người ta chờ được. Cơm canh ngày nào cũng nguội mới được ăn. Đêm hôm ông ấy cũng lọ mọ bài vở tới khuya", bà kể. Ông nối lời: "Thì đã giúp phải giúp cho trót. Cứu người như cứu hỏa mà".
Bận rộn thế nhưng ông vẫn có thời gian làm thơ tặng bà đều đặn. Hỏi bà có thuộc câu thơ nào của ông không, bà chẳng ngại bảo: "Chả thuộc được". Ông nghe thấy thế thì nói mát: "Nói chung thơ chồng ít hay, ít làm vợ rung động!".
Mỗi dịp lễ 20/11, 8/3 và cả ngày "va lung tung" theo cách nói dí dỏm của ông, bà bảo ông đều có hoa. Đi xa về bao giờ cũng có quà cho vợ. "Quà thì cũng có cái hợp ý, có cái không nhưng mà ông ấy đã mua về rồi thì cũng cứ thank you hết", bà cười.
Nếu không đi du lịch, một ngày của hai ông bà lúc nào cũng tất bật từ sáng sớm tới đêm khuya. Bà đau khớp nên tập thể dục tại nhà, ông thì đi bộ và dắt con Coco đi dạo. Về tới nhà thì bà cũng đã nấu ăn sáng xong chờ ông về. "Thích nhất là bạn ấy nấu ăn sáng", ông khoe. Thi thoảng mỏi mệt không muốn nấu, ông sẽ đèo bà đi ăn hàng thay đổi chút không khí.
Hai ông bà sắp lên chức ông bà ngoại. Bà bảo đợt tới chắc bận rộn rồi, không đi nhiều được nữa. Còn ông trấn an: "Em lo gì, có hai bà cơ mà. Bà ngoại lên thì bà nội về, bà nội lên thì bà ngoại về. Về rồi lại đi chơi với anh!".
theo Helino
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.