Hạ Nhân (Trung Quốc) năm nay 8 tuổi, đang học lớp 3 tại một trường tiểu học. Bố mẹ cậu kinh doanh buôn bán nhiều năm, kinh tế gia đình ở mức khá giả. Một lần mẹ đi công tác ở Mỹ đã mua cho cậu một bộ quần áo hàng hiệu rất đẹp, có giá 10.000 NDT (khoảng 36 triệu đồng). Hạ Nhân lấy làm khoái chí, thường xuyên mặc bộ đồ đến trường.
Trong một lần ăn cơm trưa, bạn học ngồi cạnh vô tình làm bắn cà ri nên bộ quần áo của Hạ Nhân. Cậu bé lập tức nổi giận, lớn tiếng nói: "Đây là bộ quần áo của nhãn hàng thời trang nổi tiếng trên thế giới mà mẹ tớ đã mua cho. Giờ cậu làm bẩn nó, liệu cậu có đủ tiền đền không?".
Không ai dám lại gần Hạ Nhân bởi vì sợ làm bẩn quần áo cậu (Ảnh minh hoạ)
Sau đó, dưới sự hoà giải của cô giáo, người bạn đã xin lỗi và Hạ Nhân cũng bỏ qua chuyện. Nhưng kể từ đó, các bạn trong lớp không dám chơi với Hạ Nhân. Cậu bé bị cô lập, luôn lủi thủi một mình. Cậu về khóc với mẹ, nói rằng bị các bạn xa lánh, kỳ thị. Nghe vậy, mẹ cậu rất ngạc nhiên, bèn đến gặp cô giáo để hỏi rõ sự tình.
Hoá ra, quần áo của Hạ Nhân quá đắt, các bạn cảm thấy tự ti nên không dám chơi với cậu. Nhiều bạn thì bày tỏ lo sợ không có nhiều tiền để đền nếu không may làm bẩn đồ của Hạ Nhân. Ngoài ra, các bạn còn nhận xét Hạ Nhân có tính cách kiêu ngạo, khó gần nên không muốn chơi cùng.
Qua câu chuyện trên, chắc nhiều bậc phụ huynh đã rút ra được bài học lớn trong việc nuôi dạy con. Việc mua quần áo, đồ dùng đắt tiền gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
- Kích thích tâm lý so sánh của trẻ: Nếu bố mẹ nuông chiều con quá mức, thường xuyên mua cho đồ đắt tiền sẽ khiến trẻ sinh ra tính cách ngang ngược, khó bảo. Trẻ thường so sánh những thứ trên người mình với mọi người. Và khi thấy người khác có đồ tốt hơn sẽ đòi mua bằng được. Nếu bố mẹ không uốn nắn kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách của con.
- Không có lợi cho việc trau dồi tính chăm chỉ của trẻ: Hầu hết những đứa trẻ ngày nay lớn lên trong môi trường đủ đầy, không lo thiếu cái ăn cái mặc như trước đây. Vì thế, nếu bố mẹ đáp ứng yêu cầu của con một cách mù quáng sẽ khiến con trở nên lười biếng, không muốn lao động. Điều này gây bất lợi cho quá trình trưởng thành của con.
- Hình thành nhận thức không đúng đắn: Những giá trị của trẻ được hình thành từ nhỏ. Nếu trẻ lớn lên trong điều kiện kinh tế dư dả, bố mẹ không giáo dục về giá trị đồng tiền một cách đúng đắn sẽ gây ra những suy nghĩ lệch lạc. Chẳng hạn như trẻ đặt tiền lên hàng đầu, ham lợi nhuận, dễ bị cám dỗ bởi đồng tiền. Bố mẹ trao cho con điều kiện kinh tế sung túc là tốt nhưng cần giáo dục con cả về kỹ năng sống và những giá trị khác.
Bố mẹ không nên cho con mặc quần áo và sử dụng đồ dùng đắt tiền (Ảnh minh hoạ)
Dù ngày nay cuộc sống các gia đình đều sung túc nhưng việc giáo dục con không chỉ dựa vào điều kiện kinh tế mà còn phải có phương pháp dạy tốt. Bố mẹ không nên nuông chiều con bởi sẽ khiến con sinh hư. Hãy dạy con biết nghe lời, biết chăm chỉ học tập và lao động. Đây mới là điều có lợi cho tương lai sau này của con.
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/cau-be-8-tuoi-bi-cac-ban-cung-lop-xa-lanh-so-hai-khong-dam-choi-cung-me-soc-nang-khi-biet-nguyen-do-hoa-ra-vi-1-bo-quan-ao-162221104080003684.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.