Món quà bất ngờ
Cách đây vài năm, mạng xã hội đã chia sẻ câu chuyện xúc động về bà cụ bán chè bị tật nơi cánh tay, dây thanh quản bị tổn thương nên chỉ có thể nói chuyện thều thào. Xót xa trước hoàn cảnh của cụ bà gầy gò, nhiều bạn trẻ đã đến mua chè ủng hộ cụ. Đó chính là bà nội của em Nguyễn Thanh Trí (SN 2004, ngụ quận 4, TP.HCM).
Tháng 8/2021, Covid-19 đã vĩnh viễn mang bà của Trí đi. Em nhớ lại: "Lúc đó, em còn đang ở khu cách ly tại quận 2, bà thì ở nhà. Bà đi mà em không kịp gặp, chẳng thể nói lời từ biệt nào. Từ bé đến lớn, em sống cạnh nội, được bà chăm cho từng giấc ngủ, bữa cơm. Mất bà là nỗi đau đớn tột cùng mà em phải trải qua".
Cụ Hường khi còn sống.
Thời gian trôi đi, Trí đã bước vào lớp 12, học cách sống tự lập khi thiếu vắng tình thương của bà. Vài ngày trước khi bước vào kì thi quan trọng nhất đời học sinh, Trí đã nhận được món quà đặc biệt: một bức ảnh.
rong ảnh là hình ảnh thân thuộc của bà, đôi tay bị tật teo tóp, khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt nhìn xa xăm... Bao nhiêu kí ức dịu êm cứ chảy tràn về trong tâm trí cậu học trò.
Người mang tặng bức ảnh này cho gia đình là Kỳ Anh (SN 1995). "1 năm trước, tôi thực hiện một dự án mang tên #Saigonmoment nhằm chia sẻ những khoảnh khắc, câu chuyện đẹp trong cuộc sống.
Tôi thường tìm hiểu các hoàn cảnh khó khăn, địa chỉ buôn bán để đến chụp ảnh và giúp đỡ họ. Cụ Hường là nhân vật thứ 10. Tôi còn nhớ mình chạy đến xe chè vào buổi trưa, từ xa đã thấy dáng hình gầy nhom, chiếc áo bạc màu, cánh tay bị tật... Tôi cũng chẳng ngờ, đó là lần cuối mà mình gặp cụ", Kỳ Anh nói.
Trí ngồi học bài bên bức tranh của nội
Những nghĩ suy về ngôi nhà nhỏ của cụ Hường, nơi có người cháu đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, có người ông sức khoẻ đang yếu dần, có xe chè bé xíu mà cả nhà dựa vào mưu sinh... đã thôi thúc Kỳ Anh làm điều gì đó. Cuối cùng, cậu đã rửa bức ảnh mình đã chụp cụ Hường khổ lớn, ép gỗ rồi mang đến tặng.
Tình thương của nội sẽ mãi mãi ở lại
Kỳ Anh chia sẻ: "Từ ngày không còn bà, mọi thứ trong nhà trống trải và quạnh hiu, cuộc sống hai ông cháu Trí cũng khó khăn hơn. Ông bị hoại tử ở chân phải tái khám ở bệnh viện và dùng thuốc, đi đứng khó khăn nên chè cũng bữa bán bữa nghỉ. Nhà ẩm thấp và xuống cấp, ấy mà cũng đã mấy chục năm che nắng, che mưa cho cả gia đình. Mình đến thăm, tặng lại gia đình bức ảnh mình chụp bà làm kỉ niệm, rồi gửi Trí ít tấm lòng để em vững bước hơn ở kì thi THPT Quốc gia".
Lúc ôm bức ảnh trên tay, Trí rưng rưng như ôm lấy người bà thân thương của mình. "Bức ảnh làm em xúc động lắm. Hồi bé em đã ra phụ nội bán chè. Nội em không nói tiếng lớn như mọi người được nên khách sẽ không nghe rõ. Em hay lăng xăng phụ nội cột chè, rồi đưa cho người này người kia...
Lúc chưa được nhiều người biết đến, nội em phải đẩy xe đi khắp nơi, sau này mới ngồi cố định một chỗ. Em hay mang tập sách ra xe chè ngồi học lắm. Ngày xưa, trước mỗi kì thi em hay được nội nấu chè cho ăn, giờ thì...Nhưng em tin rằng, dù nội em không còn nữa nhưng tình thương của bà sẽ mãi mãi ở lại trên cuộc đời này với em", Trí nói.
Giờ đây, Trí không thể thưởng thức món chè ngọt ngào từ bàn tay nội nấu nữa
Hồi còn sống, nội vất vả tảo tần, dãi dầu mưa nắng chỉ để cháu không bỏ dở ước mơ vào Đại học. "Ráng học nghen con", bà hiền từ nói. Trong kì thi THPT Quốc gia, Trí tự hứa với bản thân sẽ không làm phụ lòng nội.
Cậu bé ngoan ngoãn ngồi góc đường, cạnh bên xe chè học bài đã trở thành khoảnh khắc không quên Kỳ Anh. Hoá ra cậu cũng như Trí, luôn nhớ về những người bà như miền kí ức ngọt dịu nhất đời mình. "Nhìn Trí, tôi thấy được mình trong đó, thấy được tình yêu thương bà cháu, rất khác với tất cả tình yêu thương khác", anh chia sẻ.
Chúc Trí sẽ hoàn thành thật tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 để bà của em có thể tự hào.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.