Câu thần chú "Măng Cụt đi nhổ cỏ" của bố và pha bảo kê hài phát khóc đến từ vị trí ông ngoại

Hồi bé tôi sợ bố nhất nhà, nhưng không ngờ ông ngoại lại có 'uy lực ngầm' còn oai phong hơn bố!

Kế "đùn việc" đỉnh cao của ông bố lười

Cho đến tận bây giờ khi tôi đã 1 chồng 2 con thì lũ bạn thời hoa niên vẫn nhớ mãi chuyện "Bé Măng Cụt mê nhổ cỏ". Vâng, Măng Cụt chính là biệt danh mỹ miều hồi bé của tôi đó! Tại lúc mang bầu tôi mẹ rất mê măng cụt nên loại quả chua lét ấy được bố chọn làm tên ở nhà của tôi luôn.

Vốn dĩ tôi rất lười, mải chơi và ham ăn nên "nhổ cỏ" không hề có trong từ điển giải trí. Nhưng tôi lại xui xẻo có một ông bố lười gấp đôi, sợ vợ và vụng chèo khéo chống. Bố tôi thích đi làm về được nằm ườn trên cái phản. Còn mẹ tôi thì thích đi làm về sai bố việc vặt! Sự mâu thuẫn này khiến nhà tôi không ngày nào được yên.

Câu thần chú
 

Bố cứ nằm lim dim được một lúc thì kiểu gì cũng có tiếng mẹ vang lên.

- Bố con Măng đâu, đi quét nhà mau! Bẩn như chuồng gà thế này mà cũng ở được?

- Bố con Măng đâu, đi mua tôi 2 nghìn hành.

- Bố con Măng đâu, sang bà Liên xin cho tôi quả ớt nấu canh cá ăn cho toát mồ hôi.

- Bố con Măng đâu, ra thu quần áo nhanh không mưa to.

- Bố con Măng đâu...

Có 5 câu thôi mọi người đã thấy quá mệt rồi đúng không? Nhưng suốt mấy chục năm bố tôi đều bình thản nghe mỗi ngày đó! Hồi đầu tôi thương bố lắm, hay mếu máo trách mẹ là "bắt nạt bố". Rồi đến khi tôi trở thành "nạn nhân" bị bố sai gánh việc nhà thay thì cuộc sống gia đình mới thực sự nhốn nháo.

Bố tôi bất mãn với thói quen sai vặt của mẹ lắm nhưng ông chả dám cãi lại. Thay vào đó ông vừa làm vừa "quạo", đi khắp nơi lầm bầm nói xấu vợ. Tính bố hài hước và hay phản ứng kiểu rất nhây, hàng xóm cũng quen với cảnh đó rồi nên ai cũng cười rúc rích mỗi khi nghe tiếng mẹ tôi quát gọi bố.

Câu thần chú
 

Cái gì mẹ bảo bố cũng làm, chỉ riêng việc nhổ cỏ ngoài vườn thì ông cực ghét. Nắng hay mưa mẹ đều bắt bố phải nhổ sạch, mà vườn nhà tôi có bé bỏng gì đâu! To như cái ruộng của Bá Kiến ấy. Chính vì thế nên ông rất hay đùn đẩy cho tôi. Mấy lần đầu bố lén sai tôi đi đều bị mẹ phát hiện. Bà mắng ông là "bóc lột" con nhỏ nên bố không dám cãi, quay sang "chày cối" để trốn việc. Rồi một hôm ông nghĩ ra "diệu kế" khiến tôi trở thành đứa chuyên phải nhổ cỏ thay.

Đó là lấy nhổ cỏ làm "hình phạt" cho mỗi lần tôi mắc lỗi! Quá tuyệt vời luôn.

- Măng Cụt, tại sao con lại xé vở bạn trên lớp? Đi ra vườn nhổ cỏ ngay!

- Măng Cụt, học hành kiểu gì mà đứng bét lớp thế này? Sạch hết cỏ mới được ăn cơm tối!

- Măng Cụt, bố có dạy con vẽ bậy lên tường nhà hàng xóm đâu? Ra nhổ cỏ!

- Này Măng Cụt, bố vừa láng cái bậc xi măng mà con dám đuổi chó dẫm hết lên thế kia à? Bây giờ con chọn ăn đòn hay là đi nhổ cỏ?

OK, tôi ổn. Thợ làm vườn trong gia đình chỉ là đổi vị trí từ bố sang tôi mà thôi...

Vị cứu tinh mang tên "ông ngoại"

Ký ức năm 6-7 tuổi của tôi chỉ toàn là cắm mặt xuống đất. Đến mức tôi từng nghĩ mình hiểu tiếng của đám nhọ nồi với cỏ gà trong vườn luôn! Bạn bè và lũ trẻ hàng xóm sang rủ đi chơi, tôi toàn phải ngậm ngùi từ chối vì bận "chấp hành phạt". Chúng nó cười lăn lóc trên bờ tường, còn tôi thì tức ê mông không thể đứng dậy được.

Được rèn luyện kĩ năng suốt cả thời ấu thơ nên bây giờ tôi vẫn ám ảnh với câu thần chú "Măng Cụt đi nhổ cỏ" của bố. Sợ ăn phạt thì ít mà sợ mỏi tay thì nhiều!

Câu thần chú
 

Cơ mà trừ những lúc nghiêm khắc ra thì bố tôi rất cưng chiều con gái. Cứ đón tôi tan trường là bố mua kem với kẹo đưa hối lộ để tôi không mách mẹ chuyện bố có "quỹ đen"! Rồi bố hay mua quần áo đẹp, dắt tôi đi công viên. Thậm chí còn đưa tôi đi ăn nhậu cùng. 2 bố con thân nhau đến mức ai cũng bảo "đúng con gái là người tình kiếp trước của bố".

  • Lần đầu tiên bị đuổi học trong đời và chiếc ô dính đầy dầu mỡ của bốĐọc ngay

Tuy nhiên, chiều đến mấy thì tôi vẫn ngao ngán với chuyện bị "dí" đi nhổ cỏ. Hình phạt ấy chỉ thực sự kết thúc vào ngày ông ngoại tới giải cứu tôi. Bữa đó ông ngoại ở quê ra thăm, chơi với tôi hết cả buổi chiều. Mệt quá ông lăn ra ngủ còn tôi loay hoay chơi đồ hàng. Thấy mảnh vải hoa vắt trên ghế đẹp quá, tôi hì hục cắt ra may váy cho búp bê. Đang ướm thử cho chúng thì một tiếng hét chói tai vang lên.

- Măng Cụt!!!! Cái áo mới của bố sao con cắt toe toét ra thế này? Con gái con đứa mà nghịch phá thế à? Ra nhổ cỏ ngay!!!!

Rồi, xong luôn. Có cái áo thôi mà bố gào lên thấy gớm. Tôi ấm ức vừa xách cái cào ra vườn vừa lẩm bẩm nhại lại bố. Xui cho tôi đợt đó mưa nhiều, cỏ trong vườn mọc um tùm nhanh như thổi. Mẹ đã phát cho tôi cái bồ cào để dọn nhanh hơn nhưng vẫn không ăn thua. Nhổ gãy tay thì trời đã tối mịt, bụng tôi đói meo nhưng mới được chừng nửa cái vườn.

Câu thần chú
 

Ông ngoại tỉnh dậy không thấy tôi đâu liền đi tìm. Soi đèn pin khắp nơi mới thấy cô cháu gái lọt thỏm sau luống rau ngót, ông vội vàng dắt tôi vào nhà rửa tay chân. Xong xuôi ông ra hỏi bố tôi tại sao lại bắt phạt như thế. Bố tôi thủng thẳng đáp:

- Tại cháu hư nên phải bị phạt bố ạ. Vợ chồng con không đánh cháu bao giờ, để cháu lao động nhẹ nhàng cho tự kiểm điểm.

- Phạt thì phạt, tối mịt không cho cháu tôi được ăn cơm. Anh chị làm thế có ra gì không?

- Bố ơi vợ con cũng đồng ý việc này mà. Măng nó hư thì phải dạy...

Chưa kịp hết câu thì ông ngoại đã rút đâu tập giấy ném ầm phát xuống bàn. Thần thái ông lúc ấy "ngầu" như quan tòa vậy! Tôi còn bé xíu xiu nhưng nhớ mãi không quên.

- Anh chép phạt ngay cho tôi 100 lần câu "Bố xin lỗi Măng Cụt". Chép xong mới được ăn cơm.

Cả nhà ngớ người ra, mẹ tôi đang nấu ăn trong bếp cũng sốc! Bố lớn đùng thế rồi mà vẫn phải chép phạt giống tôi haha. Ông ngoại là giáo viên về hưu mà, ai bảo bố quen đùn việc cho tôi cơ! Ông đã ra tay thì đúng là gạo xay ra bánh!

Câu thần chú
 

- Măng Cụt mới 7 tuổi, nó lỡ tay cắt rách cái áo thì mua mới. Có phải mất vàng bạc kim cương gì đâu mà phạt cháu tôi còng lưng ra như nông dân thế kia? Nó ốm ra đấy thì sao? Đói hoa cả mắt kia kìa!

- Bố mắng con thì mắng chứ ai lại bắt chép phạt như trẻ lớp 1 thế ạ. Con hứa sau sẽ không bắt Măng nhổ cỏ nữa.

- Cậu là con rể tôi cậu phải làm gương cho Măng chứ. Việc người lớn lại bắt trẻ con làm. Chép phạt cho tôi!

Thế là bố ngậm ngùi cầm bút lên trước ánh mắt ngỡ ngàng của tôi. Hóa ra ông ngoại "oách" thật đấy!

Sau đó tôi nghe mấy bà cô xấu tính trong ngõ bảo mẹ tôi đanh đá bắt nạt chồng. Rồi các bà ra chợ "buôn dưa" bảo bố tôi bất hạnh lắm, rước phải cô vợ chả ra gì. Tôi cũng trở thành đối tượng bị các bà cô thương cảm. Nào là đứa bé sống trong gia đình không đầm ấm, suốt ngày phải ra vườn nhổ cỏ do bố mẹ cãi nhau. Nào là "người tình kiếp trước" ăn ở kiểu gì mà kiếp này bé tí đã phải nai lưng ra làm.

Công nhận các "camera chạy bằng cơm" ấy thêu dệt drama hấp dẫn lắm cơ! Suýt nữa thì tôi cũng tưởng nhà mình lục đục thật. Mỗi cái việc bị phạt nhổ cỏ thôi cũng thành chủ đề bàn tán suốt bao năm giời!

https://afamily.vn/cau-than-chu-mang-cut-di-nho-co-cua-bo-va-pha-bao-ke-hai-phat-khoc-den-tu-vi-tri-ong-ngoai-20220526200853755.chn
 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang