Các em bé trong độ tuổi từ 0-2 đều có nguy cơ bị ngã khỏi giường hoặc cũi, vì nhiều lý do như con lẫy, bò, trườn, rơi xuống trong lúc đang ngủ hoặc không may ngã khi đang chơi đùa... Và dù với nguyên nhân nào thì những người mẹ đều cảm thấy vô cùng lo lắng, tự trách bản thân mình vì đã không trông nom con cẩn thận.
Tuy nhiên, khi tình huống chẳng may xảy ra, bố mẹ nên trang bị một số kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống để đảm bảo cho sức khỏe của các con.
Nếu em bé không bị thương quá nặng
Khi con ngã ở một độ cao vừa phải và em bé không bị thương, các mẹ hãy nhẹ nhàng bế con lên, an ủi và xoa dịu con. Chắc chắn sau cú ngã, con sẽ cảm thấy sợ hãi xen lẫn hoảng hốt và lo sợ.
Sau khi con bình tĩnh, bố mẹ hãy kiểm tra cơ thể con, đặc biệt là vùng đầu xem có dấu hiệu thương tổn nào không. Và tốt nhất, bạn nên gọi cho bác sĩ sau bất kỳ cú ngã nào từ giường nếu con bạn dưới 1 tuổi.
Dù em bé trông có vẻ ổn sau khi ngã, nhưng các mẹ vẫn bắt buộc phải theo dõi con ít nhất là 1 ngày sau, quan sát kỹ càng con vì các chấn thương rất dễ xuất hiện sau một khoảng thời gian, bao gồm cả triệu chứng như con có chơi không, có mệt mỏi, chán ăn hay không...
Nếu bé bị ngã đập đầu hoặc bị chấn thương nhẹ ở đầu, bé có thể thay đổi tâm trạng hoặc hành vi trong vài tuần. Điều này xảy ra do não phải làm việc nhiều hơn để tập trung vào các nhiệm vụ sau một chấn thương. Con cũng có thể tỏ ra vô cùng quấy khóc hoặc cáu kỉnh hoặc có những thay đổi trong cách ngủ. Bố mẹ nên bình tĩnh vì mọi thứ sẽ dần cải thiện tích cực hơn theo thời gian.
Cha mẹ và người chăm sóc nên ưu tiên các hoạt động nhẹ nhàng trong vài ngày và đảm bảo rằng trẻ sơ sinh tránh chơi đùa thô bạo, rung lắc.
Trường hợp em bé không tỉnh lại ngay sau khi ngã
Riêng với cú ngã quá mạnh sẽ khiến bé bị mất ý thức ban đầu và trẻ có thể đi loạng choạng hoặc lơ mơ, buồn ngủ. Cha mẹ nên nhớ đây là tình trạng nguy hiểm cần phải cấp cứu y tế.
Bên cạnh đó, cha mẹ buộc phải đưa trẻ nhập viện sớm một khi phát hiện máu chảy hoặc tổn thương nghiêm trọng. Tuyệt đối không nên tự ý di chuyển trẻ trừ khi vị trí đó khiến bé có nguy cơ gặp nhiều chấn thương khác.
Nếu thấy trẻ nôn mửa hoặc co giật, cha mẹ nên đặt bé nằm nghiêng và giữ thẳng cổ để đờm dễ dàng tống xuất ra ngoài không gây bít tắc đường thở. Ngoài ra, nên lưu ý những điều sau:
- Gọi cấp cứu để được trợ giúp ngay lập tức.
- Đừng di chuyển em bé trừ khi chúng có nguy cơ bị thương thêm. Để em bé nằm thẳng trên sàn bởi nếu em bé bị chấn thương cột sống hoặc cổ cùng với chấn thương đầu thì việc di chuyển có thể làm trầm trọng thêm các chấn thương.
- Quay người sang một bên và giữ thẳng cổ nếu bé bị nôn trớ hoặc co giật.
- Nếu em bé bị chảy máu, hãy dùng gạc hoặc vải sạch ấn nhẹ lên vùng chảy máu cho đến khi có sự trợ giúp.
- Cố gắng an ủi bé cho đến khi đội cấp cứu đến. Mặc dù tình huống có thể khiến bé hoảng sợ, nhưng cố gắng bình tĩnh và quan sát bé cho đến khi được cấp cứu.
Các dấu hiệu khác báo hiệu bạn nên gọi cấp cứu
Ngay cả khi con bạn không bất tỉnh hoặc có biểu hiện chấn thương nặng, vẫn có những dấu hiệu có thể khiến bạn phải đưa con đến phòng cấp cứu:
- Con trở nên vô thức, liên tục xoa đầu, buồn ngủ quá mức, tiếng khóc kêu the thé.
- Đồng tử của một mắt có kích thước khác với đồng tử của mắt kia.
- Nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng ồn.
- Nôn mửa.
- Chảy máu hoặc có chất lỏng màu vàng chảy ra từ mũi hoặc tai.
- Phồng hoặc sưng chỗ mềm trên đầu.
- Chảy máu hoặc bầm tím đầu.
- Co giật.
- Biến dạng trên cơ thể do gãy xương.
Nếu bạn nhận thấy những thay đổi này hoặc có những biểu hiện khác thường, hãy tìm sự chăm sóc khẩn cấp càng nhanh càng tốt.
Các phương pháp giúp bé tránh bị ngã
Trẻ em thường rất hay té ngã, nhưng hầu hết các trường hợp đều có thể phòng ngừa được. Cú ngã đầu tiên của con bạn là bài học để phòng ngừa té ngã về sau.
- Đừng để em bé ở một mình trên giường. Bạn có thể kinh ngạc vì khả năng bò và lăn của trẻ rất nhanh. Hãy địu bé nếu bạn định đi làm gì đó.
- Không cho trẻ quá nhỏ sử dụng xe tập đi.
- Đừng để ghế ngồi cho em bé trên một bề mặt cao khi bé đang ở trong đó, luôn đặt nó trên sàn nhà.
- Khi em bé tập bò, tập đi, cha mẹ cần quan sát bé mọi lúc. Nếu cần phải bước ra xa, hãy đặt trẻ ở một vị trí an toàn như trong cũi trẻ em.
- Rào chắn tất cả các cầu thang trong nhà bạn. Đảm bảo rằng tất cả các cửa sổ đều có khóa.
- Kiểm tra nôi của bé, phải an toàn và chắc chắn.
- Luôn luôn sử dụng dây đai an toàn trên ghế ô tô, ghế trẻ em và ghế cao.
- Dọn dẹp đồ đạc, để ở các vị trí an toàn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.