Không có cha mẹ nào mà không mệt mỏi khi suốt ngày phải nhắc nhở, hò hét con làm cái này con làm cái kia. Trong khi đó, việc dạy con tự giác lại là cách tốt nhất để nuôi dạy nên những đứa trẻ sống có trách nhiệm, biết quan sát và có những thói quen lành mạnh.
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Reena Dabas, giảng dạy tại Khoa Tâm lý học, trường Đại học Quản lý Singapore và trường Đại học Khoa học Xã hội Singapore, cho biết: "Một đứa trẻ có tinh thần tự giác đã được nội tâm hóa thành quy tắc sẽ làm việc chu đáo, đúng quy cách ngay cả khi không có cha mẹ bên cạnh. Do vậy, điều quan trọng là cha mẹ cần rèn luyện tính tự giác của con ngay từ khi còn nhỏ, vì đó chính là con đường đến với thành công trong tương lai".
Không những vậy, trẻ biết tự giác sẽ biết tự kỷ luật, sẽ không bốc đồng, nổi loạn như các bạn đồng trang lứa khi bước vào tuổi teen. "Tính tự giác giúp xây dựng khả năng phục hồi và là cửa ngõ để con nhận ra, tiếp cận với sức mạnh bên trong của bản thân. Khả năng khai thác sức mạnh này thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề lớn hơn khi con phải đối mặt với những thử thách khó khăn trong cuộc sống", bà Reena chia sẻ tiếp.
Do vậy, nếu cha mẹ muốn con luôn "sống tốt" dù ở bất cứ đâu thì hãy rèn con tính tự giác bằng những cách sau đây theo hướng dẫn của chuyên gia giáo dục.
1. Tạo thói quen tốt cho con
Bà Reena khuyên rằng cha mẹ nên lập kế hoạch cho một thói quen tốt và thể hiện tính tự giác của mình bằng cách thực hiện thói quen đó trong vài ngày để con lấy đó mà học theo.
Cha mẹ có thể tạo một thời gian biểu hợp lý khoa học mà con có thể thực hiện. Chẳng hạn như khi con bắt đầu đi học, cha mẹ hãy thiết lập những công việc con cần phải làm trong buổi sáng là: thức dậy, đánh răng, mặc quần áo, ăn sáng rồi đi học. Còn buổi chiều về thì cha mẹ nên quy định rõ khi nào con làm bài tập, thời gian nào con chơi đùa thư giãn và con nên đi ngủ lúc mấy giờ.
Tất nhiên, không phải lúc nào cha mẹ cũng ép con phải làm theo đúng thời gian biểu. Chúng ta sẽ có những buổi ngoại lệ như cuối tuần con được chơi nhiều hơn, thức khuya hơn một chút. Nhưng dù như thế nào đi nữa thì bạn vẫn nên đảm bảo con thực hiện theo đúng lịch sinh hoạt và tự giác làm mà không cần cha mẹ nhắc nhở.
2. Cho con cơ hội được tự kiểm soát bản thân
Một yếu tố quan trọng của tính tự giác là tự kiểm soát và cha mẹ nên dạy con điều này từ sớm.
Làm nổi bật thí nghiệm kẹo marshmallow nổi tiếng của Stanford, bà Reena cho biết: "Giáo viên mầm non đã cho các học sinh lựa chọn giữa việc ăn một cái kẹo trước bữa ăn hay hai cái kẹo sau bữa ăn. Kết quả cho thấy những em có khả năng chờ đợi luôn học tốt hơn các bạn còn lại. Con không những đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, mà còn tốt nghiệp đại học và ít liên quan đến các tệ nạn xã hội".
Như vậy, "các hành động bốc đồng dẫn đến hậu quả tiêu cực, trong khi tự kiểm soát gặt hái những thành công", bà Reena kết luận.
Để rèn luyện tính tự kiểm soát của con, chuyên gia giáo dục mầm non khuyên các cha mẹ nên dạy con cách kiên nhẫn chờ đợi và hứa hẹn một phần thưởng nếu con làm được điều đó. Chẳng hạn như hãy nói với con rằng nếu con làm bài tập xong thì con sẽ có nhiều thời gian chơi hơn. Nhưng nếu con chơi trước thì khi đang chơi, con sẽ phải quay lại bàn học và làm nốt bài tập của mình. Như vậy, con sẽ không có thời gian đọc sách trước khi đi ngủ.
3. Cho con chơi các trò chơi mang tính tự chủ
Dạy con tự giác không phải là những quy tắc cứng nhắc mà thật ra cha mẹ có thể bày ra các trò chơi cho con chơi, đồng thời dạy con tính tự chủ của mình.
Bà Reena gợi ý đơn giản như trò "đèn giao thông". Chúng ta đều biết đèn xanh được đi, đèn vàng đi chậm, đèn đỏ dừng lại. Vậy bây giờ cha mẹ hãy đảo ngược quy ước của đèn xanh và đèn đỏ. Nghĩa là đèn xanh dừng lại, đèn đỏ đi. Như vậy, con sẽ phải rèn tính tự chủ của mình, chứ không phải dựa trên thói quen sẵn có.
Những trò chơi như thế này còn giúp con rèn luyện khả năng đi ngược lại thói quen và chế ngự được sự bốc đồng của mình - một kỹ năng quan trọng để phát triển tính tự giác.
4. Khen ngợi hoặc phê bình con đúng lúc, đúng chừng mực
Khen ngợi và phê bình đúng lúc, đúng chừng mực giúp trẻ biết chọn lựa hành vi tốt và ngày một trưởng thành hơn. Do đó, cha mẹ đừng ngần ngại khen ngợi con bất cứ lúc nào con thể hiện tính tự giác. Ví dụ như khi con sử dụng tiền tiêu vặt một cách khôn ngoan, biết để dành một khoản tiền tiết kiệm, hoặc hoàn thành xong việc của mình trước khi ra ngoài chơi.
Tuy nhiên, bà Reena cũng cảnh báo rằng cha mẹ nên cẩn thận với những lời nói của mình. Đừng khen hay phê bình con một cách chung chung như "Con giỏi quá!" hay "Con thông minh quá!", hoặc "Mẹ/bố rất thất vọng về con". Mà cha mẹ nên tập trung vào quá trình, vào những nỗ lực của con để khen và khuyến khích con tìm ra giải pháp cho những thất bại của mình, ví dụ: "Con đã nghĩ ra cách nào khác để làm việc này chưa?".
5. Hãy là tấm gương cho con noi theo
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để khuyến khích tính tự giác của con là cha mẹ phải có tính tự giác. Bạn không thể luôn trễ hẹn, trì hoãn công việc của mình mà đòi hỏi con phải hoàn thành mọi việc của con. "Trẻ em có rất nhiều các quy tắc và con cần một mô hình hành vi tốt để học tập và làm theo", bà Reena nói.
6. Tránh các hình phạt kỷ luật nghiêm khắc
Cha mẹ nên hiểu rằng dạy con tính tự giác là một quá trình giảng dạy, và nó không nên đi kèm với sự đe dọa, sỉ nhục, hay làm con xấu hổ.
Do đó, khi con mắc lỗi hay gặp thất bại như bỏ bê việc học, cuối cùng không được nhận giấy khen chẳng hạn, thay vì áp dụng các biện pháp trừng phạt như cấm túc, la hét, đe dọa… thì cha mẹ hãy chỉ rõ sai lầm của con ở đâu, hậu quả con phải nhận là gì, đặc biệt hãy giải thích cho con hiểu việc thiếu tính tự giác và kỷ luật đã gây ra hậu quả như thế nào.
"Tính tự giác là một môn học cần được giảng dạy một cách kiên nhẫn. Ở đó không có sự trừng phạt. Và nó chỉ đạt hiệu quả nhất trong môi trường đồng cảm với tình yêu vô điều kiện.
Mục tiêu của việc rèn con tính tự giác không phải để tạo ra những đứa trẻ ngoan ngoãn, vâng lời. Thay vào đó, tính tự giác giữ cho con được an toàn và giúp con có trách nhiệm với hành động và sự lựa chọn của mình hơn", bà Reena nhắn nhủ với các cha mẹ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.