Cha mẹ có thể hại con nếu làm việc này quá sớm

(lamchame.vn) - Cho rằng bấm lỗ tai càng sớm thì bé càng ít đau, nhiều cha mẹ hay tiến hành bấm lỗ tai cho bé khi bé chỉ vài tháng tuổi, thậm chí và mới sinh vài ngày. Tuy nhiên, khi cơ thể bé còn quá yếu ớt, nhạy cảm thì một đường kim cũng có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng.

Mới đây, một em bé 15 ngày tuổi đã phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang vì biến chứng nặng sau khi xỏ lỗ tai. Lúc đưa đến bệnh viện, em bé đang sốt cao, bỏ bú, 2 mang tai tấy đỏ, chỗ xỏ chỉ  bị chảy mủ. Mẹ bé cho biết, ngay sau khi sinh bé, chị đã nhờ người thân đến xỏ lỗ tai cho con. Vài ngày sau đó, thấy con sốt, quấy khóc và tai sưng đỏ mới lo lắng và đưa con đi bệnh viện. Các bác sĩ cho biết, bé bị viêm mô tế bào vùng quanh 2 bên lỗ tai, có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết nặng. Ngay sau đó, các bác sĩ đã cấp cứu rửa vết thương, cắt sợi chỉ xỏ lỗ tai, lấy mủ ra, đồng thời tiêm thuốc kháng sinh cho bé. Tình trạng nhiễm trùng đã cải thiện.

Em bé bị nhiễm trùng sau khi xỏ lỗ tai (ảnh PL)

Thực tế, đây không phải là trường hợp bé bị nhiễm trùng vì xỏ lỗ tai hiếm gặp, các bác sĩ tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương và bệnh viện Tai Mũi họng TPHCM cho biết đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp gặp biến chứng sau khi xỏ lỗ tai.

BS Nguyễn Toàn Thắng, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, nhiều trường hợp bị nhiễm trùng, gây viêm sụn vành tai và áp xe sụn vành tai. Nghiêm trọng hơn, có trường hợp bị nhiễm trùng huyết. Do vi khuẩn xâm nhập qua vết thương và đi vào máu. Các trường hợp đa phần rơi vào trẻ nhỏ do sức đề kháng còn yếu.

Mặt khác, theo các bác sĩ, bấm lỗ tai quá sớm còn dễ sinh ra sẹo lồi, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bé. Nguyên nhân là sự tăng sinh không kiểm soát của mô sợi sau khi da bị tổn thương hoặc do vệ sinh tai bé không đúng cách.

Theo các bác sĩ nhi khoa, độ tuổi thích hợp để các bậc phụ huynh có thể bắt đầu bấm lỗ tai cho trẻ là khoảng 7 tháng tuổi trở lên. Ở độ tuổi này, trẻ vẫn có thể chịu được đau đớn và cũng phù hợp để chữa lành được vết thương.

Khi bấm lỗ tai cho con, cha mẹ nên chọn nơi uy tín, sạch sẽ. Cha mẹ cần kiểm tra dụng cụ bấm lỗ tai cho con, dụng cụ phải mới, đựng trong gói vô trùng. Người bấm phải đeo găng tay y tế loại dùng 1 lần.

Nên chọn nơi uy tín, sạch sẽ để bấm lỗ tai cho con (ảnh minh họa)

Sau khi bấm lỗ tai, cha mẹ trẻ nên làm sạch vết thương ngay lập tức cho trẻ với rượu hoặc nước oxy già và duy trì vệ sinh cho bé ít nhất 7 tuần sau khi xỏ lỗ tai bằng cách làm sạch lỗ tai hàng ngày, làm sạch mặt sau và phía trước của tai với bông được nhúng rượu hoặc thuốc khử trùng. 

Nếu đeo bông tai cho bé, cha mẹ nên xoay nhẹ nhàng bông tai hàng ngày để bông không dính chặt vào lỗ tai bé. Không tháo bông tai ra khỏi lỗ tai mới xỏ, đặc biệt khi lỗ tai còn đang sưng hay bị kích ứng.

Cha mẹ nên thường xuyên quan sát lỗ tai của bé, nếu có dấu hiệu sưng, đau, chảy mủ…cần đưa bé đến bệnh viện để khám để tránh trường hợp nhiễm trùng.

 

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang