Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi đối với bất kì gia đình nào. Sau mỗi lần tranh luận, cả hai sẽ hiểu và biết được những điểm tốt/ xấu của đối phương. Tuy nhiên, trong lúc nóng giận, vợ chồng không chỉ gây tổn thương cho người bạn đời của mình, mà đôi khi những lời nói đó nếu để các con nghe thấy sẽ khiến chúng phải suy nghĩ.
Rõ ràng các bố mẹ đều hiểu tuyệt đối không nên cãi nhau trước mặt con cái. Tốt nhất là nên chọn một không gian phù hợp chỉ có 2 người khi đưa ra những quan điểm của mình. Tuy nhiên, vì nóng giận mà nhiều bậc phụ huynh thường có lời nói qua lại, thậm chí xảy ra ẩu đả ngay trước mặt các con. Về lâu về dài, việc này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn ''làm gương'' cho hành động cũng như tính cách trong tương lai của các bé.
Dưới đây là một số câu nói mà dù giận nhau đến mấy bố mẹ cũng không nên nói để tránh gây tổn thương đến con.
1. Anh/ cô ngu muội, dốt nát lắm
Trong lúc bực tức, những câu như vậy thường xuyên được nói ra với mục đích khiến đối phương phải khó chịu. Chắc chắn rằng bạn sẽ cảm thấy bản thân được giải toả stress, cảm giác bực bội sẽ vơi bớt, tuy nhiên những đứa trẻ thì không.
Một số nhà tâm lý học cho rằng, khi bạn chửi thề, mỉa mai hoặc dùng những từ ngữ khó nghe để miệt thị người khác, câu chuyện sẽ chẳng được giải quyết mà còn trở nên tồi tệ hơn. Không chỉ vậy, những đứa trẻ hoàn toàn đủ nhạy cảm để hiểu rằng bố mẹ đang cãi nhau và ''người lớn chắc là dùng những từ ngữ như vậy để nói chuyện với nhau, mình có thể học theo''.
Sau đó, chúng sẽ có xu hướng bắt chước thái độ và lời nói giống hệt như bố mẹ, đặc biệt vào những lúc xảy ra mâu thuẫn với người khác. Bố mẹ đừng ngạc nhiên khi thấy vào một lúc nào đó, khi tranh chấp với bạn bè, anh chị em, trẻ có những câu nói tương tự. Bởi các bé học rất nhanh, những từ ngữ sẽ dần khắc sâu vào tâm trí và chỉ chờ cơ hội nói ra mà thôi.
Bởi vậy, dù có giận nhau tới đâu thì bố mẹ hãy đặt ra nguyên tắc ''Tuyệt đối không cãi nhau trước mặt các con'' để tránh hậu quả về sau.
2. Tại vì con nên mới xảy ra chuyện như thế
Nhiều người có xu hướng đổ lỗi mỗi khi bản thân làm sai để giảm cảm giác tội lỗi hoặc không bị người khác quát mắng. Tuy nhiên, khi xảy ra bất kì vấn đề nào đó, hãy kiểm điểm lại bản thân mình trước tiên. Nhiều ông bố, bà mẹ khi có bất đồng thường đổ lỗi vì con, tại các con mà bản thân mới hành động như vậy.
Tuy nhiên, dù vấn đề giữa 2 vợ chồng bạn là gì, tuyệt đối đừng lôi các con vào. Khi chúng nghe thấy những điều này sẽ cảm thấy tổn thương và buồn biết bao vì cho rằng chính mình là nguyên nhân khiến bố mẹ xảy ra mâu thuẫn.
Ở nhiều gia đình, tình trạng này diễn ra nhiều khiến một số đứa trẻ bỏ đi/ tìm đến cái chết vì cho rằng bản thân là mấu chốt xung đột trong gia đình. Bởi vậy, dù có là thế đi chăng nữa, người lớn cũng nên tự giải quyết với nhau chứ đừng chì chiết nhau trước mặt con cái.
3. Mẹ anh làm em phát điên, bà ấy đúng là người không bình thường
Trẻ chắc chắn rất yêu thương và tôn trọng ông bà nội ngoại của mình, chính vì vậy khi nghe được những câu đó, hẳn con sẽ cảm thấy rất buồn. Đặc biệt, trẻ sẽ hình thành suy nghĩ xấu về ông bà của mình, ảnh hưởng đến mối quan hệ sau này.
Trước mặt con, hạn chế nói xấu người khác một cách thẳng thừng cho dù đó là ai, bởi bạn sẽ vô tình gieo cách nói xấu như vậy với con và chúng hoàn toàn có thể bắt chước. Hãy tế nhị nói chuyện riêng với nhau khi chỉ có hai vợ chồng.
4. Nhà mình càng ngày càng nghèo chỉ vì phải nuôi con
Nuôi nấng và chăm sóc con quả thực rất tốn kém. Các khoản tiền nong chi ra nhiều khi quá so với thu nhập của bố mẹ. Tuy nhiên, sinh con là lựa chọn của mỗi người, đứa trẻ không có quyền quyết định điều này nên đừng bao giờ đổ lỗi cho chúng. Trẻ con cần được yêu thương chứ không phải là nơi để bố mẹ trút giận.
Những khoản chi tiêu dành cho con cái hàng tháng buộc phải chi ra, cố gắng cân đối sẽ tốt hơn so với việc bạn chỉ ngồi than thở. Khi con nghe thấy điều này, bé sẽ buồn vì nghĩ bản thân khiến cho bố mẹ phải mệt mỏi, không có tiền, vậy sự tồn tại của mình là nên hay không...?
Dĩ nhiên, bạn và chồng hoàn toàn có thể thảo luận chuyện tài chính trước mặt con, cho con hiểu là bố mẹ đã vất vả kiếm tiền và cân đối chi tiêu ra sao để đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, tất cả những thứ này là điều phải làm, không có kêu ca và không đổ lỗi cho con cái. Nên nói với con về chuyện tiền nong theo quan điểm tích cực và phù hợp với lứa tuổi.
Khi con lớn hơn một chút, trẻ hoàn toàn có thể tham gia những cuộc trò chuyện về chi tiêu với gia đình. Con có thể học dần cách tiết kiệm tiền hoặc cắt giảm chi tiêu cho phù hợp dưới sự hướng dẫn của bố mẹ.
5. Chúng ta mà bỏ nhau thì ai sẽ là người nuôi con đây?
Khi cãi nhau, rất nhiều cặp đôi nghĩ ngay tới chuyện ly hôn. Tuy nhiên, việc này sẽ trở nên khó khăn hơn khi có lũ trẻ, việc thiếu mái ấm gia đình sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống và tính cách của chúng. Bởi vậy, khi nghe bố mẹ nói câu này, hẳn con sẽ rất sợ hãi. Biết rằng chuyện giữa người lớn khó nói và gần như không thể can thiệp nên lúc này nếu con đã hiểu chuyện thì trẻ sẽ rất dễ tổn thương.
Lúc này con sẽ bắt đầu hình thành suy nghĩ nếu phải chọn thì mình sẽ ở với ai, nhìn các bạn có gia đình hạnh phúc, bố mẹ yêu thương, đưa đi học, đi chơi, hẳn trẻ sẽ cảm thấy rất tủi thân. Bởi vậy, trước khi có một quyết định cụ thể, đừng bàn luận hay nói quá nhiều về vấn đề này trước mặt con cái.
Nếu không còn cách nào khác buộc phải ly hôn thì chuyện này cần được cân nhắc và nói thật với con khoảng 2 tuần trước khi sự việc xảy ra và nên quan sát thái độ của chúng.
6. Anh/ em có phải là bố/ mẹ không vậy, không biết dạy con à?
Để trở thành một ông bố, bà mẹ tốt là cả một quá trình rèn luyện và học hỏi. Không ai trong chúng ta hoàn hảo, và chuyện nuôi dạy con lại càng khó khăn hơn nữa. Cuộc sống hiện đại kéo theo quá nhiều áp lực cho các bậc phụ huynh, phải làm sao để dạy con không đòn roi, con ngoan ngoãn, không sa vào cạm bẫy trong cuộc sống... là điều không hề dễ dàng.
Thế nên, đôi khi con cãi lời, xảy ra chuyện không may... thì những người bố, mẹ bị trách là không biết dạy con sẽ cảm thấy rất đau khổ. Khi nói trước mặt các con, chúng sẽ nghĩ rằng bố mẹ mình đang xảy ra mâu thuẫn mà mấu chốt chính là bản thân mình, nhiều đứa trẻ có xu hướng sẽ càng hành động dữ dội hơn nữa chứ không nghe lời bố mẹ.
Trẻ con học theo rất nhanh, cách cư xử của bố mẹ sẽ hình thành nên một phần tính cách trong trẻ. Thế nên, hãy cố gắng làm gương cho con bằng cách đừng sử dụng những lời nói mỉa mai, chỉ trích hay đổ lỗi. Điều đó không chỉ làm buồn lòng người bạn đời mà còn vô tình khiến trẻ tổn thương.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.