Ngày nay, có nhiều gia đình đã có con nhưng vẫn chọn ly hôn vì trong cuộc sống xảy ra xung đột căng thẳng. Họ chọn cách ly hôn để giải thoát và cho nhau cơ hội đi tìm hạnh phúc mới.
Tuy nhiên, cũng có một số gia đình nhìn bề ngoài rất hạnh phúc, yên ấm nhưng bên trong lại có nhiều "giông tố". Những cặp vợ chồng này chọn cách tiếp tục chung sống để con có một mái ấm trọn vẹn. Họ cho rằng ly hôn sẽ khiến con bị tổn thương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển.
Nhưng cha mẹ không hề biết rằng 4 việc làm dưới đây còn khiến con bị tổn thương gấp nhiều hơn so với ly hôn. Hãy cùng ngẫm xem gia đình bạn có những điều này không nhé!
1. Cha mẹ cãi nhau trước mặt con
Gia đình nào cũng có lúc "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Việc xảy ra cãi vã, tranh luận là chuyện bình thường. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý hạn chế to tiếng với nhau trước mặt trẻ.
Khi thấy cảnh tượng này, trẻ sẽ sợ hãi, buồn bã và thất vọng rất nhiều. Trẻ sẽ nghĩ rằng cha mẹ không còn yêu thương nhau nữa. Suy nghĩ này ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ.
Vì thế, cha mẹ không nên gây gổ, cãi nhau trước mặt con. Về những khúc mắc trong cuộc sống cũng như trong công việc, cha mẹ có thể vào phòng ngủ hoặc ra quán cà phê để trao đổi riêng tư. Khi bình tĩnh chia sẻ, chắc chắn đôi bên sẽ hết nóng giận, có phương án giải quyết ổn thoả.
2. Ép hỏi con yêu cha hay mẹ?
Trẻ nhỏ hồn nhiên, trong sáng như tờ giấy trắng. Nhiều cha mẹ thường thích hỏi con yêu quý cha hay mẹ nhiều hơn. Trước câu hỏi này, trẻ sẽ cảm thấy khó xử, không biết nên trả lời thế nào. Vì cả cha và mẹ đều là những người thân mà trẻ yêu thương nhất. Nếu phụ huynh nào thường mắc lỗi này thì nên chấm dứt ngay.
3. Bỏ qua những ưu điểm của con
Trên thực tế, mỗi đứa trẻ đều có những điểm sáng riêng. Nhưng nhiều cha mẹ lại chỉ nhìn thấy ưu điểm của đứa trẻ khác mà bỏ qua ưu điểm của con mình. Cha mẹ hãy thử nghĩ xem, con mình cũng có nhiều điểm mạnh, vậy tại sao lại so sánh để khiến con bị tổn thương.
Tâm lý so sánh của cha mẹ giúp trẻ nhìn thấy khoảng cách với người khác nhằm truyền cảm hứng cho con làm việc chăm chỉ và tiến bộ hơn. Nhưng việc thường xuyên so sánh dần trở nên phản tác dụng. Không những con không được truyền cảm hứng mà ngược lại càng cảm thấy tự ti, thua kém người khác. Khi sự cố gắng không được công nhận, đứa trẻ sẽ trở nên lo lắng, nhạy cảm và ghen tỵ.
4. Cha mẹ nói dối con cái
Cha mẹ nói dối con khi con còn nhỏ không chỉ gây ra những hậu quả xấu ở hiện tại mà cả trong tương lai. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, cha mẹ nói dối sẽ khiến con luôn cảm thấy lo âu, đề phòng, không tin tưởng nữa.
Ngoài ra, sự gắn bó giữa cha mẹ với con cái sẽ bị giảm đi vì những lời nói dối. Mối quan hệ không còn tốt đẹp sau những lời nói dối "vô hại". Trẻ nhỏ có xu hướng tin tưởng những điều người lớn nói mà không hề nghi ngờ, ngay cả khi lời nói dối đó rất vô lý, chẳng hạn như: "Nếu con xem TV nhiều, mắt con sẽ thành hình vuông", "Con còn khóc nữa sẽ bị ngáo ộp bắt đi",… Khi trẻ nhận ra điều đó không đúng, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng và mất lòng tin với người lớn.
Nguy hiểm hơn, việc cha mẹ nói dối khiến con học theo. Rất nhiều việc cha mẹ làm sẽ định hình tính cách con khi trưởng thành, trong đó có nói dối. Những đứa trẻ bị cha mẹ nói dối thường xuyên có xu hướng nói dối lại cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp khi lớn lên. Thay vì nói dối, cha mẹ hãy lý giải cho con hiểu vấn đề.
Sự thành thật, trung thực sẽ được đền đáp trong tương lai. Khi trẻ gặp khó khăn nào đó, trẻ có thể tự tin để nói thật vấn đề của mình.
Theo Phụ nữ Việt Nam
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.