Cha mẹ làm gì khi con hỏi về chiến sự ở Ukraine và Covid-19? Chuyên gia tâm lý đưa đáp án!

4 điều phụ huynh cần biết để dạy con sao cho đúng về dịch bệnh Covid và khủng hoảng chiến tranh tại Ukraine.

"Trẻ em muốn được bảo vệ", nhà tâm lý học Felix Peter - người đại diện cho tổ chức Nhà tâm lý học tương lai (Psychologist for Future - Đức) cho biết: “Có rất nhiều các bậc phụ huynh đang cố gắng hết sức để đảm bảo rằng con mình sẽ tránh xa được những tin tức tiêu cực trên báo đài ví dụ như chiến sự hay dịch bệnh.

Tâm lý của người lớn luôn muốn giữ một cái nhìn tốt đẹp nhất về thế giới cho con trẻ. Gần đây, có quá nhiều sự kiện đang diễn ra, dịch bệnh Covid-19 rồi đến cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Các chuyên gia sức khỏe tâm lý khuyên rằng chúng ta không nên bỏ qua những lo lắng của con cái hoặc những câu hỏi mà chúng có thể hỏi về sự hỗn loạn đang diễn ra trên thế giới.”

Vậy nếu con bạn đặt câu hỏi cho cha mẹ về những chủ đề mang tính thời sự như chiến sự Nga - Ukraine hay về dịch bệnh Covid-19 thì phụ huynh nên giáo dục con như thế nào? Để trả lời những câu hỏi này một cách khoa học và khéo léo nhất, các chuyên gia tâm lý đã đưa ra 4 lời khuyên hướng dẫn cách ứng xử cho các bậc phụ huynh như sau:

1. Hãy coi trọng cảm xúc của con

Điều đầu tiên các bậc phụ huynh cần làm chính là tôn trọng những câu hỏi và cảm xúc của con. Hàng loạt các dòng tiêu đề trên báo và hình ảnh về dịch bệnh, chiến sự có thể gây ra sự khó chịu liên tục khiến bọn trẻ cảm thấy như khủng hoảng đang diễn ra xung quanh và rất gần chúng.

 Những em bé nhỏ còn có thể không phân biệt được hình ảnh trên màn hình và thực tế xung quanh. Điều đó gây nên một tâm lý sợ hãi và chúng có thể tin rằng nguy hiểm đang rình rập mọi lúc, ngay cả khi chiến sự hay dịch bệnh đang ở rất xa.

Cha mẹ làm gì khi con hỏi về chiến sự ở Ukraine và Covid-19? Chuyên gia tâm lý đưa đáp án! - Ảnh 1.

Khi có những khúc mắc, trẻ cần được giải đáp. Ảnh: Unicef.org

 

Felix Peter nói: "Mọi người thường cho rằng phụ huynh nên cố gắng giúp trẻ xoa dịu nỗi sợ hãi và trấn an chúng. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng những nỗi sợ hãi đó nên được thẳng thắn nói ra".

Điều quan trọng với các bậc cha mẹ là không nên giảm thiểu hoặc gạt bỏ đi những câu hỏi thể hiện sự quan tâm tới thế giới của con mình.

Các nhà tâm lý học khuyên rằng bạn nên giữ bình tĩnh trước nhất. Cha mẹ không nên nói với con rằng "Đừng sợ", con bạn có thể nghĩ rằng bố mẹ đang cấm đoán cảm xúc của mình. Thay vào đó, bạn nên nói "Bố (mẹ) hiểu, điều đó cũng làm cho bố (mẹ) sợ, nhưng mà con cần hiểu là…", việc tôn trọng cảm xúc của con là một phản ứng tích cực điều đó giúp cho bọn trẻ hiểu rằng bạn đang tôn trọng và thấu hiểu cảm xúc của chúng.

2. Trò chuyện về khủng hoảng một cách thân thiện với trẻ em

Sau khi trải qua bước tôn trọng và thể hiện sự thấu hiểu, cuộc nói chuyện của cha mẹ và các con sẽ được đẩy đến bước 2, lúc này trẻ đã sẵn sàng cởi mở và chia sẻ toàn bộ những gì mình suy nghĩ và thắc mắc với cha mẹ.

Cha mẹ làm gì khi con hỏi về chiến sự ở Ukraine và Covid-19? Chuyên gia tâm lý đưa đáp án! - Ảnh 3.

Thường xuyên trò chuyện là cách hiểu con bạn hơn. Ảnh Unicef.org

 

Nếu con bạn đặt những câu hỏi nghe có vẻ cực đoan chẳng hạn như "Tất cả chúng ta đều sẽ chết vì bệnh tật sớm thôi, phải không?".

Hãy bình tĩnh và phân tích cho con rằng điều đó là không đúng, ai rồi cũng phải chết nhưng cái chết sẽ đến với mỗi người theo những cách khác nhau. Cha mẹ cũng nên cố gắng tìm hiểu những gì con bạn đã được nghe và tại sao các em lại lo lắng về điều đó. Nếu bạn có thể hiểu được nỗi lo lắng đến từ đâu, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc trấn an các bạn nhỏ .

Van Bronswijk cho rằng: “Cách chúng ta nói về những cuộc khủng hoảng với trẻ em như thế nào cũng phụ thuộc vào sự phát triển nhận thức và cảm xúc của từng đứa trẻ". Cô cho rằng ngay khi một đứa trẻ bắt đầu đặt câu hỏi xoay quanh các vấn đề về thế giới, các em nên nhận được sự giải đáp thích đáng từ phía các bậc phụ huynh.

Có lẽ những câu hỏi khó nhất mà cha mẹ băn khoăn là "Tôi nên sử dụng từ ngữ gì cho phù hợp? Tôi có thể giải thích rõ đến mức độ nào là vừa đủ?". Nhà tâm lý học Felix Peter khuyên rằng: “Những câu hỏi của đứa trẻ sẽ quyết định nội dung cuộc trò chuyện có tiến xa hơn hay không. Cha mẹ không cần phải giảng giải quá kỹ càng, nên cho phép các cuộc trò chuyện được dẫn dắt bằng các câu hỏi của con", Peter nói.

3. Hạn chế tần suất xuất hiện tin tức

Van Bronswijk - nhà tâm lý học nhấn mạnh: “Đặc biệt các bậc cha mẹ không nên cho con cái họ xem các video về chiến tranh vì ngay cả người lớn cũng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý bởi những hình ảnh bạo lực chứ không riêng gì trẻ em”.

Cha mẹ làm gì khi con hỏi về chiến sự ở Ukraine và Covid-19? Chuyên gia tâm lý đưa đáp án! - Ảnh 5.

Bảo vệ con khỏi những thông tin độc hại từ các phương tiện truyền thông. Ảnh Unicef.org

 

Hãy lưu ý đến tần suất tiếp xúc của con bạn với tin tức và đảm bảo các nguồn tin tức, tránh những mẩu tin có tiêu đề gây “shock” và hình ảnh mang tính kích động.

Cha mẹ nên hạn chế tin tức với các bạn nhỏ. Còn những bạn lớn hơn, cha mẹ có thể sử dụng những thông tin trên ti vi, báo chí như một cơ hội để thảo luận về việc chúng nên dành bao nhiêu thời gian để đọc tin tức mỗi ngày và xác thực những nguồn tin tức đó có đáng tin hay không.

Các bậc cha mẹ cũng nên xem xét cách bạn nói chuyện về những vấn đề thế giới với những người lớn khác nếu con bạn ở gần bạn lúc đó.

Nhà tâm học cũng đưa ra gợi ý rằng các bậc phụ huynh nên tạo ra những hoạt động tích cực như đi dạo cùng hoặc những trò chơi tiêu khiển để giảm thiểu tần suất online của các con.

4. Hãy là một hình mẫu cho con

Cho dù là khủng hoảng khí hậu, Covid-19 hay chiến sự Nga - Ukraine, các nhà tâm lý học chỉ ra rằng nhiều người lớn cũng phải vật lộn với cảm giác bất lực trước những sự kiện thế giới đang diễn ra xung quanh .

Vì vậy, việc nói lên cảm xúc không thoải mái của chính mình có thể cũng là một biện pháp rất hữu ích và điều đó có thể giúp bạn trở thành hình mẫu lý tưởng cho con cái của mình .

Cha mẹ làm gì khi con hỏi về chiến sự ở Ukraine và Covid-19? Chuyên gia tâm lý đưa đáp án! - Ảnh 7.

Con cái học từ cha mẹ cách đối mặt với những cảm xúc khó khăn. Ảnh Unicef.org

Nếu bạn đang cảm thấy lo lắng hoặc buồn phiền, hãy dành thời gian cho bản thân, gia đình, bạn bè và những người đáng tin cậy khác.

Hãy chăm sóc bản thân, lưu ý đến cách bạn đang xem tin tức, điều chỉnh thời gian sao cho phù hợp. Trong khả năng có thể, hãy dành chút thời gian để làm những việc giúp bạn thư giãn và hồi phục sức khỏe. Trẻ em sẽ tự nhận ra phản ứng của bạn đối với tin tức, vì vậy điều này giúp chúng biết rằng cha mẹ chúng đang bình tĩnh và có khả năng kiểm soát, giúp các em an tâm hơn trước thảm cảnh của dịch bệnh và sự bất ổn toàn cầu.

Theo Pháp luật và Bạn đọc

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang