Cha mẹ lưu ý: Nhiều loại thú nuôi tưởng rất cưng nhưng ẩn chứa hiểm họa khó lường với con trẻ

(lamchame.vn) - Nhiều câu chuyện buồn với trẻ nhỏ và chính những người lớn đã xảy ra từ những con vật nuôi mang vẻ ngoài vô cùng đáng yêu mà chúng ta đang coi chúng là thú cưng trong nhà.

Những con vật có ngoại hình xinh xắn này đôi khi lại là mối nguy hại đối với sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ và chính chúng ta. Hãy thông minh và tỉnh táo khi lựa chọn những vật nuôi trong nhà và khi để chúng tiếp xúc với trẻ nhỏ.

Nuôi chó cưng trong nhà

Sau nhiều câu chuyện đau lòng về sự vụ trẻ em bị tai nạn, tử vong do chó cắn nhiều người đã lên tiếng đặt ra câu hỏi “yêu con, hoặc yêu chó”.

Gần đây nhất vào cuối tháng 7 vừa qua là sự vụ thương tâm khi bé gái 8 tháng tuổi bị chó ngao nhà nuôi cắn chết. Ngày 1/8, VTC News đăng tải thông tin lại thêm trường hợp bị chó cắn đứt rời môi, lóc da bàn tay vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu.

Trường hợp đầu tiên là một bé trai 7 tuổi (ở Chương Mỹ, Hà Nội), hiện cháu bé được điều trị tại Khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Nhiều trẻ đã gặp tai nạn, tử vong vì chó nuôi trong nhà. Ảnh minh họa. 

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mặt có nhiều vết thương, mất nửa môi trên dính sát liền mũi, có một vết thương thấu môi dưới, phần môi đứt rời kích thước 2x2cm dập nát, có nhiều vết răng chó ở trên. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, vết thương khô.

Trả lời trên Vnexpress, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, tổn thương ảnh hưởng lớn đến chức năng và thẩm mỹ của trẻ, tiên lượng kém. Bệnh nhi sẽ phải phẫu thuật tạo hình nhiều lần song sẽ không lành lặn như trước được.

Trường hợp này bác sĩ tiếc không cứu được môi cho bé bởi phần đứt liền không được bảo quản đúng. 

Rùa mini sơn đủ màu

Hiện tại, "rùa mini" có lẽ là 1 từ khóa khá hot trên mạng xã hội được nhiều người chia sẻ là thú cưng của mình và cũng xuất hiện nhiều bài đăng buôn bán loài rùa này.

"Rùa mini" đang được bày bán tràn lan trên mạng xã hội. 

Tuy nhiên sau những cơn sốt, cộng đồng mạng cũng đã bắt đầu có những phản ứng và hoài nghi về loài rùa này.

Trước hết, rất nhiều bạn trẻ đã đồng loạt bày tỏ quan điểm chỉ trích, bức xúc trước hành động vẽ lên mai rùa, thân rùa. Họ cho rằng, với giá bán chỉ từ 40k cho 1 con rùa mini, có ai dám đảm bảo rằng lớp sơn vẽ trên thân rùa là an toàn với chúng? Hơn nữa, việc quảng cáo rùa mini "1 tháng không ăn cũng không chết" là hoàn toàn phi lý, không có cơ sở khoa học.

Bên cạnh đó, nhiều người đã hoài nghi, đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là loài rùa tai đỏ - loài rùa gây nguy hại cho môi trường nước, bị cấm buôn bán và thả ra môi trường ở Việt Nam?

Theo nhiều người quan sát được, rùa mini có 2 đốm đỏ ở 2 bên tai, là dấu hiệu nhận biết đặc trưng của loài rùa tai đỏ. Theo đó, rùa tai đỏ có bản chất hung dữ, ăn tạp, sinh sản nhanh, khi thả xuống môi trường nước như sông, hồ sẽ ăn hết thức ăn của loài thủy sinh khác. 

Cảnh báo của cộng đồng mạng trên Facebook - Ảnh chụp màn hình.

Liên quan đến rùa mini đang gây tranh cãi trên mạng xã hội, trao đổi với Hellino, "Nhà Rùa học" Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Đình Đức khẳng định đây chính là rùa tai đỏ. Loài rùa này nằm trong danh sách các loài rùa xâm hại của Việt Nam, bị cấm buôn bán và thả ra môi trường.

Về việc rùa mini hiện đang bày bán tràn lan trên mạng xã hội, PGS - TS. Hà Đình Đức cho biết hiện chưa có phân tích, đánh giá khoa học nào về việc có hại hay không những hình vẽ trên thân rùa, nhưng vị Phó giáo sư cho rằng, việc làm này là không nên.

Chuột cảnh Hamster

Từ nhiều năm nay, giới trẻ đã có thú vui nuôi chuột Hamster và coi đó như thú cưng trong gia đình. Ở Việt Nam việc nhập và nuôi chuột Hamster rộ lên tại Hà Nội và TP HCM từ cuối năm 2007, khi giới trẻ đua nhau mua chuột để đón xuân.

Chuột Hamster được giới trẻ ưa chuộng. Ảnh: Hamstervn.net.

Cảnh báo mối nguy hiểm về loài chuột cảnh này, bà Nguyễn Thị Vương, chuyên viên của khu chăn nuôi động vật chuẩn thức, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương trả lời trên Vnexpress, đơn vị chuyên nuôi các giống chuột thí nghiệm cung cấp cho các cơ sở nghiên cứu, chuột hamster có tính gặm nhấm khá mạnh, có thể cắn cả gỗ và đồ, vì thế người nuôi nên nhốt chúng trong lồng, không nên thả ra tự nhiên.

Cục Thú y khẳng định, chuột là loại động vật gặm nhấm, thích ăn hạt ngũ cốc và sinh sản rất nhanh. Chúng cũng lây truyền một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như dịch hạch, xoắn khuẩn. Một số nước châu Âu và châu Á nuôi chuột Hamster để làm thí nghiệm hoặc làm cảnh.

Theo Sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang