Cha mẹ nên làm gì trước kết quả học tập cuối năm của con kém

(lamchame.vn) - Thời gian này, nhiều trường thường sẽ tổ chức họp phụ huynh để nhà trường thông báo kết quả học tập sau một năm học của học sinh. Không ít phụ huynh cảm thấy "sốc" khi thành tích học tập của con giảm sút, thậm chí mắc nhiều lỗi hay không đạt điểm như kỳ vọng. Vấn đề ở đây là cha mẹ cần nói gì, làm gì, phản ứng ra sao trước kết quả học tập cuối năm của con có chiều hướng đi xuống.

Đã làm cha, làm mẹ, ai chả muốn con cái mình ngoan ngoãn, học tập giỏi giang, tiến bộ được các thầy cô giáo yêu mến, ngợi khen. Đó là một mong muốn chính đáng và cần có. Tuy vậy, thực tế việc học tập của các con đâu phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió” mà kết quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó thành công, thất bại luôn tồn tại song hành. Cha mẹ nên hiểu kết quả học tập cuối năm của con không phản ánh năng lực thực sự của con bạn.

Đừng để kết quả học tập cuối năm tạo thành gánh nặng cho con trẻ

Thực tế là phần lớn cha mẹ đều coi điểm số là tiêu chuẩn đánh giá tình hình học tập của trẻ. Bên cạnh đó, áp lực về điểm số, xếp loại học tập ngày càng rõ nét bởi hiện nay nhiều trường phổ thông, đại học xét học bạ của học sinh, chỉ nhận những học sinh có học lực khá giỏi, các môn học chính điểm tổng kết phải từ khá trở lên… Trong sự kỳ vọng của mình không đạt được như ý muốn, nhiều phụ huynh đã tìm cách trút giận lên con cái, mang ra so sánh với "con nhà người ta" học giỏi, điểm cao.

Ảnh minh họa

Không chỉ vậy, còn có rất nhiều bậc cha mẹ lấy điểm số để làm điều kiện cho những nhu cầu sinh hoạt cơ bản của con cái, rồi bắt con phải học tập vì chính điểm số đó. Kết quả là sự phát triển tâm lý và thể trạng của trẻ bị ảnh hưởng.

Có những bậc cha mẹ còn xem kết quả học tập cuối năm của con như một tiêu chuẩn chủ yếu, thậm chí là duy nhất để đánh giá trẻ. Họ vô cùng nhạy cảm với sự cao – thấp của điểm số. Nếu con được điểm 9, điểm 10 thì vui mừng phấn khởi, lập tức khen ngợi, có khi còn dùng cả tiền để làm phần thưởng. Còn nếu con bị điểm thấp không đúng theo nguyện vọng của mình thì bắt đầu giận dữ, la mắng, quát nạt, đến nỗi con trẻ phải run rẩy lên vì sợ hãi.

Trẻ em rất nhạy cảm, nếu cha mẹ quá quan tâm đến điểm số, chúng sẽ có phản ứng nhạy cảm hơn với điểm số. Nếu cha mẹ còn la mắng, giận dữ sẽ làm tổn thương đến lòng tự trọng của các con, ảnh hưởng tới sự tự tin và lòng nhiệt tình đối với việc học tập của trẻ. Điều này hoàn toàn không có lợi cho việc tự học của con. Cha mẹ cần nắm rõ một nguyên tắc: Động viên trẻ học tập vì kiến thức chứ không phải vì điểm số.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh lấy làm thất vọng và xấu hổ khi giáo viên chủ nhiệm liên tục "bêu tên" con mình trước tập thể phụ huynh lớp bằng việc liệt kê hàng loạt những khuyết điểm. Nhận xét từng môn học, cũng nêu những học sinh ở trong nhóm từ giỏi tới yếu. Kết quả là những màn trút giận lên đầu con cái khi trở về nhà, thậm chí không ít phụ huynh dọa dẫm, mắng chửi con em mình và đưa ra hình thức phạt nặng.

Cha mẹ nên nhớ rằng, bản thân mình cũng không phải là người hoàn thiện cớ sao lại bắt con mình phải hoàn hảo? Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, vậy nên thay vì chỉ trích con cái, cha mẹ hãy cùng đồng hành như một người bạn để giúp con dần tốt hơn.

Khi cha mẹ quan tâm quá mức tới điểm số có thể làm mất đi tính tích cực học ở trẻ

Có thể thấy, phần lớn cha mẹ, hễ thấy con đi học về liền hỏi điểm số. Như vậy các bé sẽ nghĩ rằng, điều cha mẹ quan tâm chỉ là thi cử và điểm số, các thứ khác cha mẹ hoàn toàn không quan tâm. Từ đó, khiến trẻ nảy sinh tâm lý phản kháng, chán ghét rồi từ bỏ việc học hành.

Ảnh minh họa

Các bậc cha mẹ khi quản thúc con cái chuyện học hành đừng chỉ nhìn vào điểm số của con, hãy quan tâm đến năng lực thực chất của con. Đừng xem điểm số là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá trình độ của con, mà nên dùng thái độ bình thản để nhìn nhận điểm thi của con. Con thi được điểm tốt đừng ngại ngần động viên tinh thần, nếu thi cử không như ý thì cũng cần tìm ra nguyên nhân, cổ vũ con tiếp tục nỗ lực. Tinh thần của trẻ ổn định, tăng thêm sự tự tin, phát triển lành mạnh là điều quan trọng hơn cả. Trẻ không những nắm được kiến thức mà còn cần nắm được phương pháp rèn luyện các kỹ năng cơ bản, biết cách làm người tốt. Điều này cần sự phối hợp của cha mẹ và giáo viên.

Càng ngày, chúng ta càng nhận ra được một thực tế rằng, điểm số không còn là công cụ để đo lường giá trị của một con người trong xã hội. Vậy nên, các bậc cha mẹ đừng nên để điểm số trở thành cái kiềng trói buộc con cái mình. Mục đích của chúng ta khi cho trẻ đến trường học hoàn toàn không phải là để lấy được điểm cao mà là để có được kiến thức thực tế, học cách tạo dựng các mối quan hệ, học cách làm người. Chỉ khi điểm số không còn là áp lực nữa thì trẻ em mới vui vẻ đến trường và trưởng thành khỏe mạnh.

Cha mẹ nên làm gì trước kết quả học tập cuối năm của con kém

Cha mẹ hãy nhớ ngày xưa mình bằng tuổi chúng nó mình ngoan hơn hay hư hơn, học giỏi hơn hay học dốt hơn con bây giờ? Nếu không bằng thì hãy hạnh phúc đi. Còn nếu chúng dốt hơn, hư hơn thì cũng chẳng phải lỗi tại chúng. Là chúng ta đã dành cho chúng bao nhiêu thời gian?

Kết quả học tập cuối năm của con kém không phải lỗi mà là nhiệm vụ để sửa. Một trận đòn không thay đổi được kết quả học tập. Thay vào đó, hãy làm một kế hoạch thay đổi trong năm học sau.

Như vậy, đứng trước một thực tế là con cái học tập giảm sút, các bậc phụ huynh cần phải bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân vì sao lại dẫn đến kết quả như vậy?

Các bậc phụ huynh cần thẳng thắn và gần gũi trao đổi với các cháu và tìm gặp, lắng nghe ý kiến của bạn bè con mình để hiểu rõ nguyên nhân vì sao các cháu học tập giảm sút.

Việc quan trọng là phụ huynh chúng ta cần liên hệ thường xuyên với nhà trường, với thày cô giáo chủ nhiệm để biết được đầy đủ về ý thức kỷ luật, về tinh thần học tập của con em mình và tất nhiên chúng ta sẽ tìm hiểu đúng nguyên nhân vì sao con mình học tập giảm sút để từ đó kết hợp với nhà trường tìm biện pháp đúng đắn nhất nhằm kiểm tra đôn đốc, động viên khích lệ để con cái mình có ý chí vươn lên trong học tập.

Những đứa trẻ giỏi giang hơn con bạn hôm nay chưa chắc là những đứa trẻ sẽ thành công trong ngày mai. Đừng mang chúng ra bắt con bạn học theo. Cẩn thận chúng sẽ gọi bố mẹ của đứa bạn ấy là bố mẹ thay cho bạn. “Con nhà người ta” luôn đi cùng với “bố mẹ nhà người ta”.

Con bạn có thể không mang về giấy khen cho thành tích học tập của nó nhưng bạn mới là người giữ những lời khen mà con bạn muốn nghe nhất, muốn đạt được nhất. Hãy tìm kiếm những kết quả mà con thu được từ trải nghiệm hơn là từ những bài thi trên lớp.

Một lần nữa phải nhắc các cha mẹ rằng: Kết quả học tập cuối năm của con không phản ánh năng lực thực sự của con bạn. Nó không phải là đứa trẻ bỏ đi nếu như Toán chỉ 2 điểm, Văn chỉ 2 điểm trong khi điểm Vẽ là 10. Tiếng Anh của nó có thể siêu tệ nhưng bài văn của nó thì siêu hay. Hãy tìm ra điểm xuất sắc ở con mình.

Việc học của con cái là vô cùng quan trong. Các bậc phụ huynh chúng ta cần quan tâm hàng ngày trước kết quả học tập của các cháu bằng những phương pháp sư phạm đúng đắn, hiệu quả nhất.

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang