Để một đứa trẻ phát triển toàn diện về nhận thức, nhân cách cần sự chung tay giáo dục từ xã hội, nhà trường và gia đình. Trong đó, điều quan trọng nhất là việc giáo dục đến từ phía gia đình. Quá trình giáo dục đó cần diễn ra thường xuyên, liên tục, tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi đứa trẻ.
Việc giáo dục ở gia đình mang tính cá thể hoá rất cao. Cha mẹ phải là người gần gũi, hiểu rõ đặc điểm tâm lý của đứa trẻ. Nếu muốn con phát triển toàn diện về nhân cách, trí tuệ, các bậc cha mẹ tuyệt đối không làm 3 điều sau đây.
1. Nói một đằng, làm một nẻo
Để trẻ tin tưởng, hiểu đầy đủ và tự giác tuân theo lời nói của cha mẹ là điều không hề đơn giản. Cha mẹ phải hết sức kiên trì, khéo léo, cởi mở chia sẻ với con những khúc mắc đang gặp phải. Đặc biệt, lời nói luôn phải đi đôi với việc làm, tránh tình trạng nói một đằng, làm một nẻo. Cha mẹ hãy luôn là tấm gương mẫu mực về nhân cách, quy tắc hành xử để con cái noi theo và học tập.
Một trong những điều tối kỵ là việc cha mẹ nói một đằng, làm một nẻo. (Ảnh minh hoạ)
Trẻ nhận thức cuộc sống qua lăng kính khá cảm tính và đơn giản. Vì thế, những vấn đề cần thuyết phục, chứng minh cho trẻ phải chân thực, chính xác, tránh cường điệu. Thực tế, hầu hết chúng ta đều là người bình thường, cha mẹ cũng không giỏi đến mức có thể biết hết mọi thứ. Tuy nhiên, khi giáo dục con cái, nhất là về mặt tư tưởng, đạo đức thì cần có sự thống nhất từ lời nói đến hành động. Chỉ khi có đủ tư cách, bản lĩnh vững vàng, các bậc cha mẹ mới có thể giúp con giải quyết được các vấn đề mà chúng gặp phải.
2. Cha mẹ thường xuyên nói dối
Một điều ngạc nhiên là các bậc cha mẹ thường xuyên dạy con phải trung thực nhưng chính họ lại nói dối con rất nhiều. Trong một nghiên cứu mới công bố, các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết quả, rất ít cha mẹ mà một ngày không dối gạt con một lần. Khoảng 70% các bậc phụ huynh cho rằng nói dối là không chấp nhận được. Nhưng đến 80% thừa nhận họ cũng nói dối hoặc có những điều tương tự như vậy.
Dù trong trường hợp nào cũng không nên nói dối với con. (Ảnh minh hoạ)
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng nói dối là để dỗ dành, an ủi, động viên hoặc khiến con trở nên ngoan hơn. Chẳng hạn, họ thường nói với con những câu như: "Con không ăn hết thức ăn, mẹ sẽ báo bác sĩ đến tiêm con", "Nếu không con không nín khóc thì các chú cảnh sát sẽ tới bắt con",… Những lời nói dối sẽ khiến trẻ không tin vào cha mẹ nữa, dẫn đến việc trẻ trở nên chây ì. Dần dần, lời nói của cha mẹ không còn trọng lượng. Điều đáng buồn hơn là có thể con sẽ học theo cha mẹ mà không quan tâm đến mục đích lời nói dối xấu hay tốt.
Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy cố gắng làm gương tốt cho con cái, không nên nói nói những điều không thật. Điều gì cảm thấy không nói được thì có thể nói tránh đi hoặc nói thẳng với con là chưa tới lúc để biết những điều đó. Đừng chỉ nói đại cho xong mà để lại hậu quả khôn lường.
3. Cha mẹ cãi nhau trước mặt con
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, những đứa trẻ sống trong môi trường hoà thuận sẽ phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ tốt hơn so với trẻ sống trong một gia đình luôn cãi vã. Những mâu thuẫn, xung đột là điều khó tránh khỏi trong đời sống hôn nhân. Tuy nhiên, nếu cha mẹ thường xuyên tranh cãi, xô xát trước mặt con sẽ gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng như: Tính cách trở nên hung hãn, có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, luôn trong trạng thái căng thẳng, suy giảm nhận thức, hình thành góc nhìn tiêu cực về cuộc sống, sống khép kín, mặc cảm, tự ti,…
Cha mẹ nên hạn chế cãi vã trước mặt con cái. (Ảnh minh hoạ)
Trước những hệ luỵ khôn lường như trên, cha mẹ nên hạn chế tối đa việc tranh cãi trước mặt con. Cần tìm cách giải quyết nhanh chóng các vấn đề đang xảy ra, tuyệt đối không gây chiến tranh lạnh. Cha mẹ nên học cách giữ bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc bản thân và cần giải quyết mâu thuẫn trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Tốt nhất là khi tức giận nên tìm một nơi yên tĩnh để cân bằng lại cảm xúc. Sau đó, khi cả hai đã bình tĩnh trở lại thì mới bắt đầu nói chuyện và giải quyết vấn đề.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.