Chân dung Tân Nhật hoàng Naruhito - vị vua sẽ gắn bó với người dân Nhật Bản trong thời kỳ Reiwa đầy hứa hẹn

Ít ai biết, tân Nhật hoàng Naruhito không chỉ là một chuyên gia về nước mà còn là một nhà leo núi giàu kinh nghiệm và nghệ sỹ vĩ cầm xuất sắc. Vị Nhật hoàng của thời kỳ Reiwa còn khiến công chúng ngưỡng mộ bởi tình yêu mãnh liệt dành cho Công nương Masako.

Thái tử Naruhito sinh ngày 23/2/1960, là con trai cả của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko và là người kế vị Ngai vàng Hoa cúc vào ngày 1/5, sau khi cha ông thoái vị vào ngày 30/4. Sau khi đăng quang, Thái tử Naruhito trở thành hoàng đế thứ 126 của chế độ quân chủ lâu đời nhất thế giới. Ông cũng trở thành hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản sinh ra sau Thế chiến II.

Thời thơ ấu bình dị, sớm bộc lộ nhiều đức tính quý báu

Nhờ tư tưởng hiện đại của cha mẹ, vị tân Nhật hoàng Naruhito trải qua thời thơ ấu hạnh phúc và bình dị như bao đứa trẻ khác.

Theo truyền thống hoàng gia Nhật, con cháu trong hoàng tộc sẽ được gửi tới cho bảo mẫu chăm sóc tại nhà trẻ hoàng gia. Tuy nhiên, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko quyết định phá vỡ truyền thống ấy, tự tay nuôi dưỡng và chung sống cùng các con dưới một mái nhà.

Chân dung Tân Nhật hoàng Naruhito - vị vua sẽ gắn bó với người dân Nhật Bản trong thời kỳ Reiwa đầy hứa hẹn - Ảnh 1.

Thái tử Naruhiko tháng 2/1961.

Về phương diện học vấn, Thái tử Naruhito nối tiếp truyền thống hoàng gia khi theo học trường Gakushuin – ngôi trường dành cho giới quý tộc bao gồm các cấp học từ tiểu học đến đại học.

Theo cuốn sách có tựa đề "Naruchan Kenpo" (Hiến pháp bé Naru) nói về phương pháp nuôi dạy con của Hoàng hậu Michiko, bà luôn cố gắng để con được lớn lên và phát triển một cách bình thường nhất có thể. Sau khi đăng ký cho Thái tử Naruhito vào trường tiểu học, bà đã rất hoảng hốt khi con thiếu trải nghiệm so với những đứa trẻ đồng trang lứa. Vì vậy, bà đã mời tất cả các bạn cùng lớp của con tới cung điện theo từng nhóm 3-4 người trong suốt 1 năm học để Thái tử Naruhito có thể hiểu được tầm quan trọng của tình bạn.

    

    

Hoàng hậu Michiko luôn cố gắng để Thái tử Naruhito được lớn lên như một đứa trẻ bình thường.

    

    

    

Một ngày nọ sau buổi học, Thái tử chạy về nhà, vừa thở hổn hển vừa phấn khích hỏi người lớn về món "mì ăn liền" – món ăn mới khiến mọi người trong vùng xôn xao vào năm 1960. Để con không cảm thấy bị cô lập ở trường do lý lịch đặc biệt của mình, Hoàng hậu Michiko ngay lập tức bố trí để món ramen được phục vụ trên bàn ăn, rồi mãn nguyện nhìn con ăn món mì đó một cách ngon lành.

Kiyokazu Kanze, bạn học cũ của Thái tử tại trường Gakushuin từ thời tiểu học đến trung học kể lại kỷ niệm thời thơ ấu với ông. Trong một chuyến đi thực tế với nhóm bạn cùng lớp, một người bạn đã không đến điểm hẹn đúng giờ khiến Thái tử và những người khác phải chờ. Sau 15 phút, một người đề nghị cả nhóm khởi hành tới điểm đến tiếp theo nhưng Thái tử vẫn kiên nhẫn, nói rằng hãy đợi cậu bạn kia thêm 5 phút nữa. Khi cậu bé kia cuối cùng cũng xuất hiện, Thái tử không hề tỏ ra tức giận mà chỉ nở nụ cười chào đón người bạn tới trễ.

Chân dung Tân Nhật hoàng Naruhito - vị vua sẽ gắn bó với người dân Nhật Bản trong thời kỳ Reiwa đầy hứa hẹn - Ảnh 4.

"Là một người bạn thời thơ ấu của Thái tử, tôi tin rằng ông ấy sẽ bình tĩnh kế vị và vẫn giữ những đức tính vốn có của mình – kiên nhẫn và cảm thông cho mọi người", ông Kanze nói.

Năm 1983, ở tuổi 23, Thái tử Naruhito bắt đầu chương trình 2 năm tại Đại học Oxford (Anh), nơi ông có khoảng thời gian hiếm hoi tách khỏi cuộc sống hoàng gia khép kín, ngột ngạt. Trong cuốn sách xuất bản năm 1993 của mình, ông đã mô tả khoảng thời gian này là thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời mình.

Lời hứa chở che bảo vệ cả đời cho người phụ nữ mình yêu

Naruhito chính thức trở thành Thái tử sau khi ông nội ông là Nhật hoàng Hirohito băng hà vào năm 1989. Giống như cha mình – Nhật hoàng Akihito, Thái tử Naruhito cũng phá vỡ quy tắc hoàng gia, dành trọn trái tim mình cho một người con gái xinh đẹp, học vấn xuất chúng, dù xuất thân danh giá nhưng vẫn là thường dân. Đó là Masako Owada – một nhà ngoại giao tốt nghiệp hạng ưu Đại học Harvard, có thể nói 6 ngôn ngữ: Anh, Nga, Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Đức.

Chân dung Tân Nhật hoàng Naruhito - vị vua sẽ gắn bó với người dân Nhật Bản trong thời kỳ Reiwa đầy hứa hẹn - Ảnh 5.

Đám cưới của Thái tử Naruhito và Công nương Masako năm 1993.

Thái tử Naruhito được công chúng Nhật Bản nhớ đến với tình yêu mãnh liệt dành cho Công nương Masako – người từng 2 lần từ chối lời cầu hôn của Thái tử và chỉ gật đầu nhận lời cầu hôn thứ ba với lời hứa "anh sẽ bảo vệ em suốt đời bằng tất cả khả năng của mình".

Đám cưới cổ tích của cặp đôi hoàng gia diễn ra vào năm 1993, sau đó, họ sinh hạ Công chúa Aiko vào năm 2001.

Chân dung Tân Nhật hoàng Naruhito - vị vua sẽ gắn bó với người dân Nhật Bản trong thời kỳ Reiwa đầy hứa hẹn - Ảnh 6.

Cặp đôi hoàng gia hạnh phúc đón công chúa đầu lòng vào tháng 12/2001.

Dù được vun đắp bằng tình yêu ngọt ngào nhưng cuộc hôn nhân của Thái tử Naruhito vẫn vấp phải vô vàn chông gai khi Công nương Masako phải vật lộn với áp lực sinh con trai, bởi Hoàng gia Nhật quy định con gái không được phép thừa kế ngai vàng.

Cuộc sống căng thẳng trong hoàng gia cũng khiến bà bị chẩn đoán mắc chứng "rối loạn điều chỉnh", một dạng bệnh tâm thần và phải điều trị bằng thuốc chống trầm cảm.

Năm 2004, Thái tử Naruhito khiến cả nước Nhật rung chuyển khi chỉ trích Cơ quan Nội chính Hoàng gia vì giảm bớt các chuyến đi nước ngoài của Công nương Masako nhằm để bà tập trung vào việc sinh quý tử, từ đó chối bỏ "sự nghiệp và tính cách" của bà.

"Công nương Masako, người từ bỏ sự nghiệp ngoại giao để làm dâu hoàng gia, đã rất đau khổ khi không được phép ra nước ngoài suốt một thời gian dài", Thái tử Naruhito nói trong một cuộc họp báo vào ngày 10/5/2004. "Cô ấy đã nỗ lực thích nghi với môi trường hoàng gia suốt 10 năm qua, điều đó khiến cô ấy kiệt sức", Thái tử nói.

Chân dung Tân Nhật hoàng Naruhito - vị vua sẽ gắn bó với người dân Nhật Bản trong thời kỳ Reiwa đầy hứa hẹn - Ảnh 7.

Thái tử Naruhito và Công nương Masako thăm Công viên quốc gia Fiordland, New Zealand vào ngày 15/12/2002.

Những chia sẻ của Thái tử Naruhito về nỗi khổ mà vợ mình phải chịu đựng khiến công chúng phẫn nộ với Cơ quan Nội chính Hoàng gia và gửi hàng trăm email bày tỏ sự giận dữ tới cơ quan này. "Điều tôi mong muốn là Masako sẽ lấy lại sự tự tin và sức sống của mình, cũng như tận dụng nền tảng kiến thức của mình có để hòa nhập với thời đại đang ngày một thay đổi", ông nói.

Quả thực Thái tử Naruhito luôn giữ đúng lời hứa năm xưa, rằng sẽ làm tất cả để chở che và bảo vệ Thái tử phi đến suốt cuộc đời. Thái tử đặc biệt quan tâm đến thủy lợi và coi đó như một cách để đóng góp tốt hơn cho xã hội với tư cách là một thành viên hoàng gia.

Chuyên gia về nước, đam mê leo núi và tài năng âm nhạc hội tụ

Tại Oxford, Thái tử nghiên cứu chuyên sâu hệ thống giao thông thế kỷ 18 trên sông Thames ở London, công bố những phát hiện của mình hoàn toàn bằng tiếng Anh trong tài liệu năm 1989 có tên "The Thames as Highway".

Năm 2007, ông được bổ nhiệm chức chủ tịch danh dự của Ban cố vấn cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về nước và vệ sinh. Kể từ đó, ông thường xuyên có những bài phát biểu quan trọng về quản lý nước tại các diễn đàn toàn cầu. "Tôi nhận ra rằng ngày nay, trong các thảm họa thiên nhiên trên thế giới, thiên tai liên quan đến nước chiếm tỷ lệ cực kỳ cao", ông nói trong cuộc họp báo một năm sau trận động đất và sóng thần ngoài khơi bờ biển phía đông Nhật Bản. "Tôi muốn nghiên cứu kỹ lưỡng về những trận động đất và sóng thần trong quá khứ, qua đó nói lên tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho mọi thảm họa có thể xảy ra, không chỉ với người dân Nhật Bản mà còn với cả thế giới", ông nói.

Chân dung Tân Nhật hoàng Naruhito - vị vua sẽ gắn bó với người dân Nhật Bản trong thời kỳ Reiwa đầy hứa hẹn - Ảnh 9.
Chân dung Tân Nhật hoàng Naruhito - vị vua sẽ gắn bó với người dân Nhật Bản trong thời kỳ Reiwa đầy hứa hẹn - Ảnh 10.

Thái tử Naruhito cười rạng rỡ khi chuẩn bị biểu diễn violon tại buổi hòa nhạc hữu nghị với các nghệ sỹ nổi tiếng châu Á tại Tokyo tháng 1/2007.

Không chỉ là một chuyên gia về nước nổi tiếng, Thái tử Naruhito còn là một nhà leo núi giàu kinh nghiệm và một nghệ sỹ violon xuất sắc.

Noi theo hình tượng "vị hoàng đế trong lòng dân" của vua cha

Tháng 6/2011, 3 tháng sau khi trận sóng thần thảm khốc tàn phá bờ biển phía đông bắc của Nhật Bản, Thái tử Naruhito và Công nương Masako đã đến thăm Miyagi - một trong ba quận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất để trấn an những người di tản đang tuyệt vọng và đau buồn.

Trong những tháng tiếp theo, cặp đôi hoàng gia thực hiện một chuyến đi tương tự tới hai quận Fukushima và Iwate, bắt đầu cho những chuyến thăm gần như thường niên đến khu vực Tohoku.

Chân dung Tân Nhật hoàng Naruhito - vị vua sẽ gắn bó với người dân Nhật Bản trong thời kỳ Reiwa đầy hứa hẹn - Ảnh 11.

Thái tử Naruhito và Thái tử phi Masako trò chuyện với những người sống sót sau thảm họa động đất sóng thần tháng 3/2011

tại một trung tâm sơ tán ở thị trấn Yamamoto, tỉnh Miyagi ngày 4/6/2011.

Những chuyến đi này dường như phản ánh khát vọng noi theo vua cha của Thái tử Naruhito. Luôn ca ngợi Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko vì sự gần gũi và đồng nhất mạnh mẽ của họ với công chúng trong suốt hơn 30 năm qua, Thái tử Naruhito đã liên tục bày tỏ tầm nhìn về một vị hoàng đế lý tưởng - một người có thể chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của người dân và luôn gần gũi với họ trong suy nghĩ.

Dường như đó sẽ là con đường Thái tử Naruhito tiếp tục kế tục sau khi lên ngôi Hoa cúc, mở ra thời kỳ Reiwa (Lệnh Hòa) đầy hứa hẹn vào ngày 1/5.

(Nguồn: Japantimes)

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang