Có vô vàn cách dạy con khác nhau, sau cùng cũng đều chung một mục đích là mong con mình có thể phát triển tốt, không đi vào con đường sai trái pháp luật. Trong thực tế, một số đứa trẻ vốn rất chăm ngoan, giỏi giang nhưng vì một lý do nào đó chẳng hạn như mê game, lười biếng, chúng tụt dốc không phanh. Tuy nhiên, ngoài 2 yếu tố này ra thì vẫn còn vài điều khác có thể hủy hoại cuộc đời một đứa trẻ.
1. Không dạy trẻ cách suy nghĩ độc lập
Trong quá trình giáo dục con cái, nhiều bậc cha mẹ luôn tự ý đưa ra quyết định thay con mình, không quan tâm tới cảm xúc của con. Dù cha mẹ và con cái có quan điểm khác nhau, họ vẫn ép buộc con hành động theo ý mình.
Sau khi con cái có sự phản kháng 1, 2 lần nhưng cha mẹ vẫn không thay đổi, điều đó càng khiến cho mối quan hệ giữa 2 bên trở nên căng thẳng hơn.
Ngược lại, một số đứa trẻ cảm thấy dù mình nói gì cha mẹ cũng không tiếp nhận, chúng đành phó mặc mọi thứ cho họ. Sau này, bất cứ vấn đề nào xảy ra, chúng không cố gắng tự giải quyết mà luôn tìm tới sự giúp đỡ của cha mẹ. Nhiều cha mẹ thấy con luôn cần mình như vậy thì lại vui vẻ, họ cho rằng con đã biết điều và coi trọng mình hơn.
Tuy nhiên, điều này lại có hại cho con cái, bởi cha mẹ sẽ không thể nào ở bên cạnh con cái mãi mãi, đến lúc đó chúng sẽ rất bối rối khi biến cố xảy đến mà mình không biết cách giải quyết.
Khi không còn ai để nương tựa, trẻ không biết mình phải xoay sở như thế nào hoặc tệ hơn là luôn tìm kiếm một người khác để dựa dẫm vào.
Những người như vậy rất đáng sợ, họ không có chính kiến của bản thân, chỉ biết nghe theo lời của người khác. Trường hợp may mắn nếu gặp người tốt sẽ không sao, nhưng nếu gặp người xấu họ dễ đi vào con đường phạm pháp.
Vì vậy, cha mẹ đừng lúc nào cũng quyết định thay con, hãy để con tự suy nghĩ việc của mình.
2. Không dạy trẻ biết lập kế hoạch tương lai cho mình
Lý do khiến nhiều người cứ như một "thợ đụng", đụng gì làm nấy là vì họ không có kế hoạch cho tương lai, không mục tiêu sống.
Để tránh tình trạng không có động lực tiến về phía trước, cha mẹ nên sớm cùng con lập ra một kế hoạch cho bản thân ngay từ nhỏ. Tùy theo từng giai đoạn phát triển của trẻ, kế hoạch đặt ra cần hoàn thành từng bước các mục tiêu nhỏ.
Khi trẻ đạt được mục tiêu, cha mẹ nên tặng cho con mình phần thưởng, điều này sẽ khiến trẻ ngày càng có động lực tiến về phía trước hơn.
3. Không dạy trẻ khái niệm về thời gian
Nhiều trẻ sẽ bị thu hút bởi những thứ bên ngoài khiến chúng lãng phí nhiều thời gian học tập.
Trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ thường xuyên thúc giục con cái làm một việc gì đó nhanh lên. Điều này cũng khiến trẻ không có ý thức về thời gian vì luôn làm mọi việc theo sự sắp đặt của người khác.
Vì vậy, cha mẹ không nên lúc nào cũng vội vã trong cuộc sống mà hãy cho con cái biết hậu quả của việc trì hoãn, từ đó trẻ mới biết quản lý thời gian của mình.
Mỗi người đều có 24 giờ như nhau nhưng có những người làm được rất nhiều việc, trong khi số khác lại chẳng làm gì mà một ngày cũng đã trôi qua. Chính vì lẽ đó, trẻ cần được cha mẹ dạy cách sắp xếp thời gian hợp lý để mỗi ngày hoàn thành được nhiều việc hơn. Việc tạo thói quen quý trọng thời gian ngay từ nhỏ là điều cần thiết đối với một đứa trẻ sống tự lập sau này.
4. Không dạy con phải biết mạnh mẽ
Cuộc đời mỗi người không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió trong xã hội, có thể gặp nhiều trở ngại, khó khăn, những đứa trẻ yếu đuối khó có thể tiến xa trong xã hội.
Nhiều bậc cha mẹ cũng biết điều này nhưng trong cuộc sống hằng ngày, họ luôn ngại thực hiện, khi thấy con khóc là họ sẽ đứng ra giúp đỡ. Nhiều đứa trẻ "nắm thóp"cha mẹ, hở một chút khó khăn là khóc lóc chạy tới chờ cha mẹ giúp đỡ.
Trong tình huống như vậy, cha mẹ nên chú ý, không phải lúc nào con khóc cũng chạy đến ngay. Hãy để trẻ hiểu điểm mấu chốt của mình ở đâu, chúng cần học cách trở nên mạnh mẽ, tự giải quyết vấn đề. Tất nhiên, trẻ đôi khi năng lực còn hạn chế và cha mẹ có thể giúp đỡ kịp thời.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.