Mới đây, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide. Đây là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu.
Được biết hiện có 3 dòng sản phẩm trong danh sách thu hồi của FSAI, bao gồm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77g, hạn sử dụng đến 24/9/2022), miến Good vị sườn heo (loại 56g, hạn sử dụng đến 10/11/2022), mì Yato vị hải sản (loại 120g, hạn sử dụng đến 30/11/2022).
-
Mì tôm Hảo Hảo bị thu hồi tại Ireland vì chứa chất cấm, công ty Acecook Việt Nam nói gì?
Trong đó, 2 sản phẩm là mì Hảo Hảo và miến Good do công ty Acecook Việt Nam sản xuất, sản phẩm còn lại có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo FSAI, việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene Oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài. Do đó, người tiêu dùng cần hạn chế việc tiếp xúc với chất này.
Dự định trong thời gian tới, FSAI sẽ gửi thông báo thu hồi lô sản phẩm trên tại các điểm bán chịu trách nhiệm phân phối.
Vậy, Ethylene Oxide là gì?
Theo Wikipedia, Ethylene Oxide, còn được gọi là oxiran, là một hợp chất hữu cơ có công thức C2H4O.
Khả năng phá hủy DNA của Ethylen Oxide giúp nó trở thành một chất khử trùng hiệu quả nhưng cũng là nguyên nhân gây ra ung thư nếu tiếp xúc nhiều.
Ethylene oxide chủ yếu được sử dụng để làm ethylene glycol, chất chống đông và polyester. Một lượng nhỏ của ethylene oxide được sử dụng trong thuốc trừ sâu diệt côn trùng. Ethylene oxide cũng là một thành phần trong dệt may, chất tẩy rửa, dung môi và chất kết dính.
Ethylene Oxide cũng được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao. Một số quốc gia cho phép sử dụng Ethylene Oxide trong mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn thực phẩm.
Do có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài nên chất Ethylene Oxide bị cấm sử dụng trong các thực phẩm tại châu Âu.
Con người có thể tiếp xúc với Ethylene Oxide qua những con đường nào?
Các con đường tiếp xúc chính của con người với Ethylene Oxide là hít vào và nuốt phải, có thể xảy ra khi tiếp xúc nghề nghiệp, là người tiêu dùng mua phải sản phẩm có chứa chất này hoặc có trong môi trường sống, làm việc.
Vì Ethylen Oxide rất dễ nổ và dễ phản ứng, thiết bị được sử dụng để chế biến nó thường bao gồm các hệ thống khép kín và tự động hóa cao, giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp. Bất chấp những biện pháp phòng ngừa này, công nhân và những người sống gần các cơ sở công nghiệp sản xuất hoặc sử dụng Ethylen Oxide có thể tiếp xúc với nó thông qua khí thải công nghiệp không được kiểm soát. Người dân nói chung cũng có thể tiếp xúc với khói thuốc lá và sử dụng các sản phẩm đã được khử trùng bằng Ethylene Oxide như các sản phẩm y tế, mỹ phẩm...
Nhóm đối tượng nào có nguy cơ tiếp xúc với Ethylene Oxide cao nhất?
Những người lao động có nguy cơ tiếp xúc với ethylene oxide bao gồm:
- Công nhân trong các nhà máy sử dụng Ethylen Oxide để sản xuất dung môi, chất chống đông, hàng dệt, chất tẩy rửa, keo bọt nở polyurethane.
- Công nhân nhà máy làm việc trong các nhà máy sản xuất Ethylene Oxide.
- Nông dân dùng Ethylene Oxide trong nông nghiệp để kiểm soát côn trùng, sâu bọ, hạn chế tối đa thiệt hại mùa màng.
- Nhân viên bệnh viện sử dụng để khử trùng thiết bị và vật tư y tế.
Những rủi ro sức khỏe do tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm Ethylene Oxide là gì?
Theo FSAI, Ethylene Oxide được Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) phân loại là chất gây đột biến, chất gây ung thư và chất độc hại gây vô sinh.
Việc tiêu thụ thực phẩm có chứa Ethylene Oxide không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng sẽ làm tăng nguy cơ gây hại sức khỏe nếu tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm Ethylene Oxide trong một thời gian dài.
Những bệnh ung thư nào có liên quan đến việc tiếp xúc nhiều với Ethylen Oxide?
Ung thư bạch huyết và bạch cầu là những bệnh ung thư được báo cáo nhiều nhất có liên quan đến Ethylen Oxide thông qua tiếp xúc nghề nghiệp.
Ung thư dạ dày và ung thư vú cũng có thể liên quan đến việc tiếp xúc với Ethylen Oxide.
(Nguồn: Cancer, CDC, FSAI)
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.