Chỉ có mẹ dại mới không mở lời nhờ ông bà chăm cháu

Thật kỳ lạ, chẳng biết từ bao giờ lại xuất hiện trào lưu thích gửi con cho người lạ hơn là ông bà, những người ruột thịt, thân thiết và thương yêu con chẳng kém gì bố mẹ.

Chắc hẳn nhiều người chưa thể quên vụ người giúp việc bạo hành bé gái hơn 1 tháng tuổi dã man vừa mới xảy ra cách đây không lâu. Nhắc lại vụ việc chấn động ấy để thấy rằng, bao đời nay chẳng có người dưng nào thương yêu con mình được như ruột thịt. Cho dù có trả cho họ bao nhiêu tiền thì họ vẫn chỉ hành động cho tròn nghĩa vụ mà chẳng có lấy một chút yêu thương.

Ông bà thì khác, cháu là máu mủ ruột già nên sẽ chẳng có ai ngoài bố mẹ yêu thương con hơn những người ông, người bà. Thậm chí, ông bà là người có thể sẵn sàng dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho đứa cháu của mình. Trẻ chăm con, già chăm cháu, đối với ông bà được trông nom cho cháu là niềm vui tuổi già. Nhờ có đứa cháu cả ngày bi bô mà ông bà vơi đi nỗi buồn và cô đơn khi tuổi đã xế chiều. Cũng nhờ thế mà ông bà khỏe mạnh hơn, tươi trẻ hơn.

Dẫu biết rằng việc chăm sóc cháu chẳng lấy gì làm nhàn hạ. Thế nhưng nỗi vất vả khi chăm trẻ đối với ông bà không phải là sự khổ mà là niềm hạnh phúc.

Cạnh nhà tôi có hai ông bà sống trong căn hộ của khu tập thể. Ông bà có một người con trai và một người con gái. Cả hai khi lập gia đình đều mua nhà ở riêng, chỉ còn lại hai ông bà ở với nhau. Căn nhà dường như lúc nào cũng im ắng, chẳng có tiếng nói cười. Chỉ đến cuối tuần, mấy đứa nhỏ được bố mẹ đưa về thăm ông bà, khi ấy tôi mới thấy trên hai gương mặt già nua đã nhuốm màu thời gian hiển hiện những nụ cười hiếm hoi, để rồi lại tắt lịm khi những đứa cháu khoanh tay cất tiếng chào rồi lên xe đi mất. Nỗi cô đơn, hiu quạnh chính là thứ đáng sợ nhất đối với người già. Sự cô đơn ấy có thể ăn mòn và vắt kiệt sức khỏe của những người ông, người bà một cách nhanh chóng nhất. Cảm giác không còn có thể giúp được việc gì cho con cháu nữa sẽ khiến ông bà cảm thấy mình đã quá già nua.

Ngược lại, nếu có một đứa cháu để bế bồng, thì ông bà sẽ luôn cảm thấy dồi dào sức lực, bởi mình còn có thể làm được nhiều việc, còn có sức lực. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ai cũng mong con cái nhanh lập gia đình để có cháu bồng, cháu bế, để thoát khỏi nỗi cô đơn lúc tuổi xế chiều.

Nhờ ông bà chăm cháu, không chỉ là liều thuốc “tăng lực” cho ông bà, mà còn có vô vàn lợi ích khác. Chẳng gì an toàn bằng gửi con cho người thân thuộc, những người chắc chắn sẽ coi con là vàng, là bạc, sẽ chăm chút cho con bằng tất cả tình yêu thương. Tôi luôn tin rằng, những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu sẽ là những con người giàu tình cảm và có một tâm hồn đẹp. Trong vòng xoáy quay cuồng của cơm, áo, gạo tiền chúng ta dường như chẳng có nổi một chút thời gian rảnh. Nếu không nhờ ông bà chăm cháu, thì chỉ có thể nhắm mắt phó mặc con cho iphone, ipad hoặc người giúp việc. Con sẽ lớn lên giữa những thiết bị điện tử không cảm xúc, hoặc trong vòng tay của một người chỉ chăm sóc con bởi tiền bạc và nghĩa vụ. Con sẽ là đứa trẻ lớn lên mà không có nhiều tình yêu bao bọc. Một đứa trẻ như vậy khả năng cao sẽ trở nên lạnh lùng và ích kỷ.

Có người bảo rằng ông bà chăm cháu sẽ khiến con hư. Tôi thì không cho là vậy. Có thể ông bà ở cách chúng ta cả một thế hệ với những quan điểm và cách làm hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, đó là những điều mà chỉ cần cố gắng và kiên trì giải thích chúng ta có thể dung hòa được sự khác biệt đó bởi suy cho cùng ông bà dù làm gì cũng đều muốn tốt cho con, cho cháu mà thôi.

Thế nên mới nói, chỉ có mẹ dại mới không mở miệng nhờ ông bà chăm cháu, mà phó mặc an nguy của con cho một người xa lạ. Ông bà chăm cháu trăm nghìn lợi ích. Nếu ông bà còn khỏe mạnh chẳng dại gì mà không nhờ vả. Bởi đối với ông bà, được vất vả chăm cháu là niềm hạnh phúc.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết)

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang