Chi tiết đáng sợ có thể giúp biến thể Omicron né miễn dịch, lây lan dễ dàng

Các nhà nghiên cứu Mỹ vừa phát hiện ra một chi tiết đáng sợ về các đột biến của biến thể Omicron của SARS-CoV-2, Reuters đưa tin.

Nghiên cứu vừa được công bố ngày 2/12 trên trang web OSF Preprints. Người đứng đầu nghiên cứu là ông Venky Soundararajan, Giám đốc khoa học tại Nference – một công ty phân tích dữ liệu có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ).

Theo nghiên cứu, ít nhất một trong những đột biến của biến thể Omicron xảy ra là do Omicron đã lấy một mảnh vật liệu di truyền từ một loại virus khác cùng có mặt trong tế bào người bị nhiễm virus.

Mảnh trình tự gen này không xuất hiện trong bất kỳ phiên bản nào trước đó của SARS-CoV-2, nhưng lại phổ biến ở nhiều loại virus khác, bao gồm cả những virus gây cảm lạnh thông thường. Mảnh trình tự gen này cũng phổ biến trong bộ gen người, theo các nhà nghiên cứu.

Chi tiết đáng sợ có thể giúp biến thể Omicron né miễn dịch, lây lan dễ dàng - Ảnh 1.

Ít nhất một trong những đột biến của biến thể Omicron xảy ra là do Omicron đã lấy một mảnh vật liệu di truyền từ một loại virus khác. (Ảnh minh họa virus SARS-CoV-2)

Bằng cách chèn mảnh trình tự gen này vào chính mình, Omicron có thể trở nên ‘giống gen người hơn’. Điều này sẽ giúp nó tránh được sự tấn công của hệ thống miễn dịch của con người, theo ông Soundararajan. Điều này cũng có thể giúp virus lây truyền dễ dàng hơn trong khi chỉ gây ra bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Biến thể Omicron được phát hiện vào tuần trước ở miền nam châu Phi với số lượng đột biến cao chưa từng thấy.

Các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể khác hay không, liệu nó có gây ra bệnh nặng hơn hay liệu nó có vượt qua biến thể Delta để trở thành biến thể phổ biến nhất hay không. Có thể mất vài tuần để có câu trả lời cho những câu hỏi này.

Biến thể Omicron lấy một mảnh trình tự gen của virus khác như thế nào?

Các tế bào trong phổi và trong hệ tiêu hóa có thể chứa đồng thời SARS-CoV-2 và các virus cảm lạnh thông thường, theo các nghiên cứu trước đó. Sự đồng nhiễm này tạo bối cảnh cho sự tái tổ hợp của virus, một quá trình trong đó hai loại virus khác nhau trong cùng một tế bào chủ tương tác trong khi tạo ra các bản sao của chính chúng. Kết quả là chúng sẽ tạo ra các bản sao mới có một số vật liệu di truyền từ cả hai virus.

Trong nghiên cứu, Soundararajan và các đồng nghiệp cho biết đột biến mới này có thể xảy ra lần đầu ở một người bị nhiễm cả hai mầm bệnh. Khi đó, một phiên bản của SARS-CoV-2 đã chọn trình tự gen của một virus khác.

Trình tự gen tương tự xuất hiện nhiều lần ở một trong những coronavirus gây cảm lạnh ở người - được gọi là HCoV-229E - và trong virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV) gây ra bệnh AIDS, Soundararajan nói.

Nam Phi, nơi Omicron được xác định lần đầu tiên, có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất thế giới. Căn bệnh này làm suy yếu hệ thống miễn dịch và làm tăng tính dễ bị tổn thương của một người đối với nguy cơ nhiễm virus cảm lạnh thông thường và các mầm bệnh khác. Ở khu vực này, sự tái tổ hợp có thể đã xảy ra ở nhiều người, Soundararajan nói.

"Chúng tôi có thể đã bỏ lỡ nhiều thế hệ tái tổ hợp" xảy ra theo thời gian và điều đó dẫn đến sự xuất hiện của biến thể Omicron, Soundararajan nói thêm.

Các chuyên gia nhấn mạnh cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận nguồn gốc của các đột biến của Omicron và ảnh hưởng của chúng đối với chức năng và khả năng lây truyền. Có những giả thuyết cho rằng biến thể mới có thể đã trải qua một thời gian tiến hóa trong vật chủ.

Trong khi đó, Soundararajan cho biết những phát hiện mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine COVID-19.

Soundararajan nói: "Bạn phải tiêm phòng để giảm tỷ lệ người khác, những người bị suy giảm miễn dịch, gặp phải virus SARS-CoV-2".

(Nguồn: Reuters)

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/chi-tiet-dang-so-co-the-giup-bien-the-omicron-ne-mien-dich-lay-lan-de-dang-161210412104030802.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang