Được học tập tại trường THPT chuyên là mơ ước của nhiều học sinh. Thực tế, việc thi đỗ vào các trường này không hề đơn giản bởi các em sẽ phải đối diện với tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, liệu có phải học sinh nào cũng phù hợp để theo đuổi môi trường này?
Mới đây, một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm từ quá trình học chuyên chọn của mình thu hút nhiều sự chú ý và cả tranh luận trái chiều. Người này cho biết, chị học chuyên từ năm 2005. Bản thân thuộc tip cần cù bù thông minh, để học giỏi, người ta nỗ lực 1 thì chị phải nỗ lực 10.
Chị học cấp 2 bình thường, chăm chỉ cố gắng cũng coi là khá giỏi. Nhưng vào trường chuyên mới biết các bạn khác giỏi ở tầm "vũ trụ". Mình học 10 chưa đủ, phải học 100 may ra mới không bị bỏ xa. Chị kết luận, nếu chịu được áp lực, chịu được quá tải thì hẳn nghĩ đến trường chuyên, còn nếu không cứ chăm chỉ ở trường bình thường vẫn tốt. Vẫn giỏi và vẫn đỗ đại học mà không áp lực quá.
Chị cũng cho rằng, đây lời khuyên ngắn cho các mẹ đang phân vân có nên cố cho con học trường chuyên không. Thực sự câu trả lời chỉ có thể đến từ bản thân các con, chỉ các con mới có thể hiểu thực lực của mình đến đâu.
Người đồng tình, người thấy chưa hợp lý
Nhiều người đồng tình với phụ huynh này. Một số phụ huynh cho rằng họ từng là học sinh trường chuyên nên hiểu rất rõ cái khổ của áp lực cày ngày đêm, nhất là theo đội tuyển. Nên giờ nếu không do tự con thích mà phấn đấu thì họ cũng không ép, cứ học trường công mà học tốt là được, còn có tuổi thơ.
Ở trường chuyên, các bạn không chỉ giỏi môn chuyên mà xuất sắc các môn khác. Có bạn hát hay, đàn giỏi, học song song múa, nhạc và chuyên. Con họ theo được các bạn nhưng con ngủ ít và có phần căng thẳng.
"Mình luôn luôn bảo con nếu cảm thấy có năng lực thì mới nên học và thi chuyên, còn không thì thôi vì học chuyên phải là môn con thích và con giỏi, chứ cố theo khổ lắm. Giống như mọi người đi làm bị sếp giao việc không phải sở trường của mình có thích không?
Học mà gò ép, hại sức khỏe, tâm trí thì rất áp lực, ám ảnh. Học bình thường, chọn nghề có chuyên môn, học thêm tiếng Anh hoặc ngoại ngữ nào đó mà có tỷ lệ đầu tư cao từ nước ngoài. Sau này đi làm thì học thêm, khi đó tập trung vào chuyên môn sẽ yêu thích hơn, học có cảm hứng hơn", một người nói.
Tuy nhiên cũng có ý kiến phản biện, trường chuyên ngày nay không còn là một môi trường gò bó, khép kín mà đầy năng động. Học sinh hoàn toàn có thể tập trung vào những điều em thích, những mục tiêu đề ra và phát triển theo hướng mình mong đợi.
Còn về áp lực, nếu bảo ở trường chuyên không có áp lực cũng không đúng, có áp lực về duy trì thành tích, có áp lực học, áp lực đồng trang lứa nhưng ai bảo rằng các trường phổ thông khác không có những áp lực đó? Áp lực đôi khi không đến từ bên ngoài, từ những "con nhà người ta" mà chính tự trong bản thân em. Ở đâu cũng có áp lực, chỉ là chúng ta lựa chọn cách xử lý áp lực ấy như thế nào mà thôi.
Một ông bố dẫn chứng, con mình cả 2 con đều học chuyên nhưng anh chưa bao giờ hối hận, thậm chí còn đang nghĩ nếu có thể được thì đến cháu cũng định hướng học chuyên. Chuyên khuyến khích tinh thần tự học, hướng như sinh viên đại học, cảm tưởng con trưởng thành, tự lập có chí hướng sớm hơn.
Tuy học nhiều nhưng trường nào cũng học như vậy. Con tự chọn, tự thích theo ý con. ANH thích con trưởng thành trong suy nghĩ, hành động sớm hơn một chút so với tuổi, nhưng trước sau gì các con chẳng tự quyết định tương lai.
Nhiều người nhận định, con mình không phải những đứa trẻ tự giác học cho lắm nhưng sau khi được bố mẹ định hướng cho vào trường chuyên, thấy môi trường toàn là những bạn giỏi, chăm chỉ nên cũng dần học theo để bắt kịp bạn bè.
Hạt giống đã tốt nhưng nếu không được gieo vào mảnh đất tốt thì cũng chưa chắc phát triển được. Các con đều nói rằng ngày xưa bị ép học cũng bực mình lắm, nhưng bây giờ các con thấy thật là may mắn khi được học trường chuyên, nếu không đã không nỗ lực hết sức và không thể có thành quả như ngày hôm nay.
Học tập tốt, bạn sẽ có nhiều cơ hội như tham gia các cuộc thi lớn, săn học bổng từ các trường danh giá hàng đầu. Còn không, tại trường vẫn có rất nhiều câu lạc bộ để bạn học có thể đi đôi với hành. chứ không phải chỉ chăm chăm vào việc đọc sách như mọi người nghĩ.
Cần lắng nghe con
Nói về vấn đề này, một giáo viên cho biết, cả cha mẹ và con cái sẽ băn khoăn khi chưa thực sự cùng nhau ngồi xuống và định hướng điểm mạnh, thế yếu của mỗi lựa chọn. Con có thể chưa nhìn được toàn cảnh và chưa nhìn được bức tranh tổng thể nên nếu hỏi con thì không ít bạn cũng sẽ hoang mang và không biết nên lựa chọn thế nào.
Cha mẹ và con cái cùng ngồi xuống, viết ra ưu - nhược điểm của cả 2 sự lựa chọn. Bổ sung đầy đủ khía cạnh nhất có thể. Sau đó, con sẽ tĩnh lặng 1 mình nhìn vào đó và lắng nghe lí trí (trí tuệ của bản thân) + cảm nhận từ bên trong để đưa ra quyết định. Khi đó, bố mẹ có thể nên làm những việc sau:
1- Đưa những định hướng khách quan nhất trên bức tranh khách quan (chứ không phải chỉ dựa vào câu chuyện của ai đó hay chỉ là quan điểm của cá nhân cha mẹ).
2- Từ lựa chọn của con sau những việc trên, cha mẹ có nhiệm vụ lớn nhất là đồng hành và hỗ trợ con + tâm thế sẵn sàng cho con trải nghiệm. Cụ thể là, con đường nào cũng có những sự thuận lợi và khó khăn, thuận buồm xuôi gió thì tận hưởng và khích lệ con hơn nữa.
Nếu gặp khó khăn hay vấp ngã thì đó cũng là những điều rất tuyệt vời để con và cha mẹ cùng vượt qua. Không có kết quả nào là tệ hại sau khi đã kiên định lựa chọn có trí tuệ, nên cũng không có sự đổ lỗi, than phiền sau đó. Có chăng là hãy cùng con tìm giải pháp và vượt qua vấn đề.
Cuối cùng, cả cha mẹ và con cái nên thả lỏng tư tưởng và cũng không cần thiết nhìn trước, ngó sau, so đối với trường hợp A hay B... Hãy nương theo năng lực và nguyện vọng, tính cách của con để quyết định.
Nói về vấn đề trường chuyên lớp chọn, một cô giáo khác ở Hà Nội cho rằng: Trường CLC là dành cho các bạn có tố chất đặc biệt, như đúng tên gọi của nó: "for gifted pupils" (trường cho học sinh giỏi/tài năng). Nếu con chúng ta học không xuất sắc đến thế, đừng cố, khổ con và khổ bố mẹ.
Nếu con phải học 1 ngày 8, 9 tiếng, không còn thời gian tập thể thao hay giải trí, thì có nghĩa là con không thích hợp với trường chuyên lớp chọn. Thay vào đó, hãy cho con rèn luyện những gì con mạnh nhất. Con học chưa giỏi, không có nghĩa là con sẽ kém. Đường dài mới biết ngựa hay, các trường chuyên chỉ là 1 trong số rất nhiều con đường dẫn đến thành công.
"Khi ai đó hỏi "Có muốn cho con đỗ trường chuyên không", mình không thể trả lời. Mình rất muốn, nhưng còn tùy tố chất của con. Dù mình là người đồng hành cùng hàng nghìn học sinh trên khắp cả nước ôn thi vào cấp 2 cấp 3 trường chuyên chọn.
Là 1 người mẹ, mình muốn con mình luôn tự tin ở bản thân, phát huy được mọi khả năng mà con có, dù đó có là khả năng gì đi chăng nữa. Nếu con là cá, mình không muốn bắt nó leo cây, mà muốn tìm môi trường nước cho con vùng vẫy.
Mình muốn được là 1 bà mẹ tận hưởng cảm giác hạnh phúc khi nuôi con, giúp con nâng cao khả năng của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Con cần có những ước mơ, con cần có bản lĩnh, con cần cố gắng vượt qua giới hạn đang có của bản thân nhưng không nhất thiết phải đỗ vào trường chuyên lớp chọn, lớp tài năng. Nếu đã cố gắng hết sức, chúng ta vẫn vô cùng happy với những lựa chọn và những ngôi trường hạnh phúc tuyệt vời khác", cô giáo chia sẻ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.