Chiều cao của trẻ em Việt tăng đáng kể sau 10 năm nhưng tỉ lệ trẻ béo phì đang rơi vào mức đáng báo động, cha mẹ đang cho con ăn sai ở chỗ nào?

Theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, người Việt thất bại trong việc khống chế tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em. Trong khi đó, chiều cao trung bình trong vòng 10 năm tuy có sự gia tăng đáng kể nhưng vẫn không phải con số ấn tượng.

Tại buổi Hội thảo tham vấn kỹ thuật xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 diễn ra vào sáng 30/3, GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận. Song, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến việc thiếu cân bằng dinh dưỡng ở trẻ em gây ra những tác hại khó lường.

Chiều cao trẻ em Việt gia tăng đáng kể

GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, chiều cao người Việt cũng đã có sự gia tăng đáng kể. Năm 2020, chiều cao trung bình của nam giới đạt 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010: 164,4cm), chiều cao của nữ giới đạt 155,6cm (tăng 0,8cm so với năm 2010: 154,8cm). Với chiều cao này, hiện Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á.

Mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995. Kết quả này có được là do trong nhiều năm qua, đời sống của người dân đã được cải thiện; nhận thức về việc chăm sóc cho bà mẹ, trẻ em thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ đã được quan tâm hơn trước, đặc biệt là các gia đình chú trọng đến các yếu tố và giai đoạn phát triển chiều cao của trẻ.

Báo động đỏ tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt do thói quen ăn uống không lành mạnh - Ảnh 1.

Chiều cao người Việt có sự gia tăng đáng kể với mức tăng trung bình từ 0,8 cm - 3,7 cm.

Với mức tăng trưởng về mặt chiều cao như thế này, ông Tuyên nhấn mạnh: "Đây là bước nhảy lớn, cho thấy những nỗ lực trong vấn đề cải thiện dinh dưỡng người Việt".

Song, ông Tuyên cũng thừa nhận vấn đề dinh dưỡng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, trong đó có tình trạng thừa dinh dưỡng ở các thành phố lớn.

Gần 20% trẻ em nhóm từ 5-19 tuổi thừa cân, béo phì

Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi xuống dưới 20% (giảm từ 29,3% năm 2010 xuống còn 19,6% năm 2020). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng gầy còm giảm từ 7,1% năm 2010 xuống còn 5,2% vào năm 2019.

Tuy vậy, vẫn có sự chênh lệch về tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi giữa các vùng miền, nhất là ở các vùng nông thôn miền núi, tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức cao.

Béo phì - Ảnh 1.

Ăn uống không hợp lý là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng thừa cân béo phì.

Ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi), trong khi tỷ lệ SDD thấp còi là 14,8%, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% (trong khi đó,ở khu vực miền núi, tỷ lệ này là 6,9%). Như vậy, gánh nặng kép về dinh dưỡng (thiếu và thừa dinh dưỡng) đang tác động lên trẻ em tuổi học đường một cách rất rõ rệt, mà một trong các nguyên nhân quan trọng là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý.

  • Trẻ béo phì dễ gặp hậu quả gì?

Trước đó, tại Hội nghị An toàn thực phẩm và An ninh lương thực, diễn ra ở TP. HCM ngày 15/12/2020, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cũng chia sẻ về tình trạng trẻ thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng gấp 10 lần từ năm 1976 đến nay, riêng TP HCM 41,4% học sinh thừa cân và béo phì.

Ăn uống không hợp lý là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng thừa cân béo phì. Năm 2010, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 5,6%; 5-19 tuổi là 8,5%; nay tỷ lệ này lên tới 7,4% và 19%. Tình trạng này nghiêm trọng nhất ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Béo phì - Ảnh 2.
 

Thói quen ăn uống không lành mạnh - thách thức đối với sự phát triển thể lực của trẻ em Việt

Thói quen ăn uống không lành mạnh, trong đó có xu hướng ngày càng phổ biến là tình trạng tiêu thụ đồ ăn nhanh, ăn quá nhiều thịt đỏ, lười ăn rau, tiêu thụ mạnh các sản phẩm như đường, muối và nước ngọt có ga... được xác định là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nhanh tình trạng thừa cân/ béo phì ở trẻ em Việt Nam trong thời gian qua. Đây là một xu hướng khó tránh khỏi ở một xã hội đang có tốc độ phát triển và hòa nhập nhanh như Việt Nam.

"Việt Nam là quốc gia đang ăn đường nhiều gấp hai lần khuyến nghị, tỷ lệ gia tăng đái tháo đường nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á", bác sĩ Diệp chia sẻ. Ngoài ra, mức tiêu thụ muối cũng cao hơn gấp nhiều lần khuyến nghị. Các nghiên cứu cũng ghi nhận 1/3 dân số thiếu vận động thể lực, 34% học sinh từ 13 đến 17 tuổi uống nước ngọt có ga hơn một lần mỗi ngày.

Bố mẹ cần làm gì để cải thiện tầm vóc của trẻ trong tương lai?

Để tiếp tục nâng cao sức khỏe thể chất và tầm vóc cho trẻ em Việt, giải pháp đặc biệt quan trọng đó là cải thiện vấn đề dinh dưỡng. Theo các nghiên cứu, gen có vai trò quan trọng trong việc xác định "khoảng chiều cao", thì dinh dưỡng sẽ quyết định chiều cao cụ thể trong "khoảng chiều cao" được quy định bởi gen. Muốn cải thiện dinh dưỡng để trẻ phát triển cơ thể cân đối, đạt chiều cao tối đa, bố mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:

1. Nuôi dưỡng trẻ hợp lý trong 1000 ngày đầu đời

Theo các nghiên cứu về dinh dưỡng, sức khỏe, trí tuệ và thể chất của trẻ sẽ đạt điểm tối đa nếu mẹ biết tận dụng 1000 ngày đầu đời từ lúc bắt đầu mang thai đến khi bé được 2 tuổi. Trong 1000 ngày này, các mẹ cần: Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho mình và cho bé với chế độ ăn uống khoa học, hợp lý.

Trong đó, 1000 ngày đầu đời có 3 "cửa sổ" để đầu tư vào dinh dưỡng cho trẻ, bao gồm:

- 40 tuần thai kỳ (280 ngày)
- 0 - 6 tháng tuổi (180 ngày): Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
- 6 - 24 tháng: Ăn bổ sung và tiếp tục bú mẹ.

Chiều cao của trẻ em Việt tăng lên đáng kể sau 10 năm, nhưng tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì đang rơi vào mức đáng báo động - Ảnh 5.

Vận động thường xuyên là yếu tố tác động trực tiếp tới chiều cao của trẻ (Ảnh minh họa).

2. Cung cấp cho trẻ chế độ dinh dưỡng đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường ăn rau, củ, trái cây và các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng

Sau 1000 ngày đầu đời, bố mẹ cần chú ý xây dựng cho trẻ các bữa ăn với đầy đủ dưỡng chất nhưng đảm bảo sự cân bằng dựa trên nguyên tắc: đảm bảo đủ năng lượng (không thừa/không thiếu); đa dạng hoá thực phẩm; không lặp lại các món ăn giữa các ngày trong tuần.

3. Rèn cho trẻ thói quen tích cực vận động

Ngoài đinh ưỡng, chế độ vận động cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao, vóc dáng của trẻ.

Theo các chuyên gia y tế, trẻ nhỏ cần tối thiểu 3 tiếng vận động, chạy nhảy mỗi ngày, còn đối với trẻ lớn hơn (giai đoạn tiền dậy thì, khi trẻ bước vào tuổi tiểu học) thì cần ít nhất 1 tiếng mỗi ngày.

Để trẻ tích cực vận động, bố mẹ cần cho các con cần được làm quen với thể thao từ nhỏ, tìm kiếm môn thể thao yêu thích. Ưu tiên các môn thể thao ngoài trời và mang tính kéo dãn nhằm thúc đẩy tang trưởng chiều cao như cầu lông, bóng rổ, bơi, đạp xe…

 

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/chieu-cao-cua-tre-em-viet-tang-dang-ke-sau-10-nam-nhung-ti-le-tre-beo-phi-dang-roi-vao-muc-dang-bao-dong-cha-me-dang-cho-con-an-sai-o-cho-nao-22202131314517509.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang