Dự báo thời tiết những ngày cuối năm ở Hà Nội sẽ rét buốt, lạnh như trái tim của những người cô đơn giữa mùa đông. Ai cũng sắm sửa áo rét lớp trong lớp ngoài để tránh cái rét 9-10 độ ngoài đường, nhưng có vẻ như trời không nỡ làm lòng ai tê tái nên hôm nay nắng vẫn rực rỡ tưng bừng. Cái nắng hanh hao mùa đông làm má đỏ rát, khô cong, như mặt đất nứt nẻ cạn nước, nhưng gió thì vẫn buốt đến thấu xương.
Tạm gác lại những bộn bề dang dở của cuộc sống, công việc riêng, nhiều người bỗng thấy xao lòng vì chiều cuối năm đẹp quá. Tuy không ấm áp như mong đợi để có thể diện áo mỏng tang ra phố, nhưng chút nắng vàng ngọt cũng đủ để chị em xúng xính kéo nhau lên phố ăn mừng tất niên.
Nằm ở ngay trung tâm thành phố với vị trí đắc địa, ít ai để ý có một con phố trùng tên với Hồ Gươm và đặc biệt nó sở hữu độ dài ngắn nhất trong hàng trăm con phố ở Hà Nội. Đó là phố nhỏ Hồ Hoàn Kiếm, dài vỏn vẹn 52 mét và chỉ có vài số nhà, đếm số căn chưa đủ 2 bàn tay, đi vài bước là dạo hết cả phố!
Khác với những con phố cổ bán lụa là gấm vóc, thơm sực nức mùi hương trầm, thuốc bắc và những hàng quán vỉa hè bán đồ ăn tấp nập, phố Hồ Hoàn Kiếm là một nơi khá bình dân và đáng yêu. Ở đây nổi tiếng với 2 hàng nộm bò khô nằm đối diện nhau, hàng nào cũng nườm nượp khách bất kể ngày thường hay lễ Tết, càng về chiều càng chật ních người.
Ngày trước ở đầu phố là hiệu sách Bờ Hồ, nhưng bây giờ một siêu thị nhỏ đã thay thế nơi đó. Mấy quán nộm bò khô, bánh bột lọc, nem chua rán, đồ lưu niệm... vẫn còn nguyên, nhà hát múa rối cũng trầm mặc nằm yên nơi đầu phố Đinh Tiên Hoàng giao với Hồ Hoàn Kiếm, song dấu vết của thời hiện đại cũng đã hiện hữu rõ ràng, tân cổ đan xen khiến người ta có những cảm xúc thật khó tả khi ngồi uống trà chanh ở ngay giữa con phố 52 mét này.
Nhiều người từng đi qua con phố ngắn ngủn này, nhưng hầu như mọi người đều quên luôn hoặc chẳng nghĩ rằng đây là một con phố có tên trên bản đồ, chỉ đoán mơ hồ rằng nó giống con ngõ nhỏ thuộc phố Cầu Gỗ phía sau. Nhiều thế kỷ trước, phố Hồ Hoàn Kiếm nằm trên địa phận thôn Hương Minh, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Tên phố ngày xưa cũng không giống tên phố bây giờ, người dân Hà Nội quen gọi đây là phố Hàng Chè. Thời Pháp, phố có tên là Rue de la Philharmonique - nghĩa là phố Hội nhạc. Gọi như vậy có lẽ bởi sự xuất hiện của Nhà hát múa rối Thăng Long từng vang bóng một thời với khán giả ghé thăm tấp nập. Giờ đây, hầu hết thế hệ trẻ đều không biết tên cũ của phố Hồ Hoàn Kiếm, cũng chẳng mấy ai để ý điều đó làm gì vì họ chỉ cần biết ở đây nổi tiếng vì mấy quán ăn vặt, thế là đủ!
Dù bị quên lãng tên ngay khi vẫn còn tồn tại giữa lòng phố cổ, nhưng người Hà Nội vẫn luôn yêu mến con phố Hồ Hoàn Kiếm bởi nó là đoạn đường sầm uất nhất nhì thủ đô. Cách phố này chỉ vài chục mét là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nơi có đài phun nước và khu Hàm Cá Mập nổi tiếng ai ai cũng biết và muốn ghé qua mỗi dịp giao thừa để ngắm pháo hoa, đón mừng năm mới. Hôm nay giữa khu quảng trường đã dựng sân khấu hoành tráng để chuẩn bị cho lễ hội countdown vào đêm nay, lại thêm 1 năm nữa trôi qua với thời khắc giao thừa được hàng vạn người chứng kiến.
Nếu đã mất công lên khu phố cổ để ngồi ăn nộm ăn bánh, uống cốc trà chanh nước mía ở con phố ngắn nhất Hà Nội, chắc chắn các chị em sẽ không quên chụp hình kỉ niệm ở Bờ Hồ và đền Ngọc Sơn ở ngay đối diện. Từ đầu phố Hồ Hoàn Kiếm nhìn thẳng ra cầu Thê Húc sơn son đỏ chói, rực rỡ trong nắng chiều cuối năm. Người xe tấp nập lại qua, những cụ già rủ nhau ra ghế đá ven hồ ngồi tâm sự, các gia đình đưa con cháu dạo quanh bờ hồ, thong thả ngắm phố phường trước khi sang đầu năm mới.
Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/chieu-cuoi-nam-binh-di-tren-con-pho-ngan-nhat-ha-noi-nang-hanh-hao-ret-ngot-chi-em-riu-rit-ru-nhau-di-an-qua-chieu-roi-chup-hinh-ki-niem-kin-ca-ho-guom-162203112155958681.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.