Choáng váng trước lịch học của 1 đứa trẻ mẫu giáo sống ở khu CON NHÀ GIÀU: Học liên tục từ 8h sáng - 8h tối, người lớn nhìn còn mệt

Nhiều bậc phụ huynh luôn kỳ vọng con sẽ học hành giỏi giang, đạt thành tích vượt trội nên xếp lịch học kín mít, không dành cho con thời gian giải trí.

Ngoài mong con được khỏe mạnh thì cha mẹ nào cũng mong con sẽ học hành giỏi giang, lớn lên thành đạt, trở thành người có chỗ đứng trong xã hội. Cũng vì quá kỳ vọng, nên đôi khi cha mẹ vô tình gây áp lực cho con, hoặc bắt ép con học quá nhiều ngay từ bậc mẫu giáo. 

Mới đây, trên MXH xuất hiện hình ảnh về lịch trình trong ngày của một em bé đang đi nhà trẻ ở khu Gangnam (Hàn Quốc) - nổi danh là khu trung tâm thượng lưu, hiện đại của Seoul. Ngay lập tức, cộng đồng mạng không chỉ ở Hàn Quốc mà cả Trung Quốc, Việt Nam... đã bùng nổ cuộc tranh cãi dữ dội trước một thời gian biểu dày đặc như lịch làm việc của tổng thống!

Lịch trình của một HỌC SINH MẦM NON gây bão MXH: Học thế này để thành thần đồng hay gì? - Ảnh 1.

Thời gian biểu dày đặc của một học sinh mẫu giáo khiến người lớn phải giật mình.

Lịch trình của học sinh mầm non gây bão CĐM:

8h sáng: Thức dậy

8h – 8h20: Học thuộc câu Tiếng Anh

8h20 – 8h40: Ăn sáng

9h – 15h15: Nhà trẻ Tiếng Anh (thứ 7 học ở Viện nghiên cứu thần đồng từ 10h – 13h)

15h30 – 16h30: Học piano

16h30 – 17h: Làm bài tập của nhà trẻ

17h – 18h: Luyện nói Tiếng Anh với gia sư riêng (thứ 5 học Toán, thứ 6 học đá bóng)

18h – 19h: Ăn tối

19h – 20h30: Đọc truyện cổ tích Tiếng Anh với mẹ

20h30 – 22h: Thời gian tự do

22h: Đi ngủ.

Gangnam được gọi là khu phố nhà giàu tại Hàn Quốc. Với các bậc phụ huynh sống ở đây, thất bại không phải là sự lựa chọn. Và sự phát triển bùng nổ của khu phố này bắt buộc học sinh phải chịu đựng áp lực. Ở mọi cấp học tại đây đều áp lực, học sinh có khi phải học đến 15 tiếng/ngày. Để giúp con theo kịp được các bạn hay mong con nổi trội hơn, nhiều phụ huynh đã lựa chọn sắp xếp lịch học kín mít khi con mới chỉ học mẫu giáo.

Nhìn vào thời gian biểu trên, dễ dàng nhận thấy từ khi thức dậy buổi sáng đến lúc đi ngủ vào đêm muộn, đứa trẻ hầu như không có thời gian thư giãn, giải trí. Lịch học dày đặc với các môn như: Tiếng Anh, piano, làm bài tập ở nhà trẻ được nhiều người nhận xét là khá "nặng" đối với trẻ mầm non.

Một số ý kiến bình luận như: 

- Kỳ vọng quá nhiều, tư tưởng thì nghĩ tốt cho tương lai của con cái. Em nào thích ứng được thì rất giỏi. Em nào áp lực quá mức sẽ sinh tự kỷ, trầm cảm, kéo dài sẽ gây tự tử. Chính vì tiêu chuẩn sống, giáo dục cao mà khiến cuộc sống của bố mẹ cũng trở nên căng thẳng hơn.

- Dưới 8 tuổi thì cho con cái được thoải mái chơi đùa để có ký ức tuổi thơ. Bố mẹ gì ép con học kín lịch như thế, hỏi sao các bé giờ hay bị trầm cảm. Tuổi ăn tuổi chơi mà làm thế thì bé lớn lên dễ sa ngã do bị ép buộc quá. Tội nghiệp thật chứ!

- Nhà mình đầu tiên là dạy con biết lễ nghĩa, kính trên nhường dưới đã. Sau đó, tuỳ theo trình độ của con, các con thích học gì thì cho học đó. Vợ chồng mình không có tư tưởng con phải thế này thế kia. Học theo ý bố mẹ thì có mà con bỏ nhà đi sớm.

Choáng váng trước lịch học của 1 đứa trẻ mẫu giáo sống ở khu CON NHÀ GIÀU: Học liên tục từ 8h sáng - 8h tối, người lớn nhìn còn mệt  - Ảnh 3.
 

Hiện tại lịch học này vẫn được cộng đồng mạng bàn tán xôn xao. Thực tế ở giai đoạn mẫu giáo, trước khi con bước vào lớp 1, bố mẹ cần trang bị cho con nhiều kiến thức và kỹ năng để con tập quen với môi trường mới. Tuy nhiên, bố mẹ cần kết hợp giữa học và chơi để giúp con không bị căng thẳng, áp lực. Hãy để con cảm thấy việc học khá nhẹ nhàng, điều này giúp trẻ tiếp thu tốt hơn.

1. Dạy trẻ cách sử dụng các đồ vật:

Đây là kỹ năng cơ bản nhất mà bố mẹ cần dạy con. Bố mẹ không nên làm hộ con mọi thứ, hãy để trẻ học cách tự chủ trong một số việc. Đơn giản nhất là dạy con cách sử dụng dụng cụ học tập, cách dùng đồ để ăn và vệ sinh cơ thể.

Trẻ dưới 6 tuổi học tiếp thu kiến thức tốt nhất qua trò chơi đóng vai. Hãy thử cho con những đồ vật giả và cùng trẻ đóng vai thành bác sĩ, công an, giáo viên,… Trẻ em bẩm sinh rất tò mò và thích giúp đỡ người khác. Vì thế, bố mẹ hãy để trẻ có cơ hội làm những việc phù hợp với khả năng như: Quét nhà, lau bàn ghế, phơi quần áo,…

Choáng váng trước lịch học của 1 đứa trẻ mẫu giáo sống ở khu CON NHÀ GIÀU: Học liên tục từ 8h sáng - 8h tối, người lớn nhìn còn mệt  - Ảnh 4.

Bố mẹ cần dạy con biết làm những việc đơn giản. (Ảnh minh hoạ)

2. Dạy trẻ hát và chơi nhạc

Âm nhạc là điều kỳ diệu nhất mà con người tạo ra. Một đứa trẻ được học về Âm nhạc từ nhỏ sẽ không chỉ phát triển về tư duy, ngôn ngữ mà còn liên quan đến thể chất và nhân cách. Thông qua việc hát đồng dao, nghe lời ru của mẹ hay học cách bài hát sẽ giúp trẻ học được nhiều danh từ, cách giao tiếp, tình yêu với mọi thứ xung quanh.

Thông thường, mỗi đứa trẻ đều có thiên hướng về một lĩnh vực nghệ thuật nào như: Hát, nhảy hiện đại, múa, chơi piano, chơi ghita,… Bố mẹ nên tạo cơ hội, khuyến khích và bồi dưỡng con. Nếu con không có năng khiếu thì chỉ cần học để biết như một sở thích.

3. Dạy con chơi thể thao

Thể thao là một hoạt động cần thiết nếu bố mẹ muốn con phát triển toàn diện. Bố mẹ không cần là giáo viên dạy thể thao chuyên nghiệp vẫn có thể hình thành và duy trì thói quen chơi thể thao cho con.

Thể thao không chỉ nâng cao sức khoẻ, phát triển các kỹ năng vận động mà còn giúp phát triển kỹ năng hoạt động nhóm. Ngoài ra, chơi thể thao còn hình thành nên tính cách tốt cho con như: Trung thực, kỹ năng hoạt động nhóm, biết tôn trọng người khác,… Bố mẹ có thể chọn bất kỳ môn nào để chơi cùng con.

Choáng váng trước lịch học của 1 đứa trẻ mẫu giáo sống ở khu CON NHÀ GIÀU: Học liên tục từ 8h sáng - 8h tối, người lớn nhìn còn mệt  - Ảnh 5.

Chơi thể thao sẽ giúp con phát triển cả thể lực và trí lực. (Ảnh minh hoạ)

4. Dạy con cách giao tiếp ứng xử

Kỹ năng giao tiếp được ví như chìa khoá giúp trẻ làm chủ, phát huy các kỹ năng còn lại. Đây cũng là nền tảng giúp trẻ nhận biết được giá trị sống và dần hình thành kỹ năng sống. Do đó, bố mẹ nên quan tâm và dạy con giao tiếp với mọi người xung quanh.

Với trẻ mầm non, kỹ năng giao tiếp cần được hình thành và rèn luyện từ sớm. Khi biết cách giao tiếp, trẻ sẽ biết cách lắng nghe và truyền tải thông điệp tới người khác. Trẻ sẽ dễ dàng kết bạn, có mối quan hệ tốt với mọi người. Khi đó, trẻ cũng dần phát triển các kỹ năng khác như: Làm việc nhóm, tư duy logic, biện luận,… 

https://afamily.vn/choang-vang-truoc-lich-hoc-cua-1-dua-tre-mau-giao-song-o-khu-con-nha-giau-hoc-lien-tuc-tu-8h-sang-8h-toi-nguoi-lon-nhin-con-met-20220406154227921.chn
 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang