Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 14/2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở GD&ĐT nghiên cứu xây dựng đề án để thời gian tới có ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ tính toán lại lịch năm học.
Theo ông Chung, nhiều nước trên thế giới đã sắp xếp năm học với 4 kỳ. Họ đã nghiên cứu kỹ, chúng ta cũng nên xem xét để có điều tiết lại việc này không? Nếu có thể, chúng ta cho nghỉ hè từ 35 ngày, nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ 2 tuần. Cuối cùng, học sinh vẫn được nghỉ 3 tháng.
Không thể tư duy đơn giản về sự thay đổi này
Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS Chu Cẩm Thơ- Phó trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD&ĐT; Nhà sáng lập, Giám đốc nghiên cứu và Phát triển POMATH cho rằng, trong bối cảnh hiện nay đã có nhiều sự thay đổi so với trước đây, chúng ta có thể thay đổi số các kỳ nghỉ, thời lượng trong mỗi kỳ nghỉ cho một năm học.
Tuy nhiên, PGS. TS Chu Cẩm Thơ, không thể vội vàng và tư duy đơn giản về sự thay đổi này. Bởi theo bà Thơ, đây không phải là vấn đề thuộc nội bộ ngành giáo dục. Việc nghỉ học của một đứa trẻ sẽ dẫn đến những thay đổi trong chế độ sinh hoạt của một gia đình, các hoạt động kinh tế - văn hóa liên quan...
“Hơn nữa, nghỉ học ở trường không phải là để cho học sinh nghỉ học kiến thức, để “thư giãn”, … Học sinh cần học nhiều hơn kiến thức, bao gồm cả những trải nghiệm trong cuộc sống. Do đó, kinh nghiệm cho thấy cần có những “mô hình, nội dung giáo dục” để trẻ trải nghiệm khi được nghỉ ở trường, việc này thì ngành giáo dục khó chủ động, mà phụ thuộc vào gia đình và xã hội”- PGS.TS Thơ nhấn mạnh.
Cần nghiên cứu hệ thống, đánh giá tác động với xã hội
PGS. TS Chu Cẩm Thơ- Phó trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD&ĐT cho rằng, chúng ta cũng cần chú ý đến đặc điểm khí hậu, kinh tế, văn hóa địa phương để có những giải pháp phù hợp chứ không nên cứng nhắc ở quy mô toàn quốc.
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, hiện nay, một số trường tư thục, có yếu tố nước ngoài cũng đã điều chỉnh kỳ nghỉ và thời lượng của nó mà vẫn đảm bảo những yêu cầu của hệ thống giáo dục quốc gia.
Các kì thi ở quy mô quốc gia (như tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học) có thể thay đổi, tăng kì thi và phân bố thời gian tổ chức kì thi cho phù hợp giúp cho việc học, việc thi chủ động hơn.
Vì thế, để có một quyết định đúng đắn, chúng ta cần nghiên cứu hệ thống, đánh giá tác động của nó đối với xã hội.
“Chỉ khi chúng ta đảm bảo tính sẵn sàng của hệ thống, dự trù được những giải pháp cho những biến động xảy ra thì quyết định này mới có thể mang lại những tác động tích cực”- PGS.TS Thơ nêu quan điểm.
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.