Con trai thân mến,
Loáng một cái con đã trưởng thành, cũng sắp lấy vợ sinh con. Bố tự nhận mình là một ông bố hiện đại, không mấy khi can thiệp vào cuộc sống của con, nhưng hôm nay có mấy lời không thể không nói cho con.
Ngày xưa, bố với mẹ con muốn con trở thành một người đàn ông đầu đội trời chân đạp đất, nên bố mẹ luôn dặn con phải tự lập, phải tử tế, phải hiểu rõ đúng sai, và con cũng chưa hề làm phụ lòng bố mẹ.
Nhưng hôm nay, bố không nói con nghe về những điều ấy, mà muốn dặn con làm thế nào mới trở thành một người chồng tốt.
1. Sợ vợ, mới là yêu vợ
Lúc bố lấy mẹ con, ông nội con dặn bố: "Nhà mình chẳng giàu có gì cho cam, nhưng có một thứ rất đáng giá, đó chính là... sợ vợ".
Sợ vợ không có nghĩa là bắt con phải thực sự sợ hãi vợ mình, mà là để con hiểu cảm giác nguy hiểm là như thế nào.
Vợ chồng vốn không có quan hệ huyết thống, từ người dưng mà thành quen, vì thương nhau mà về với nhau. Người ấy yêu con, nhưng điều đó không có nghĩa là không phải con thì không thể, nếu con đối xử với vợ không tốt, khiến vợ con cảm thấy sống với con chẳng khác nào địa ngục thì sớm hay muộn gì, người ta cũng bỏ con đi. Vậy nên, con phải giữ gìn cái cảm giác nguy cơ rằng "sợ người ấy bỏ mình mà đi".
Có cảm giác lo lắng này rồi, con sẽ biết quan tâm vợ mình hơn, hiểu vợ mình hơn, thông cảm với vợ mình hơn, cưng chiều vợ mình hơn, coi vợ mình là điều quan trọng nhất trong đời, chỉ có như vậy, cuộc sống gia đình mới hòa thuận được.
Lúc ấy bố không hiểu lời ông con nói, cứ nghĩ rằng "Cô ấy rõ ràng phải sợ xa mình hơn mình sợ cô ấy bỏ đi chứ".
Khi ấy, bố còn trẻ, làm gì cũng xốc nổi, lúc cãi nhau không hề biết suy nghĩ, chỉ tăng máu là hét luôn: "Cô có giỏi thì về nhà mẹ đẻ cô luôn đi!". Bố không nhớ mình đã nói những lời phũ phàng như thế bao nhiêu lần, nhưng có một lần mẹ con thực sự thất vọng, khuyên bảo làm lành thế nào cũng không chịu, đùng đùng ôm con khi ấy mới 2 tuổi về nhà ngoại.
Sau khi mẹ con đi, bố mới nhận ra, không phải mẹ con không thể rời xa bố mà chính bố mới là người không có mẹ con thì sống không nổi. Nửa đêm tăng ca về đến nhà, không còn ai nói với bố: "Anh mệt lắm không?", cũng không có ai đưa bố ly nước ấm, không ai quan tâm bố hôm nay ăn gì, làm việc ra sao.
Quãng thời gian đó giúp bố hiểu được lời ông nội con dạy, vì sao lại phải "sợ vợ". "Sợ vợ" chính là vì muốn con suy nghĩ hậu quả trước khi nổi giận, "sợ vợ" chính là vì muốn con đừng làm ra những hành động quyết tuyệt đến mức không thể cứu vãn được tình hình. Vì có những lời nói ra không thu lại được nữa, có những việc làm rồi sẽ chẳng thể sửa sai được.
Con trai à, hy vọng con không như bố, làm vợ mình tức giận bỏ đi rồi mới hiểu ra đạo lý này.
Bố hy vọng con sẽ luôn yêu thương vợ mình, cưng chiều vợ mình, thấu hiểu và nhượng bộ cho vợ mình nhiều hơn. Con đừng sợ làm thế sẽ thành "chiều quá sinh hư" bởi chỉ cần con tốt với người ấy thực lòng, người ấy sẽ còn tốt với con hơn gấp bội. Hai vợ chồng hiểu được nhau, cố gắng vì nhau, tổ ấm mới hòa hợp được. Mà gia đình hạnh phúc, sự nghiệp và cuộc sống của một người đàn ông như con cũng tự khắc tốt đẹp hơn.
Nhà mình không có gia tài bạc triệu, cũng chẳng quyền cao chức trọng, nhưng bất kì người phụ nào đến với nhà mình, người ấy cũng không bao giờ phải chịu thiệt.
2. Làm vợ, là công việc khó khăn nhất trên đời
Con trai à, lúc con mới ra đời, bố và mẹ cảm thấy vô cùng may mắn vì con là con trai. Bởi xã hội này, dù ít hay nhiều, con trai cũng được thiên vị hơn.
Ví dụ như trong công việc, đàn ông thường thăng chức nhanh hơn phụ nữ.
Ví dụ như trong hôn nhân, tỷ lệ nỗ lực trong gia đình của người phụ nữ nhiều hơn đàn ông rất nhiều.
Ví dụ như khi chăm con, phụ dưỡng bố mẹ, trên cơ bản cũng đều là trách nhiệm của phụ nữ.
...
Thế nên con trai à, đừng vì mình là đàn ông mà đứng trên góc độ của đàn ông đi suy nghĩ những vấn đề của phụ nữ, con phải đứng ở lập trường của vợ để suy nghĩ cho vợ cơ.
Ví dụ như chuyện sinh con. Con là đàn ông, khi con nghĩ tới chuyện có con, con chỉ cần cân nhắc đến vấn đề kiếm tiền bỉm sữa, nhưng vợ còn yếu tố đó còn phải lo thêm chuyện lấy lại dáng, công việc bị gián đoạn rồi chăm con sao cho đúng. Rồi đến lúc nuôi con, khi ấy, con tự nghĩ mình chỉ có trách nhiệm mỗi tuần trích ra một ít thời gian để chơi với con là đã đủ khiến những người xung quanh coi con là một ông bố tốt. Nhưng vợ con, 24/7 phải chăm sóc đứa bé, thế nhưng liệu có mấy ai khen vợ con là một người mẹ tốt?
Cùng một công việc, yêu cầu của xã hội đối với người phụ nữ luôn cao hơn một chút. Thế nên trong cuộc sống sau này, nếu có những kế hoạch trọng đại, hy vọng con có thể lắng nghe ý kiến của vợ mình nhiều hơn.
Gloria Steinem có nói một câu mà bố rất thích:
"Phụ nữ không phải là siêu nhân. Họ không thể ban ngày thì chăm con, ngày nấu 3 bữa cơm, tối đến lại phải chiều chồng, quan tâm chồng. Phong trào đấu tranh cho nữ quyền đầu tiên đáng lẽ phải hướng tới vụ phản đối danh xưng "nữ siêu nhân", hãy để phụ nữ chỉ là một con người bình thường mà thôi".
Con trai à, hy vọng con hiểu, sự vất vả của người phụ nữ không phải chỉ cần họ đủ mạnh mẽ là có thể giải quyết được dễ dàng, mà hơn thế, họ cần sự lý giải từ những người đàn ông, cần sự ủng hộ từ gia đình và sự bảo vệ từ xã hội.
Bố và mẹ cũng nói chuyện với nhau, sẽ không giục vợ chồng con sinh con cho bố mẹ có cháu bế, cũng không quản lý cuộc sống của hai đứa. Nhưng với vợ con, chỉ thế thôi là chưa đủ, hy vọng những lúc bình thường, con cũng có thể để ý quan tâm đến vợ mình.
Ví dụ như con không thích rửa bát, vậy cũng đừng đẩy qua bắt vợ con làm. Con không thích quét nhà, vậy cũng đừng kêu vợ con quét. Con không thích con nhỏ quấy rầy con làm việc, vậy cũng đừng để vợ con phải chăm con cả ngày.
Những việc con không thích, con cũng cần nghĩ xem vợ mình có thích hay không. Các con yêu nhau, cưới nhau là để tay trong tay đi hết cuộc đời, chứ không phải con cưới con gái nhà người ta về làm osin cho mình.
Điều lãng mạn nhất trong một cuộc hôn nhân không phải là ở chỗ con có thể tặng vợ mình bao nhiêu bó hoa, bao nhiêu món quà mà là ngay cả khi chất lượng cuộc sống xuống dưới mức thấp nhất, cả hai con vẫn quan tâm nhau và nỗ lực cùng nhau.
Khi con đồng ý muốn kết hôn cùng vợ mình, bố tin rằng lý do nhất định là vì yêu. Con gái nhà người ta chịu gả cho con, cũng chắc chắn là vì yêu con. Nếu hai đứa đã vì yêu nên mới quyết định về chung một nhà, vậy đừng để dăm ba chuyện lông gà vỏ tỏi làm rạn nứt tình cảm.
Sheryl Sandberg - giám đốc điều hành của Facebook từng nói:
"Mỗi ông chồng chăm làm việc nhà hơn thì những bà vợ sẽ bớt stress hơn. Mâu thuẫn giữa hai người ít hơn, thái độ hài lòng với cuộc hôn nhân cũng tự khắc cao hơn.
Trên thực tế, khi người vợ đóng góp 50% thu nhập của gia đình và người chồng chia sẻ 50% công việc nhà, tỷ lệ ly hôn cũng sẽ giảm xuống 50%".
3. Đối xử tốt với vợ, không bao giờ là chịu thiệt
Một nhà văn từng đạt giải Nobel đã nói:
"Chỉ có những người phụ nữ ngốc mới tự nhận mình bình đẳng với đàn ông. Bởi từ xưa đến nay, phụ nữ luôn xuất sắc hơn đàn ông rất nhiều. Cho dù bạn cho một người phụ nữ điều gì, bạn cũng nhận về nhiều hơn.
Bạn cho người ta một căn nhà, người ta sẽ cho bạn một tổ ấm.
Bạn cho người ta một đống nguyên liệu nấu ăn, người ta sẽ cho bạn một bữa ăn ngon.
Bạn cho người ta một nụ cười, người ta sẽ cho bạn cả trái tim.
Người ấy sẽ biến thứ mà bạn dành tặng trở nên to gấp vạn lần".
Mà thực tế đã chứng minh, câu nói này vô cùng chính xác. Nếu Jack Ma không đối xử tốt với vợ mình như vậy, lúc mới khởi nghiệp bị người ta xem như lừa đảo, vợ của ông đã không chấp nhận bán cả gia sản giúp chồng đầu tư.
Nếu đạo diễn Lý An không đối xử tốt với vợ mình như vậy, suốt 6 năm ròng ông không có công việc, Lâm Huệ Gia đã không tự mình ra ngoài làm việc kiếm tiền giúp chồng nuôi dưỡng ước mơ.
Hôn nhân chính là như vậy, khi con càng yêu vợ, vợ con sẽ còn yêu con hơn. Khi con cưng chiều vợ, vợ con sẽ cảm nhận được sự hạnh phúc, tính tình vợ con sẽ theo đó mà trở nên nhẹ nhàng hơn, cười nhiều hơn, chăm sóc con chu đáo hơn. Cái gọi là vợ chồng xưa nay vẫn vậy, chính là anh đối xử tốt với em, em sẽ đối với anh còn tốt hơn.
Đối xử tốt với vợ là một cuộc đầu tư có chi phí cực thấp nhưng lợi ích lại là vô hạn. Trừ khi con quá kém cỏi thì mới phải mắng vợ suốt ngày, khiến vợ con phải đau khổ, khiến gia đình không yên, sự nghiệp không thuận.
Hôm qua bố với mẹ con ngồi sắp xếp lại danh sách sính lễ đi cầu hôn. Bố bảo mẹ con, nhất định phải đặt lễ to một chút, vì bố mẹ con bé nuôi con bé lớn là vậy, xinh xắn, ngoan ngoãn, lễ phép, nên không được để con bé chịu thiệt.
Nhưng mẹ con nói: "Làm như người ta cần mấy cái này, thứ người ta quan tâm chỉ là con trai ông có đối xử tốt với con gái người ta hay không thôi".
Bố càng nghĩ càng thấy đúng nên mới quyết định viết cho con lá thư này.
Làm một người cha, bố không có yêu cầu gì, chỉ hy vọng con biết:
Đồ cưới bố mẹ chuẩn bị cho con có nhiều hơn nữa cũng không đủ, chỉ có "sợ vợ", "chiều vợ", "thương vợ" mới là sính lễ tốt nhất của một người đàn ông.
Bố của con.
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.