Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - vừa học vừa 'xoay'

(lamchame.vn) - Kết thúc một chu trình thay sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, những bất cập dần bộc lộ… Thực tế cho thấy chương trình, sách giáo khoa, không chỉ khiến học sinh phải “đẽo cày giữa đường” mà còn gây ra tình trạng mất cân đối trong định hướng ngành nghề khi lên đại học.

Bài 1: Đẽo cày giữa đường

Theo chương trình GDPT 2018, học sinh được đăng kí tổ hợp môn học phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp, nhưng thực tế, quyền sắp xếp lại tùy thuộc vào tình hình giáo viên và cơ sở vật chất cụ thể của mỗi trường.

Phụ huynh luống cuống

Từ năm học 2022-2023, bậc học THPT bước vào chương trình GDPT 2018. Học sinh học bắt buộc 4 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử. Các môn còn lại được lựa chọn theo tổ hợp phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này. Học sinh chọn 4 trong 9 môn học. Nhưng việc chia các nhóm môn do các trường dựa trên 2 yếu tố là đội ngũ giáo viên hiện có và các tổ hợp tuyển sinh của trường ĐH.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - vừa học vừa 'xoay' - Ảnh 1.

Những thí sinh thi tốt nghiệp THPT cuối cùng của chương trình giáo dục 2006. Ảnh: NGỌC TÚ

Sau khi thí sinh trúng tuyển, nhà trường sẽ đưa “thực đơn” có sẵn để đăng kí. Nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần. Chị Trần Thị Thanh, quận Hai Bà Trưng cho biết, năm học 2024-2025 con chị trúng tuyển vào một trường THPT tại quận Hoàng Mai. Khi chọn lớp, tuy nhà trường đưa ra “thực đơn” các tổ hợp cho phụ huynh, học sinh chọn nhưng kèm theo đó là thông điệp dựa vào điểm thi của học sinh để chọn và định hướng luôn nghề sau này cho học sinh. Ví dụ, những học sinh có điểm thi thuộc nhóm đầu sẽ vào các lớp Tự nhiên. Học sinh còn lại sẽ ở các lớp Xã hội hoặc Tự nhiên 3, 4…

Ghi nhận từ thực tế các trường THPT trên cả nước cho thấy, khi thực hiện chương trình GDPT 2018, tinh thần chung là kế hoạch dạy học và chia tổ hợp lựa chọn dựa trên đội ngũ, cơ sở vật chất hiện có của các trường. Một số môn học dù có trong chương trình, học sinh có nhu cầu nhưng không phải trường nào cũng tổ chức dạy như môn đặc thù Mĩ thuật , Âm nhạc.

Theo chương trình GDPT 2018, việc chuyển trường của học sinh THPT cũng gặp nhiều khó khăn: Một chương trình 3 bộ SGK, các trường lựa chọn không giống nhau. Mỗi lớp có môn học tự chọn, lựa chọn và cụm chuyên đề khác nhau. Nếu có nhiều học sinh cùng chuyển đến và chọn môn học lựa chọn khác nhau sẽ khó khăn bố trí giáo viên hỗ trợ trò bồi dưỡng và tổ chức kiểm tra đánh giá. Cuối cùng, việc xếp lớp cho học sinh khó khăn, mất nhiều thời gian hơn.

Năm học đầu tiên thực hiện thay SGK đối với học sinh THPT theo chương trình GDPT 2018 (2022-2023), phụ huynh và các trường hoang mang, lúng túng khi chuyển trường, tiếp nhận học sinh. Có phụ huynh ở Hà Nội rơi vào tình huống trớ trêu. Họ có nguyện vọng chuyển trường cho con em sau học kì I, nhưng trường đang học là một trong số trường hiếm hoi của Hà Nội dạy cả môn Mĩ thuật và Âm nhạc trong các tổ hợp môn học tự chọn.

Việc thiết kế các môn trong tổ hợp môn học tự chọn của trường đã được “chốt” sẵn, nên học sinh không được chọn từng môn. Điều tréo ngoe ở chỗ, tổ hợp nào nhà trường cũng thiết kế có 2 môn là Mĩ thuật và Âm nhạc. Muốn hay không, học sinh phải học để đủ 4 môn học tự chọn theo thiết kế của nhà trường. Do vậy, khi chuyển sang trường không có 2 môn Mĩ thuật và Âm nhạc, học sinh sẽ phải thay thế bằng 2 môn học khác.

Ở thời điểm đó, Bộ GD&ĐT chưa có hướng dẫn nên phụ huynh rối bời và có thể nói, cách thiết kế của trường THPT trên là làm khó phụ huynh để giữ chân học sinh. Sau đó, Bộ GD&ĐT phải có văn bản hướng dẫn nếu trường chuyển đến trùng tổ hợp học sinh đang chọn thì có thể chuyển sau khi kết thúc học kì I. Nhưng nếu không trùng tổ hợp, phải hết năm học mới được chuyển. Đến nay, trường THPT nêu trên đã không còn bắt bí phụ huynh với kiểu cài hai môn “riêng mình có” ở tất cả các tổ hợp lựa chọn.

Theo phản ánh của lãnh đạo các trường THPT, chuyển trường khó khăn nhất là học sinh đang học tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập ở trường chuyển đi không trùng với trường chuyển đến. Trường tiếp nhận học sinh cần có kế hoạch, giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kĩ năng môn học mới để học sinh đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp học tiếp theo.

Học sinh “quay xe” không kịp

Các chuyên gia nhận định, về cơ bản học sinh vào lớp 10 đều thiếu thông tin hướng nghiệp. Một số phụ huynh, học sinh còn không ý thức đúng về tầm quan trọng của việc lựa chọn môn học nên thường chọn những môn dễ học và dễ có điểm cao khi thi tốt nghiệp. Sự thay đổi trong xét tuyển đại học, việc phát sinh nhiều kì thi để xét tuyển đầu vào như thi đánh giá tư duy, thi đánh giá năng lực... khiến các nhà trường và học sinh bối rối.

Thầy Nguyễn Quang Tùng , Hiệu trưởng Trường THPT Lômônôxốp (Hà Nội) cho biết, năm 2025, trường có 350 học sinh thi tốt nghiệp THPT. Theo quy định, học sinh thi bắt buộc 2 môn Ngữ văn và Toán. Các môn tự chọn còn lại được học sinh lớp 12 của trường lựa chọn như sau: môn Vật lí có 145 học sinh, môn Hóa có 39 học sinh, môn Sinh chỉ có 9 học sinh, môn Lịch sử có 97 học sinh, môn Địa lí có 90 học sinh, môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật có 73 học sinh, môn tiếng Anh là thế mạnh của trường nên có 337 học sinh lựa chọn. Để tăng cơ hội xét tuyển ĐH, dự kiến có khoảng 120 học sinh của Trường THPT Lômônôxốp đăng kí tham gia kì thi đánh giá năng lực năm 2025 của ĐH Quốc gia Hà Nội. Kì thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội có trên 60 học sinh dự thi.

Tuy nhiên, thầy Tùng cho biết, trong tổng số 350 học sinh của trường, có 62 em không chọn môn học nào trùng với môn học có liên quan tới bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, do những học sinh này đăng kí môn học tự chọn từ cách đây 3 năm (khi học sinh vào lớp 10). Gần đây Đại học Quốc gia Hà Nội công bố điều chỉnh bài thi đánh giá năng lực theo chương trình GDPT 2018.

Hằng năm, thầy Tùng phải xem xét cho khoảng 15 học sinh chọn nhầm môn. Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn, nhưng học sinh thực sự khó khăn khi chậm hơn các bạn 1 học kì hoặc 1 năm học. Vì vậy, thầy Tùng mong muốn, Bộ GD&ĐT cần có sự ổn định nhất định phương án tuyển sinh, công bố sớm. Đề án tuyển sinh của trường ĐH cần ổn định và có sớm để học sinh định hướng nghề nghiệp. “Trường THPT có định hướng nghề cho học sinh nhưng ít thời gian quá, mong thầy cô ở bậc THCS định hướng sâu từ lớp 9 để lên THPT học sinh lựa chọn môn học chuẩn, không bị nhầm hoặc trở tay không kịp”, thầy Tùng nói.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ, trường có 6 nhóm môn lựa chọn cho các lớp 10. Sau 3 năm triển khai chương trình GDPT 2018, cô nhận thấy, có học sinh dự kiến đi du học sau tốt nghiệp THPT đã bị trường ĐH nước ngoài từ chối hồ sơ do không học môn Vật lí, Hóa học. Theo cô Nhiếp, những học sinh lớp 11 đã không chọn 2 môn học này nhưng giờ có nhu cầu điều chỉnh, trường cũng tạo điều kiện dạy bù chương trình lớp 10 và tổ chức cho học sinh kiểm tra bổ sung để đạt điều kiện.

Thầy Nguyễn Quang Tùng cho rằng, việc chọn môn học từ lớp 10, trong khi mỗi năm công tác xét tuyển ĐH lại có những thay đổi sẽ làm khó học sinh. Không những thế, có học sinh sau một năm học mới phát hiện chọn “nhầm môn” nên xin chuyển sang tổ hợp khác.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang