Đây không chỉ là niềm vui của gia đình, của nhóm chăm sóc hậu phẫu, mà là còn niềm hạnh phúc của ê kíp thực hiện cuộc đại phẫu lịch sử này. Rời phòng mổ, họ vẫn “nín thở” dõi theo những tín hiệu tích cực từ song Nhi.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh Khánh, Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) được giao nhiệm vụ trực tiếp chẩn đoán hình ảnh từ khi song Nhi được 3 tháng tuổi, để chuẩn bị hướng dẫn, trợ giúp thực hiện cuộc đại phẫu tách rời 2 bé.
Lần đầu tiên xem hình ảnh cấu trúc kỳ lạ của song Nhi, bác sĩ Khánh không khỏi bàng hoàng xót xa, không thể tưởng tượng được hai bé sống cộng sinh như thế nào.
Sau đó là những ngày miệt mài thức trắng đêm, tìm hiểu về phim CT-MRI, các hình ảnh từ X-quang, thậm chí là phải lên trực tiếp tự siêu âm 2 bé để cảm nhận được bàng quang, tử cung, niệu đạo âm đạo của bé.
Các bác sĩ tập trung cao độ, tỉ mỉ từng mũi dao. (Ảnh: BVCC)
Qua ba lần chụp phim lúc song Nhi tròn 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng tuổi, bác sĩ Khánh mới xác định được vị trí gan, lá lách, thận, tụy, bàng quang, tử cung của bé.
Còn mạch máu phân bố như thế nào, ruột dính ra sao vẫn là một dấu hỏi lớn đối với ca dính liền phức tạp này. Cho đến khi kiểm tra lần thứ tư, trước mổ một tháng, khi cơ thể hai bé lớn hơn, đạt gần 15kg, mới biết rõ được toàn bộ cơ thể bé.
Xác định việc chẩn đoán hình ảnh càng chính xác sẽ giúp cho phẫu thuật viên bước vào phòng mổ càng tự tin, thao tác thuần thục, gần 10 tháng trời, bác sĩ chụp phim, siêu âm, rồi đưa lên ghép, vẽ, dựng hình 3D cơ thể của hai bé một cách hoàn chỉnh và trình bày kỹ lưỡng khi hội chẩn.
Từ đó, các phẫu thuật viên tiến hành phân chia ruột, lựa chọn bàng quang, thận và cơ quan sinh dục cho mỗi bé.
Bác sĩ Khánh kể lại: "Khi chẩn đoán hình ảnh từ khi bắt đầu đến lúc 2 em bé 1 tuổi, thì phải đến tháng cuối cùng mới chẩn đoán được mạch máu thông nối giữa hai em bé".
Những ngày qua, kết quả siêu âm hệ niệu-dục cho thấy tử cung, âm đạo của Trúc Nhi và Diệu Nhi có máu nuôi tốt, TS.BS Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Ngoại Thận Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 1, Trưởng ê-kíp Tiết niệu sinh dục ca mổ song Nhi cảm thấy nhẹ nhõm và tràn đầy hy vọng. Theo đúng liệu trình điều trị, 2 bé vẫn có tử cung, âm đạo bình thường, không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của các bé về sau.
Mặc dù còn cả một quá trình lâu dài, nhưng mỗi ngày là một tín hiệu vui, khiến bác sĩ Hùng cảm thấy vinh dự vì đã được tham gia một mắt xích quan trọng của cuộc đại phẫu.
Diệu Nhi - Trúc Nhi được còn phải trải qua nhiều chặng đường dài để hoàn thiện như người bình thường. (Ảnh: BVCC)
Là ê-kíp cuối cùng thực hiện vai trò đặc biệt quan trọng thực hiện việc "di dời" các bộ phận niệu quản, bàng quang, tử cung, buồng trứng… bác sĩ Hùng đã dành nhiều thời gian tìm hiểu tài liệu, chuẩn bị chu đáo cho trách nhiệm lớn lao này. Bởi các cơ quan nội tạng của hai bé chung nhau, nằm sai vị trí nên phải tính toán chi li, di chuyển các bộ phận chính xác đến từng milimet.
"Trách nhiệm rất nặng nề, tâm lý áp lực lắm, vì đây là một cuộc phẫu thuật rất phức tạp, mình hình dung ra niệu quản sẽ mổ và chuyển bằng hình thức như thế nào. Bàng quang tử cung âm đạo di dời khỏi vị trí lạc chỗ, đưa lại đúng chỗ như thế nào, mà sau khi sắp xếp, các bộ phận phải sống, đó mới là điều quan trọng", bác sĩ Hùng nói.
Theo TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, vị "nhạc trưởng" của ê-kíp cuộc đại phẫu song Nhi, 2 bé đã 13 tháng tuổi, xương bắt đầu cứng nên quá trình đục xương tách 2 bé ra gặp khó khăn. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi, mang lại thành công bước đầu.
Chia sẻ về quá trình cắt xương - bước ngoặt mở đầu cho việc chia đôi 2 bé, bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Văn Tiếp, chuyên gia về chỉnh hình nhi tại Bệnh viện Xuyên Á TP HCM, trưởng ê-kíp chỉnh hình ca mổ cho biết, các bác sĩ thực hiện 5-6 lần hội chẩn trong nhiều tháng liền và đưa ra các phương án dự phòng cho ca mổ. Thông thường, các ca mổ cắt khung chậu đòi hỏi người bệnh phải nằm nghiêng mới có thể nhìn rõ xương, thế nhưng Trúc Nhi và Diệu Nhi lại có tư thế nằm ngửa nên khung chậu dang ra, sát với mặt bàn, tạo thành đường rạch rất khó. Vì thế, bác sĩ Tiếp đã tự chế một dụng cụ mổ khung xương chuyên biệt cho 2 bệnh nhi. Các bác sĩ rạch một đường da phía sau khung chậu với đường mổ đi dọc theo mào chậu phù hợp với tư thế nằm của song Nhi, sau đó tiến hành cắt khung chậu tách xương.
Sau khi tách rời xương thành công, song Nhi được chuyển sang phòng mổ khác để ê-kíp Ngoại tổng quát, Niệu đạo làm hậu môn nhân tạo và may niệu đạo. Lúc này, sáu bác sĩ trong ê-kíp chỉnh hình được chia đôi để tiếp tục tiến hành khép hai khung xương chậu của các bé.
Bác sĩ Tiếp chia sẻ: "Nếu không khép được khung chậu, bị mất da thì coi như phải đắp da nhân tạo, khi đó các đồng nghiệp của mình đóng thành bụng không được vì thiếu da. Như vậy có nghĩa là mình làm nặng gánh thêm cho các bạn đồng nghiệp ngoại tổng quát, thận niệu... Mà bộ phận ngay tầng sinh môn mà da đóng không được thì rất dễ bị nhiễm trùng".
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm bệnh nhi.
Giờ đây, Trúc Nhi - Diệu Nhi vẫn đang tiếp tục được theo dõi sát sao, chăm sóc chu đáo. Dù biết chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn để mang lại một cơ thể nguyên vẹn cho 2 thiên thần bé nhỏ, nhưng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, các bác sĩ luôn tin rằng, mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Với tâm huyết và trí tuệ của mình, họ mong chờ song Nhi sẽ trở thành hai con người độc lập, sống cuộc đời riêng của chính mình.
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.