Chuyện đón Trung Thu của những đứa trẻ "sống" trong bệnh viện Huyết học, "xách"... từng túi máu và hóa chất hồn nhiên tìm chú Cuội, chị Hằng kể điều ước

Nếu như những đứa trẻ khỏe mạnh dịp này muốn bố mẹ mua thật nhiều đồ chơi, thì những bệnh nhi đang điều trị ung thư máu chỉ mong có một phương thuốc giúp các em có một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

Chuyện đón Trung Thu của những đứa trẻ

Tiếng cười nói của những đứa trẻ mắc những căn bệnh về máu luôn vang khắp hành lang của khoa Nhi.

Trong những ngày Trung thu gần kề, trên khắp các con phố từ vùng quê đến thành phố đâu đâu cũng thấy khuôn mặt háo hức của những đứa trẻ, được bố mẹ đưa đi sắm đồ chơi, thỏa thích ăn bánh nướng bánh dẻo, cùng nhóm bạn chạy theo đội lân đi khắp phố, hòa vào không khí của ngày Trung thu với tiếng nhạc rộn vang.

Đối với các bệnh nhi đang chống chọi với những cơn đau về thể xác, đặc biệt là những em nhỏ mắc ung thư máu, niềm háo hức đón ngày Tết đặc biệt này cũng chẳng kém gì, có chăng những ước mong của em giữa đêm trăng chỉ thêm một điều rằng sức khỏe ổn định như bao bạn bè cùng trang lứa.

Những đứa trẻ ung thư máu khát khao được một lần tận hưởng cảm giác Trung thu bên gia đình

"Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình, có con sư tử vui múa quanh vòng quanh...", đó là tiếng hát trong trẻo, vui tươi của cô bé Hoàng Thảo My (5 tuổi) vang lên từ đoạn hành lang trong khoa Nhi (Viện Huyết học - Truyền máu TW), một bệnh nhi hồn nhiên vui tươi như đúng độ tuổi của em.

Ở cái tuổi còn quá nhỏ, ai mà ngờ được chỉ sau lần đi khám sức khỏe vào đầu năm thì cũng là lúc phát hiện bé bị ung thư máu, qua nửa năm phải điều trị tại viện trừ những lúc mệt mỏi sau khi truyền hóa chất, Thảo My luôn thích đi dạo chơi khắp cả phòng, gặp ai cùng chào, bạn nào cũng thân.

Chuyện đón Trung Thu của những đứa trẻ
 

Nhìn con sức khỏe dần ổn định, chị Nguyễn Thị Thanh cũng cảm thấy mừng, "vừa ăn Tết xong một thời gian con có những dấu hiệu đau nhức các cơ tay và chân, gia đình lo lắng quá liền đưa con đi khám, kết quả làm tôi choáng khi con còn nhỏ nhưng bị ung thư máu".

Khăn gói đưa con từ Hải Phòng lên Hà Nội, chị Thanh vừa cầu mong những điều may mắn sẽ luôn bên con. "Trên chuyến đi tôi nhìn con mà nước mắt phải nuốt vào trong, không muốn con thấy mẹ khóc bởi con còn đang quá nhỏ để biết điều gì đang xảy đến với mình.

Con lên đây nhanh chóng làm quen với những người bạn mới, cùng nhau đi khắp các lối hành lang rồi ngồi trên giường bệnh chơi, nhìn con hồn nhiên như vậy, tôi tự nhủ lòng mình phải luôn tạo sự lạc quan, vui vẻ, để cô công chúa nhỏ bước vào những đợt điều trị hóa chất đầu tiên.

Sau 6 tháng liên tục điều trị, tình hình sức khỏe của Thảo My có nhiều thay đổi tích cực, đáp ứng thuốc nên đúng vào dịp Tết Trung thu em được làm thủ tục xuất viện, trên tay cầm chiếc đèn ông sao, cô bé mong ngóng phút giây được trở về với gia đình, cùng mọi người phá cỗ, trông trăng.

 
 
 

May mắn cho Thảo My khi được xuất viện để về nhà đúng dịp Trung thu, ấy thế nhưng tại khoa Nhi (Viện Huyết học - Truyền máu TW) rất nhiều em nhỏ vẫn phải nằm điều trị và đón Tết Trung thu trên giường bệnh. Do ảnh hưởng của Covid-19, các chương trình vui Tết Trung thu tại các bệnh viện không được tổ chức, thiếu đi những tiết mục văn nghệ, nhưng bạn nhỏ nào cũng có quà từ các nhà hảo tâm, giúp các em và gia đình có một ngày Rằm đầy ý nghĩa.

Chuyện đón Trung Thu của những đứa trẻ
 

Cách Hà Nội hàng trăm cây số, cả 2 vợ chồng lấy nhau có 3 người con, thu nhập chỉ trông chờ vào những ruộng ngô, người bố trẻ Giàng Mí Và (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) chưa bao giờ nghe thấy cái tên ung thư máu. Cho đến một ngày cô con gái của anh có những dấu hiệu sức khỏe bất thường, cho đến sau 8 tháng đưa con đi chạy chữa tại Hà Nội, giờ đây anh đã hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

Vừa tròn 30 tháng tuổi bé Giàng Ngọc Hà (con gái anh Giàng Mí Và) ngồi ngoan bên giường bệnh trong đợt "đánh" hóa chất, thích thú khi xung quanh là đèn lồng, bộ đồ chơi xếp hình và có cả những chiếc bánh nướng thơm ngon.

Năm nay là năm đầu tiên bé Hà có ý thức về ngày Rằm Trung thu, thích lắm chiếc đèn lồng đầy sắc màu và ăn những chiếc bánh nướng thơm ngon, nhìn con ngoan như vậy anh Và không giấu nổi sự xúc động, mong con có một sức khỏe ổn định là đã đủ hạnh phúc rồi.

 
 
Chuyện đón Trung Thu của những đứa trẻ
 
Chuyện đón Trung Thu của những đứa trẻ
 

Em ước có một liều thuốc màu nhiệm chữa khỏi ung thư máu!

Được xem là "anh cả" tại khoa Nhi, Hoàng Văn Đoàn (16 tuổi, quê Yên Bái) đã có 8 năm sống một cuộc sống với 2 mái nhà. Khi quá trình điều trị bệnh kéo dài, cứ về nhà được 20 ngày, em sẽ phải quay trở lại viện điều trị trong vòng 1 tháng.

Vừa tiêm thuốc vào tủy sống, Đoàn phải mất vài giờ để có thể đi lại bình thường, vậy là năm nay em lại ở trong viện đón Trung thu lần thứ 8, cũng quen rồi cái cảm giác phá cỗ ở nơi đây, mọi năm vui hơn khi có chương trình văn nghệ, năm nay do dịch nên mọi thứ đành hoãn lại. Thế nhưng tại các phòng bệnh, Hoàng và các em nhỏ đều có bánh, đồ chơi cùng nhau phá cỗ cũng thấy mừng.

Chuyện đón Trung Thu của những đứa trẻ

Hoàng Văn Đoàn (ngoài cùng bên phải) luôn có những trò chơi độc đáo, giúp các em nhỏ làm quen với việc điều trị tại bệnh viện trong thời gian dài.

Đáp ứng tốt thuốc điều trị, cho đến nay đã 8 năm sống chung với căn bệnh ung thư này, Văn Đoàn giờ đã là người anh lớn ở khoa, đa phần những bệnh nhân điều trị ung thư máu ở độ tuổi còn rất nhỏ. Trong kỳ điều trị, người anh cả này thường xuyên động viên các em nhỏ vui vẻ hơn, lạc quan giống mình để được khỏe, được đi học…

Cùng đàn em có giờ phút chơi đùa vui vẻ, trong những ngày này Văn Đoàn chỉ ước rằng sẽ có loại thuốc chữa khỏi căn bệnh ung thư máu, để bản thân và nhiều bệnh nhi khác có thể hưởng trọn những ngày tháng đẹp nhất bên gia đình, bạn bè.

Chuyện đón Trung Thu của những đứa trẻ
 

Bác sĩ Trần Thu Thủy (Phó Trưởng khoa Nhi) được nhiều bệnh nhi coi như người mẹ thứ 2 của mình, chăm sóc ân cần, chẳng có một bệnh nhi nào mà chị không nhớ tên, bởi với mỗi bệnh nhi chị coi họ như người thân, thu ngắn khoảng cách giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Chuyện đón Trung Thu của những đứa trẻ

Bác sĩ Thủy coi bệnh nhi như người thân của mình, chăm sóc hết mình, giúp các em kéo dài sự sống.

Tâm sự về công việc đặc biệt của mình, bác sĩ Thủy cho rằng: "Yếu tố tinh thần trong quá trình điều trị là rất quan trọng đối với các bệnh nhi, đặc biệt khi điều trị bệnh các em sẽ bị mệt mỏi, tinh thần nặng nề, vì thế nhờ sự động viên của bố mẹ, nhân viên y tế mà các em có tinh thần lạc quan để bước vào quá trình điều trị bệnh.

Với những cháu mới vào hay những cháu điều trị lâu dài ở đây chúng tôi đều mang một sự yêu thương, tìm các phương pháp điều trị tốt nhất để làm sao giữ gìn sự sống của các bệnh nhi được lâu dài.

Hàng ngày trong quá trình điều trị, thăm khám tại các buồng phòng chúng tôi là những người thường xuyên tiếp xúc với các em luôn phải có những lời động viên khích lệ, gần gũi hơn với các bệnh nhi, giúp các cháu có tinh thần lạc quan.

Chuyện đón Trung Thu của những đứa trẻ
 

Bệnh ung thư máu là bệnh nặng, nhưng với sự phát triển của khoa học hiện đại sẽ có phương pháp điều trị giúp bệnh nhi kéo dài sự sống. Có những trường hợp đáp ứng thuốc rất tốt, có thể quay trở lại đi học, quay lại cuộc sống như bình thường. Đã có khá nhiều trường hợp đáp ứng thuốc có thể kéo dài sự sống trên 5 năm, có những bạn đã bước vào đại học, có những người vẫn lấy vợ, sinh con bình thường như bao người khác".

 

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/chuyen-don-trung-thu-cua-nhung-dua-tre-song-trong-benh-vien-huyet-hoc-xach-tung-tui-mau-va-hoa-chat-hon-nhien-tim-chu-cuoi-chi-hang-ke-dieu-uoc-162200110195945489.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang