Tiến sĩ Alla Vash-Margita, trưởng khoa phụ khoa thanh thiếu nhi tại Yale Medicine - cơ sở thực hành của Đại học Y Yale, khẳng định: 13-15 là độ tuổi lý tưởng để bắt đầu lịch khám phụ khoa định kỳ.
Một bác sĩ nhi có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung. Nhưng sẽ hiệu quả và giúp ích cho các em nhiều hơn nếu gặp gỡ một chuyên gia trong từng vấn đề cụ thể. Cho dù liên quan tới tình trạng tiết dịch dài ngày hay một khuyết tật bẩm sinh phức tạp.
Bản thân Tiến sĩ Vash-Margita tâm sự: "Chúng tôi dành thời gian để nói chuyện về những vấn đề nhạy cảm. Các cuộc hẹn gặp của tôi với những cô bé có thể rất dài bởi đề cập tới nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm, ra máu nhiều trong kỳ kinh, u nang buồng trứng, lạm dụng tình dục, lạm dụng thuốc và cả sức khỏe tâm thần. Vai trò của tôi là trợ giúp bệnh nhân đưa ra lựa chọn phù hợp và đảm bảo an toàn".
Lý giải về việc teen girl 13-15 nên đi khám phụ khoa lần đầu, tiến sĩ cho biết, một bé gái tầm tuổi này có thể tới gặp bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc hay gặp vấn đề rắc rối nào liên quan tới sức khỏe.
Đi khám phụ khoa lần đầu tiên ở tuổi 13-15 giúp các cô bé đón nhận thông tin cần thiết và thiết lập mối quan hệ với bác sĩ phụ khoa. Đôi bên có thể thảo luận nhiều vấn đề liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt, dậy thì, biện pháp ngừa thai và bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Tiến sĩ Vash-Margita tiết lộ: "Nhiều lần tôi phát hiện ra rằng, các cô bé cởi mở tâm sự với bác sĩ hơn so với cha/mẹ mình. Trong những trường hợp đó, tôi khích lệ các em cũng thử trò chuyện với cha mẹ".
Trong cuộc hẹn khám phụ khoa lần đầu, các cô bé sẽ trải qua những gì?
Tiến sĩ Vash-Margita tiết lộ: Các em thường nghĩ bác sĩ sẽ tiến hành khám khung chậu cho mình. Nhưng không đúng vậy đâu. Ở phần đầu cuộc hẹn khám, tôi nói với bệnh nhân của mình rằng, nhiều khả năng, các em không cần phải khám bên trong cơ quan sinh dục.
Trong cuộc hẹn khám phụ khoa đầu tiên, chúng tôi gặp gỡ và trò chuyện. Phụ huynh là một phần câu chuyện khi tôi tìm hiểu lịch sử gia đình bệnh nhân. Bởi thông thường, các cô bé không nắm rõ hơn những chi tiết dạng này. Và tại một số thời điểm của buổi hẹn khám, chúng tôi trò chuyện riêng với các cô bé.
Trên thực tế, trừ khi bệnh nhân có nhu cầu hoặc có rắc rối cụ thể chứ bình thường tôi không tiến hành khám phụ khoa cho tới khi cô bé đó cần thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung (xét nghiệm phết tế bào tử cung PAP smear).
Tuy nhiên, tôi sẽ thực hiện khám chung bên ngoài. Nếu thực sự cần khám phụ khoa, tôi đặc biệt thận trọng. Nếu đó là để xác định một mối lo ngại cụ thể nào thì tôi thường khám bên ngoài và không sử dụng dụng cụ y tế.
Điều tôi thường nói với các bệnh nhân trẻ tuổi của mình là: "Nếu cháu không thích cô làm gì đó, cứ nói cô biết, cô sẽ dừng lại ngay". Và với các em, sẽ luôn có mẹ hoặc người chăm sóc ở bên cạnh. Bản thân các em quyết định mẹ/người chăm sóc có mặt ở trong phòng khám hay không.
Tiêm vắc-xin HPV là một trong những chủ đề được trao đổi trong cuộc hẹn khám phụ khoa đầu tiên. Tiến sĩ Vash-Margita cho biết: "Nếu bệnh nhân của tôi dưới 15 tuổi, tôi nói với các em rằng: 'Cháu chỉ cần 2 mũi tiêm thôi. Nhưng nếu cháu đợi tới năm 16, sẽ là 3 mũi'. Điều này thường hiệu quả. Chúng tôi cũng chụp chiếu để xác định bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, bao gồm nấm chlamydia và bệnh lậu.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thảo luận về sức khỏe thể chất nói chung, bao gồm chỉ số BMI, hoạt động thể dục thể thao, sức khỏe xã hội và cảm xúc. Tôi hỏi các cô bé xem chúng làm gì sau giờ học ở trường, về sở thích của từng em".
Một số vấn đề khác theo chia sẻ của Tiến sĩ Vash-Margita:
Chu kỳ kinh nguyệt thông thường của một teen girl:
Ở Mỹ, 12,5 là độ tuổi trung bình khi một cô bé bắt đầu có kinh. Lúc đầu, các kỳ kinh thường không đều và có thể máu ra rất nhiều trong vài năm đầu. Trong 4-5 năm sau đó, 85% các cô bé sẽ có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hay bình thường. Nhưng với 15% còn lại, kỳ kinh vẫn sẽ khá thất thường trong suốt thời gian có khả năng sinh sản còn lại của cuộc đời.
Nguyên nhân gây đau khung chậu ở teen girl:
Đau khung chậu là hiện tượng phổ biến ở các cô bé độ tuổi vị thành niên. Thông thường, nó liên quan tới các cơn đau bụng kinh, mặc dù nhiều tình trạng bệnh khác cũng có thể gây đau khung chậu, bao gồm lạc nội mạc tử cung. Đây là một căn bệnh rất đau đớn, khi mô tử cung lớn lên bên ngoài tử cung.
Các cô bé trước khi dậy thì có thể gặp phải rắc rối gì?
Theo Tiến sĩ Vash-Margita "Chúng tôi điều trị nhiều vấn đề ở các cô bé ở độ tuổi tiền dậy thì, từ ngứa âm đạo tới các chứng bệnh rõ rệt như Hội chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser, khi tử cung kém hoặc không phát triển từ lúc chào đời. Chúng tôi cũng trò chuyện về cách thức giữ gìn vệ sinh cá nhân. Nếu một cô bé bị ngứa âm đạo, tôi sẽ khuyên chỉ nên mặc đồ lót bằng cotton và không mặc đồ lót khi đi ngủ. Khi đi tắm, các em nên dùng nước thôi, không cần dùng xà bông. Hoặc nếu phải dùng xà bông thì chọn loại không gây dị ứng".
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.