Tăng đạm, giảm tinh bột, đồ ngọt
TS.BS. Nguyễn Thùy Linh - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, BV Đại học Y Hà Nội, giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y Hà Nội - cho biết với F0 điều trị tại nhà, ngoài vai trò của thuốc thì dinh dưỡng rất quan trọng. Dinh dưỡng không đầy đủ thì sức đề kháng, chống chọi với bệnh tật sẽ giảm, khó hồi phục hơn.
Vì vậy, TS Linh cho rằng F0 cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, cụ thể là 4 nhóm thực phẩm sau:
- Nhóm tinh bột bao gồm cơm, bún, phở, cháo.
- Nhóm chất đạm từ thịt cá trứng sữa, các loại hạt.
- Nhóm chất béo dầu mỡ mỡ động vật, thực vật.
- Nhóm vitamin và chất khoáng.
Nếu bạn là F0 đang cách ly và điều trị ở nhà, nhu cầu năng lượng cần là 30 kalo/kg cân nặng/ngày. Bạn nên duy trì thói quen ăn uống hàng ngày theo nhu cầu.
Các chất dinh dưỡng người bệnh nên ăn nhiều hơn đó là chất đạm từ thịt, cá, tôm, các loại hạt như lạc, đậu. Người bệnh nên giảm tinh bột, đồ ngọt vì đây là yếu tố làm tăng nguy cơ viêm phổi ở bệnh nhân.
Ngoài ra, người bệnh cần cung cấp đủ vitamin và muối khoáng. Người bệnh nên dự trữ vitamin tổng hợp và vitamin C, có thể cung cấp thêm chất khoáng.
Ảnh minh hoạ.
3 vitamin và 1 vi chất cần thiết
Theo TS Linh, trong quá trình điều trị, các vitamin cũng tham gia vào giúp chống lại virus, bảo vệ hệ miễn dịch của người bệnh. Cụ thể:
Vitamin A: người ta còn gọi là "vitamin chống nhiễm khuẩn, virus" có vai trò rõ rệt cả với miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Vitamin A có nhiều trong các loại rau, củ, quả màu xanh đậm, vàng, cam.
Vitamin C có tác dụng chống oxy hoá, lão hoá và thúc đẩy chuyển hoá năng lượng, giúp hấp thu sắt, duy trì chức năng biểu mô niêm mạc mũi và dạ dày, chống nhiễm khuẩn, nhiễm virus, điều hoà các phản ứng miễn dịch…
Trong một số nghiên cứu gần đây, vitamin C còn được chứng mình giúp ức chế khả năng gây ra cơn bão Cytokine. Hiện trong phác đồ điều trị của bệnh nhân Covid-19 tại nhà cũng có vitamin C.
Thực phẩm chứa vitamin C là các loại hoa quả như bưởi - 100 gram bưởi cung cấp 95 mg vitamin C - chanh, ổi, cam, đu đủ, rau cải, giá đỗ, rau ngót... Nếu bệnh nhân đang điều trị tại nhà có thể bổ sung vitamin C liều cao.
Vitamin D: Vitamin D được chứng minh có tác dụng chống virus có vỏ bọc như Corona virus, tăng cường miễn dịch. Nguồn vitamin D chính là tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Trong điều kiện giãn cách xã hội, bệnh nhân F0 ở trong nhà nên càng thiếu vitamin D. Trong khi đó, khẩu phần ăn chỉ đáp ứng được 20 % lượng vitamin D cần thiết.
TS Linh nhấn mạnh F0 cố gắng tạo điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều nhất. Ăn thêm các loại cá, lươn, trứng để tăng cường vitamin D. Phòng cách ly của F0 tại nhà nên có cửa sổ và có thời gian tắm nắng để cung cấp đủ vitamin D khuyến cáo.
Kẽm: vi chất khác cần bổ sung đó là kẽm. Ở người Việt khoẻ mạnh, tỷ lệ thiếu kẽm chiếm tới 68%. Kẽm có vai trò trong điều trị viêm phổi, tiêu chảy, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi.
Kẽm điều hoà phản ứng viêm, tham gia phản ứng miễn dịch, ức chế các yếu tố gây viêm, tiền viêm. Khi Covid-19 xảy ra, kẽm nguyên tố có vai trò ức chế RNA của virus, hạn chế cơn bão Cytokine.
Những thực phẩm giàu kẽm là hàu, sò, hạt điều, cùi dừa, vừng, mộc nhĩ. Nhưng nên bổ sung kẽm từ nguồn gốc động vật sẽ tốt hơn.
Ngoài các nhóm vitamin và vi chất trên, TS Linh gợi ý một số gia vị truyền thống có tính kháng khuẩn nâng cao miễn dịch như tỏi, gừng cũng có tác dụng trong điều trị Covid-19.
TS Linh khuyến cáo người bệnh cần uống nhiều nước. Ví dụ, người 60 kg thì uống trên 2000 ml nước, uống rải rác trong ngày, uống thêm nước ép hoa quả, tránh nước ngọt và nước tăng lực.
Bên cạnh đó, người bệnh nên xây dựng thói quen tốt như thể dục nhẹ nhàng 20 – 30 phút/ngày, đọc sách, cố gắng duy trì lối sống lạc quan, cố gắng để da tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên 12 - 15 phút/ ngày.
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.