Hình ảnh khó xác định chính xác hành vi của bé trai, tuy nhiên, tư thế nằm của bé dưới chân bé gái cũng khiến người lớn nhìn vào mà "đỏ mặt". Thế nhưng, đây có thực sự là vấn đề đáng sợ hãi? Cách ứng xử nào của người lớn là phù hợp trong tình huống này?
Thực chất, đây không phải là lần đầu tiên tôi nhìn thấy hoặc nghe nói đến việc trẻ mầm non có hành vi "nhạy cảm" với bạn đồng trang lứa hoặc với bộ phận sinh dục của chính mình. Có cô giáo mầm non, rồi có mẹ cũng vật vã đi tìm chuyên gia để hỏi lời khuyên cho tình trạng học trò 4, 5 tuổi của mình liên tục có hành vi "thủ dâm" bằng tay, gối ôm, thú bông, có bé thì tự tuột quần xuống rồi khoe "trái ớt" với bạn gái, có bé gái thì ưa cởi quần lót ra khi mặc váy hoặc tốc váy lên, dang chân vô tư với các bạn trong lớp. Có tình huống gây hoảng hốt hơn là hai bé trai - gái ôm nhau rồi sờ bộ phận sinh dục của nhau, cùng cười khoái chí.
Đừng vội quy kết đây là hành vi "xấu xa"
Là một người sáng lập và điều hành một quỹ thiện nguyện chuyên cung cấp miễn phí các khoá học giáo dục giới tính, phòng tránh bị xâm hại tình dục cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa nên tôi có quan điểm khá cởi mở với các hành vi nói trên ở trẻ. Trước hết, tôi khẳng định trẻ nghịch ngợm với bộ phận sinh dục của mình hoặc đụng chạm vào bộ phận sinh dục của người khác (bao gồm em, bạn, thậm chí người lớn như anh chị, cha mẹ, khách) đều chưa ý thức đầy đủ đây là hành vi không phù hợp, có khả năng tổn hại sức khoẻ thể chất và tinh thần của con.
Do đó, người lớn đừng vội quy kết đây là hành vi "xấu xa", "khủng khiếp" hoặc "sao trẻ lớn sớm thế", "sao trẻ hư hỏng sớm thế" qua lăng kính của mình. Trong tình huống bé trai ở Hải Phòng, người lớn đừng vội la mắng, kết tội con. Người lớn hãy bình tĩnh chấp nhận đây là hành vi khám phá bản thân, trải nghiệm các xúc cảm tính dục mà trẻ đơn giản thấy "thích thích", biểu hiện này là bình thường theo đặc điểm phát triển lứa tuổi.
Khả năng trẻ chứng kiến hành vi tình dục của cha mẹ rồi bắt chước cũng có thể xảy ra nhưng không phải là tất cả tình huống. Vì thế, người lớn cũng đừng vội đổ lỗi do cha mẹ "hớ hênh". Dù vậy, các cha mẹ cũng nên tự kiểm tra lại xem các hành động riêng tư giữa người lớn trong nhà có bị trẻ trông thấy không. Việc trẻ từ 3 tuổi ngủ ở phòng riêng là nên làm nếu gia đình có điều kiện. Trẻ nhỏ tuổi hơn có thể ngủ cũi, giường riêng trong cùng phòng của cha mẹ.
Giáo dục giới tính từ tuổi lên 2, lên 3
Để tránh trẻ có các hành vi không phù hợp, ở nơi không phù hợp, có nguy cơ gây tổn hại trẻ, việc phòng ngừa thì tốt hơn xử lý khi sự việc xảy ra. Giáo dục giới tính từ tuổi lên 2, lên 3, diễn ra ở cả gia đình và trường học là cần thiết. Nội dung và cách thức giáo dục hoàn toàn có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Ví dụ, trẻ 2 tuổi có thể được dạy về tên gọi các phần trên cơ thể, bao gồm cả cơ quan sinh dục, chỉ cho trẻ thấy sự khác biệt giữa nam - nữ ở cơ quan sinh dục, giải thích luôn chỗ nước tiểu đi ra của nam và nữ, cho phép trẻ chạm vào cơ quan sinh dục khi tắm, nếu trẻ thích ở trần truồng thì chỉ dẫn cho trẻ chỉ được ở trần truồng khi trong phòng tắm, chứ không phải ngoài phòng khách, sân chơi.
Khi trẻ lớn lên, người lớn bổ sung bài học về vùng riêng tư trên cơ thể người, cách ứng xử với vùng riêng tư của mình và người khác. Người lớn có thể nói với trẻ nhẹ nhàng rằng con có thể đụng chạm vào các bộ phận riêng tư của con khi con đi tắm, đi toilet, nhưng không phải trước mặt người khác, ở lớp học, công viên. Nếu ở nơi công cộng mà con cho tay vào quần thì cũng nhẹ nhàng nói con rút tay ra, và sau đó nói chuyện riêng với con về vùng riêng tư và hành vi phù hợp.
Với bé trai trong clip ở Hải Phòng cũng như các trẻ khác có hành vi "nhạy cảm", cha mẹ và giáo viên cần hướng dẫn lại con về cách ứng xử với vùng riêng tư của mình và người khác. Người lớn tuyệt đối không nên la mắng lớn tiếng, chỉ trích hoặc trêu đùa cợt nhả về hành vi của trẻ, vô tình khiến trẻ xấu hổ, sợ hãi mà không thực sự hiểu vì sao bị người lớn phản ứng như vậy. Kết quả là trẻ tiếp tục có hành vi "nhạy cảm" nhưng chỗ giấu người lớn hoặc trẻ thích thú vì được người lớn chú ý nên tiếp tục duy trì hành vi.
Nên phân chia khu vực nằm ngủ cho trẻ
Vì trẻ còn quá nhỏ, cần thời gian dài và kiên trì để cải thiện hành vi hoặc để giảm nguy cơ phát sinh hành vi xâm phạm lẫn nhau như trong clip, ở trường, trẻ nên được chia khu vực nằm ngủ. Trong lớp, dù trẻ ngủ, luôn luôn phải có một cô giáo canh chừng vì nửa chừng có trẻ thức giấc, cần cô giám sát, đảm bảo an toàn. Ở nhà, các anh chị em khác giới cũng cần nằm giường riêng.
Với trẻ "bị hại" một cách thiếu nhận thức đầy đủ từ trẻ cùng trang lứa, giáo viên và cha mẹ nên giữ thái độ bình thản trò chuyện cùng con, giải thích cho con rằng bạn muốn đùa nghịch một chút, nhưng cách đùa nghịch này là không đúng, không tốt cho các con, mong con không bắt chước bạn. Giáo viên và cha mẹ cũng nên kiểm tra lại thân thể trẻ để xem mức độ tổn thương nếu có và điều trị phù hợp. Tâm lý của trẻ "bị hại" cũng cần được theo dõi chặt chẽ sau đó.
Trẻ luôn có những hành vi làm người lớn "hoảng hốt" dù hành vi đó là do đặc tính lứa tuổi, bắt chước thì trách nhiệm của người lớn vẫn là kiên nhẫn hướng dẫn trẻ với caí nhìn rộng mở và khoan dung.
Link báo gốc: http://baodansinh.vn/chuyen-gia-tam-ly-khi-tre-mam-non-co-hanh-dong-nhay-cam-khien-nguoi-lon-do-mat-dung-voi-quy-ket-sao-tre-hu-hong-som-the-2220206616538855.htm
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.