Chuyên gia lý giải vì sao trẻ sơ sinh hay "ngủ ngày cày đêm"

Nhiều trẻ sơ sinh có sự lẫn lộn giữa ngày và đêm, các em bé có xu hướng ngủ nhiều vào ban ngày nhưng khi đến đêm thì lại tính táo và chơi đùa.

Hiện tượng trẻ sơ sinh "ngủ ngày cày đêm" không có gì lạ. Tuy nhiên, sau khi sinh, đối với những người lần đầu làm mẹ, việc thức giấc nhiều vào ban đêm sẽ khiến họ sốt ruột, mệt mỏi và lo lắng. Theo lý giải của các chuyên gia, việc trẻ sơ sinh chưa quen với chu kỳ giấc ngủ là điều hoàn toàn bình thường.

Theo Burlingtion Ont - chuyên gia tư vấn của trung tâm tư vấn, chăm sóc giấc ngủ Alanna McGinn (Canada) thì sự nhầm lẫn giữa ban đêm và ban ngày xảy ra vì trẻ sơ sinh chưa phát triển theo đúng nhịp điệu sinh học của chúng. Cô giải thích rằng: “Đồng hồ sinh học giúp thúc đẩy nhịp điệu hoạt động của cơ thể, tạo ra một cơ chế khiến cho cơ thể chúng ta tỉnh táo vào ban ngày và mệt mỏi vào ban đêm – thời gian ta cần phải ngủ để bù đắp cho sự mệt mỏi của cơ thể. Các cha mẹ có xu hướng kỳ vọng rằng trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể điều chỉnh cơ chế sinh học của mình sau khi trải qua hơn chín tháng bên trong bụng mẹ. Tuy nhiên, thực sự thì trẻ sơ sinh vẫn chưa sẵn sàng cho việc đó”.

Trên thực tế, Leigh Anne Newhook - một bác sĩ nhi khoa ở St. John's, Newfoundland (Canada) chia sẻ rằng, trong 6-8 tuần đầu tiên sau khi được sinh ra hoặc thậm chí dài hơn, trẻ sơ sinh vẫn có sự lẫn lộn giữa ngày và đêm. Việc không được cho ăn liên tục trong suốt một khoảng thời gian dài vào ban đêm cũng khiến cho trẻ đói và tỉnh giấc. Bên cạnh đó, mức độ oxytocin và prolactin trong cơ thể mẹ tăng lên vào ban đêm khiến sữa tiết ra nhiều hơn và bắt buộc phải cho trẻ bú đêm.

Sự lẫn lộn giữa ngày và đêm ở trẻ sơ sinh là lý do trẻ hay thức giấc vào ban đêm nhưng lại ngủ vào ban ngày (Ảnh minh họa).

Làm gì để trẻ ngủ ngon giấc hơn vào ban đêm?

Theo lời khuyên của các chuyên gia thì cha mẹ có thể cho bé làm quen với những dấu hiệu, đặc điểm khác biệt của môi trường ban ngày và ban đêm. Hãy giữ cho trẻ làm quen, tiếp xúc với ánh mặt trời và tiếng ồn quen thuộc vào ban ngày, kể cả khi bé ngủ, vào ban đêm hãy bật một chiếc đèn mờ và giữ cho không gian yên tĩnh. Và cũng hãy đảm bảo rằng bé đã được ăn no trước khi đi ngủ.

Bạn cũng có thể thử ghi lại nhật ký thời gian ngủ của trẻ. Ở giai đoạn sơ sinh, trẻ nên ngủ từ 16-18 giờ mỗi ngày mặc dù chúng có thể thức dậy thường xuyên. Nhật ký thời gian ngủ của bé có thể giúp bạn phân biệt một số đặc trưng về giấc ngủ của trẻ mà trước đây bạn không nhận ra.

Hãy cho bé làm quen với những khác biệt giữa ban ngày và ban đêm để trẻ có thể ngủ mà không bị gián đoạn (Ảnh minh họa).

Bạn không nên giữ cho bé tỉnh táo cả ngày với hy vọng rằng bé sẽ ngủ ngon hơn vào ban đêm. Điều này tưởng chừng hiệu quả nhưng nó lại phản tác dụng với trẻ sơ sinh vì khi không được ngủ đủ giấc trẻ dễ trở nên cáu kỉnh, khó chịu và ngủ ít hơn vào ban đêm so với những trẻ được ngủ đủ giấc thường xuyên. Các chuyên gia cũng khuyên rằng, bạn nên chú ý đến những tín hiệu bắt đầu cơn buồn ngủ của trẻ như mắt díp lại và ngáp dài, đó là cách để bạn đoán biết được khi nào trẻ buồn ngủ và việc cho trẻ ngủ sẽ trở nên dễ dàng và trẻ ngủ ngon hơn.

Tập trung vào những dấu hiệu cho thấy trẻ buồn ngủ giúp đưa trẻ vào giấc ngủ đúng lúc và dễ dàng (Ảnh minh họa)

Có thể sẽ là một khoảng thời gian dài cho đến khi trẻ có thể ngủ xuyên đêm, nhưng theo chuyên gia Newhook thì thói quen về ngày đêm của trẻ sẽ được thiết lập sau khoảng 3 tháng và giấc ngủ của trẻ sẽ được kéo dài hơn. Trong thời gian đó, bạn có thể dành cho mình một vài thời gian rảnh để nghỉ ngơi vào ban ngày để có thể chăm sóc cho giấc ngủ của trẻ vào ban đêm cho đến khi giấc ngủ của trẻ đi vào nề nếp.

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang