Chuyên gia nêu tình trạng sản xuất vaccine Covid-19 của TQ: Điều nguy hiểm gì sẽ tới sớm?

Động lực của Trung Quốc trong việc tiêm chủng vaccine Covid-19 nội địa không chỉ giới hạn trong biên giới của nước này mà còn để phục vụ mục đích ngoại giao.

Điều nguy hiểm sẽ tới trong 2 tháng tiếp theo?

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết, động lực của Trung Quốc trong việc tiêm chủng cho người dân bằng vaccine Covid-19 nội địa không chỉ giới hạn trong biên giới của nước này mà còn mang bước ngoặt độc đáo là mở rộng cho hàng triệu công dân sống ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Chương trình Gieo mầm mùa xuân được Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị công bố vào tháng 3, đã tiêm chủng cho khoảng 200.000 công dân Trung Quốc và ở nước ngoài vào đầu tháng 4 tại các nước láng giềng từ Lào tới Lebanon ở Trung Đông và Sierra Leone của Châu Phi.

 

Các nhà sản xuất vaccine Covid-19 của Trung Quốc đã vận chuyển hàng triệu liều pha sẵn và nguyên liệu số lượng lớn ra nước ngoài kể từ năm ngoái như một phần của nỗ lực ngoại giao vaccine, đưa quốc gia này trở thành nước dẫn đầu toàn cầu trong việc cung cấp các mũi tiêm cho công dân của hàng chục quốc gia. Điều đó cũng có nghĩa là hàng chục triệu công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài có thể tiêm vaccine do Trung Quốc cung cấp mặc dù không rõ liệu nước này có thể sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước hay không.

Thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York Yanzhong Huang cho biết: "Công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài cũng có thể tiếp cận với vaccine sản xuất trong nước của Trung Quốc thông qua chính sách này. Vấn đề là họ hiện không có đủ năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu cả trong nước và quốc tế, điều này khiến hoạt động ngoại giao vaccine của họ không bền vững, ít nhất là trong hai tháng tới."

Tại Hội nghị Diễn đàn Boao của các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp ở Thượng Hải vào tháng trước, Chủ tịch hãng sản xuất vaccine Covid-19 Sinovac Biotech ông Yin Weidong cho biết về tình trạng thiếu vaccine tại Trung Quốc.

Thông điệp được gửi đi

Các cơ quan y tế ở Sri Lanka đã phê duyệt vaccine của Sinopharm để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp tại địa phương, nhưng vaccine này chỉ được cung cấp cho công dân Trung Quốc trong khi chờ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bật đèn xanh.

Việc chỉ cung cấp vaccine Trung Quốc cho công dân Trung Quốc đã làm dấy lên những lời phàn nàn trên các phương tiện truyền thông của Sri Lanka. Một số người đặt vấn đề là tại sao vaccine được chấp nhận ở Sri Lanka lại chỉ để người Trung Quốc ở đây sử dụng.

Người chuyên phụ trách về các vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại liên quan tới sức khỏe ông Huang cho biết, bằng cách tiêm vaccine cho các công dân Trung Quốc trước khi tiêm cho người dân địa phương, Bắc Kinh muốn gửi thông điệp rằng họ rất tự tin với vaccine của mình.

Tiêm chủng 40% dân số là chưa đủ?

Việc Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu vaccine cũng như đáp ứng nhu cầu địa phương dự kiến sẽ gây căng thẳng cho năng lực sản xuất của nước này.

SCMP đưa tin, quốc gia này đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số - 560 triệu người - vào tháng 6. Tính tới cuối tuần trước, nước này mới tiêm ra được 265 triệu liều.

 

Phó Giáo sư Nicholas Thomas tại khoa nghiên cứu châu Á và quốc tế tại Đại học Hồng Kông nói rằng Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục tiêu trong nước cũng như duy trì các cam kết ở nước ngoài trừ khi họ dốc sức tăng cường sản xuất.

Một vấn đề khác là vaccine của họ có tỷ lệ hiệu quả ở mức trung bình, có nghĩa là phải tăng lượng vaccine Covid-19 cần tiêm cho người dân để nước này có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.

"Thách thức song song đối với Trung Quốc là nước này cần phải có tỷ lệ dân số được tiêm phòng cao hơn nếu muốn mở lại biên giới cho cả du lịch và thương mại trong cũng như ngoài nước," chuyên gia Nicholas cho hay.

Link gốc: https://soha.vn/chuyen-gia-neu-tinh-trang-san-xuat-vaccine-covid-19-cua-tq-dieu-nguy-hiem-gi-se-toi-som-20210503153116357.htm?fbclid=IwAR0qzw6ftJgdrF2hppfEoNARE0PUSvmEwpi35_j33iiWjHdzSuVfnZJQDGc

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang