Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học đến nay cho thấy việc ngăn ngừa sự phát tán của virus lây lan qua đường thở bằng các đeo khẩu trang cho cả cộng đồng không thật sự hiệu quả [1-3].
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo những ai chưa có dấu hiệu bệnh chưa cần phải đeo khẩu trang [4]. Đừng hiểu lầm! Tôi không nói như vậy để khuyên mọi người không đeo khẩu trang.
Các nghiên cứu trên đều dựa trên số liệu thống kê số lượng lớn, do đó chúng có tính định hướng cho cộng đồng, nhưng khi áp dụng lên một cá thể, các số liệu này chỉ có tính tham khảo. Không ai biết được bạn có nằm lọt ra vùng sai số của các thống kê trên hay không, dù xác suất "xui xẻo" này có thể chỉ là vài phần triệu.
Do đó, tôi vẫn khuyến cáo mọi người nên đeo khẩu trang nếu có thể. Khẩu trang y tế thông thường cũng đã đủ, không cần khẩu trang N95.
Điều tôi muốn nói ở đây là, có vẻ mọi người đang quá quan trọng việc đeo khẩu trang, trong khi lơ là một yếu tố giúp phòng ngừa bệnh cực kỳ hiệu quả, thậm chí có thể hiệu quả hơn cả đeo khẩu trang [5], đó là rửa tay đúng cách.
Để rửa tay đúng cách, có 2 vấn đề cần quan tâm: rửa tay như thế nào và rửa tay với cái gì. Rửa tay như thế nào thì chắc mọi người đều đã biết, nói nôm na chỉ cần rửa ở những nơi tay mình thường xuyên tiếp xúc với các vật khác và chạm vô cơ thể, ví dụ như ngón tay, mu bàn tay, lòng bàn tay, cánh tay và khủy tay, với thời gian rửa tối thiểu là 10 giây, tối ưu là 30 giây.
Còn rửa tay với cái gì, ở đây tôi xin đề nghị 2 loại dung dịch đơn giản, dựa theo các bằng chứng khoa học hiện đại: xà phòng (xà bông), và cồn 80 độ.
1. Xà phòng
Xà phòng ở đây bao gồm tất cả các loại chất có tính rửa (không có tính tẩy) nhẹ nhàng như xà phòng dạng cục, xà phòng rửa tay, nước rửa chén thông thường.
"Thông thường" ở đây ý là không cần phải chứa chất diệt khuẩn. Mà thực chất, xà phòng không chứa chất diệt khuẩn thì càng tốt, vì chúng ta đang dùng trong việc chống virus chứ không phải vi khuẩn, tức là chất diệt khuẩn (thường là triclosan) sẽ vô dụng trong việc này.
Hơn nữa, các nghiên cứu đến nay cũng đều chỉ ra rằng xà phòng (nói chung) chứa chất diệt khuẩn không mang lại hiệu quả gì hơn so với xà phòng thông thường trong việc làm sạch vi khuẩn trên tay, trong khi chất diệt khuẩn còn là tăng nguy cơ sản sinh ra dòng vi khuẩn mới kháng thuốc [6].
Tại sao lại có nước rửa chén trong nhóm các loại xà phòng ở đây? Thật ra, nước rửa chén có thành phần rất gần với xà phòng rửa tay và xà phòng dạng cục, chỉ khác là nước rửa chén không được làm cho cô đặc lại, và thiếu một số thành phần phụ gia, nhưng về cơ bản, để rửa trôi vi khuẩn, virus thì cả 3 loại đều như nhau. Đây là điều mà tôi may mắn được biết khi có một thời gian được làm trong môi trường công nghiệp.
2. Cồn 80 độ
Có thể nhiều người đã được biết cồn 70 độ là loại cồn được khuyên dùng nhiều nhất để rửa tay phòng bệnh.
Với những ai chưa biết, "độ" ở đây ám chỉ phần trăm cồn nguyên chất, về mặt thể tích. Tức là, cồn 70 độ là cồn có 70% thể tích là cồn nguyên chất, hay nói đơn giản hơn là 100 mL cồn 70 độ sẽ có chứa 70 mL cồn nguyên chất, còn 30% còn lại là nước (hoặc các dịch khác). Và "cồn" ở đây ý chỉ rượu ethanol.
Tuy nhiên, cồn 70 độ thường chỉ được khuyên dùng để diệt vi khuẩn, còn để diệt virus, cồn 80 độ mới là lựa chọn ưu tiên.
Nghiên cứu cho thấy cồn 80 độ mới có khả năng tiêu diệt được hầu hết các loại virus [7]. Trong hướng dẫn pha chế dung dịch rửa tay của WHO, công thức rửa đầu tiên cũng là dựa trên nền cồn 80 độ [6]. Do đó, ở đây tôi sẽ hướng đẫn mọi người pha chế cồn 80 độ, dễ dàng và cực kỳ rẻ tiền.
Trước hết, về nguyên tắc, để pha cồn từ 90 độ xuống 80 độ, ta cần pha 8 lần thể tích cồn 80 độ với 1 lần thể tích nước, tức là, cứ 80 mL cồn 80 độ thì cần pha 10 mL nước tinh khiết vào là ta sẽ được cồn 80 độ.
Về mặt thực hành, điều đầu tiên là cần mua 8 chai cồn 90 độ ở ngoài tiệm thuốc tây, khoảng 2,000-3,000 đồng/chai nhỏ 50mL. Chuẩn bị thêm 1 chai nhựa hoặc thủy tinh sạch, lớn, có thể chứa được ít nhất 500 mL. Các bước pha bao gồm:
1. Rót hết cồn trong 1 chai cồn vào trong chai nhựa/thủy tinh đã chuẩn bị sẵn
2. Lấy vỏ của chai cồn từ bước 1, đong bằng nước tinh khiết đến bằng thể tích của các chai khác (dùng các chai chưa rót ra để làm đối chứng) rồi rót vào chai nhựa/thủy tinh.
Việc dùng lại vỏ chai cồn sẽ đảm bảo bạn lấy được gần đúng nhất 1 thể tích nước mà không cần bất kỳ dụng cụ đong thể tích nào.
3. Rót hết 7 chai cồn còn lại vào chai nhựa/thủy tinh.
4. Lắc nhẹ cho 2 loại dung dịch hòa vào nhau
Xong, và bạn đã có khoảng 450 mL cồn 80 độ. Bạn có thể chiết ra các bình nhỏ hơn để mang theo và sử dụng mọi lúc mọi nơi.
Với những ai không tìm được cồn 90 độ, mà chỉ thấy cồn 100 độ hay còn gọi là cồn tuyệt đối, việc pha cũng tương tự, nhưng thay vì mua 8 chai thì bạn mua 4 chai, vì tỷ lệ pha của cồn 100 độ chỉ là 4 thể tích cồn 100 độ với 1 thể tích nước.
Với những ai đã có cồn 70 độ, bạn vẫn có thể pha lại thành cồn 80 độ, nếu bạn tìm mua được cồn 90 độ. Cứ lấy cồn 90 độ pha cùng với cồn 70 độ với cùng thể tích, tức bạn có bao nhiêu mL cồn 70 độ thì pha với bấy nhiêu mL cồn 90 độ.
Hoặc đơn giản là bạn pha mới cồn 80 độ, còn cồn 70 độ cứ giữ đó để diệt khuẩn trong nhà. Có rất nhiều nơi cần giữ sạch sẽ thường xuyên, như khu vực nấu ăn, bàn ăn, đồ chơi của trẻ em, khu vực giường ngủ,… và cồn 70 độ sẽ làm tốt việc này.
Tóm lại, tôi vẫn khuyên mọi người nên đeo khẩu trang nếu có thể. Tuy nhiên, việc lây truyền bệnh do corona nói riêng và các virus đường hô hấp nói chung không chỉ là do hít phải hạt nước (aerosol droplets) do người nhiễm bệnh mà ra, mà còn do rất nhiều con đường khác, trong đó do tay tiếp xúc với dịch của người bệnh rồi đưa lên mắt mũi miệng là một nguyên nhân phổ biến hàng đầu [8].
Do đó, việc giữ tay sạch sẽ thật ra quan trọng không kém, hoặc có khi còn hơn cả việc đeo khẩu trang, do các hạt aerosol droplets không tồn tại lâu trong không khí để ta hít phải, nhưng khi các hạt này chạm lên bề mặt vật chất thì virus sẽ còn tồn tại ở đó, mà ta lại rất dễ vô tình đem nó lên mắt mũi miệng bằng tay. Hi vọng với cách pha chế cồn 80 độ đơn giản, rẻ tiền ở trên, mọi người sẽ phòng bệnh được tốt hơn, và giảm bớt lo lắng trong mùa dịch này.
À, mọi người nhớ dùng cồn 80 độ này lau chùi mấy món mình hay cầm thường xuyên nha, nhất là cái điện thoại.
Tác giả: ThS. Nguyễn Cao Luân
Đồng sáng lập, thành viên ban Khoa học Ruy Băng Tím
Nghiên cứu sinh, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Lowy,
Đại học New South Wales, Sydney, Úc.
Tài liệu tham khảo:
1. Bin-Reza, F., et al., The use of masks and respirators to prevent transmission of influenza: a systematic review of the scientific evidence. Influenza Other Respir Viruses, 2012. 6(4): p. 257-67.
2. Tracht, S.M., S.Y. Del Valle, and J.M. Hyman, Mathematical modeling of the effectiveness of facemasks in reducing the spread of novel influenza A (H1N1). PLoS One, 2010. 5(2): p. e9018.
3. Cowling, B.J., et al., Face masks to prevent transmission of influenza virus: a systematic review. Epidemiol Infect, 2010. 138(4): p. 449-56.
4. WHO. Advice on the use of masks the community, during home care and in health care settings in the context of the novel coronavirus (2019-nCoV) outbreak. 2020 [cited 2020 Febuary 3rd]; Available from: https://www.who.int/…/advice-on-the-use-of-masks-2019-ncov.….
5. Aiello, A.E., et al., Facemasks, hand hygiene, and influenza among young adults: a randomized intervention trial. PLoS One, 2012. 7(1): p. e29744.
6. WHO. WHO Guidelines on Hand Hygiene in Health Care. [cited 2020 Febuary 3rd]; Available from: https://apps.who.int/…/9789241597906_eng.pdf;jsessionid=FB1….
7. Kampf, G., Efficacy of ethanol against viruses in hand disinfection. J Hosp Infect, 2018. 98(4): p. 331-338.
8. Park, J.E., et al., MERS transmission and risk factors: a systematic review. BMC Public Health, 2018. 18(1): p. 574.
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.