Tất cả chúng ta đều muốn nuôi dạy nên những đứa trẻ kiên cường, tự tin và thông minh về mặt xã hội. Là một nhà tâm lý học chuyên về sự phát triển của trẻ vị thành niên, tôi nhận thấy rằng chìa khóa cho vấn đề này chính là cha mẹ phải cung cấp cho con một sự yên tâm ngay từ khi con còn nhỏ.
Trẻ em, đặc biệt là thanh thiếu niên, đôi khi cần xác nhận rằng những gì chúng đang nghĩ và cảm thấy là bình thường và ổn. Trên thực tế, các nhà tâm lý học tin rằng sự xác nhận là một trong những công cụ nuôi dạy con mạnh mẽ nhất, nhưng nó thường bị loại khỏi các chương trình đào tạo cha mẹ về hành vi truyền thống.
Xác thực cảm xúc của con bạn không nhất thiết có nghĩa là bạn dung túng hoặc đồng ý với những hành động mà chúng thực hiện. Nó chỉ đơn giản là thể hiện rằng bạn nghe, hiểu và chấp nhận chúng. Điều này có thể giúp dạy chúng ghi nhãn cảm xúc của chính mình một cách hiệu quả và hòa hợp hơn với môi trường xã hội, từ đó tăng cường trí tuệ cảm xúc.
Dưới đây là cách các bậc cha mẹ thành công truyền tải những thông điệp quan trọng này trong thời kỳ "ẩm ương" của con cái:
1. Họ bình thường hóa trải nghiệm
Tình bạn giúp trẻ phát triển các kỹ năng sống quan trọng như hòa đồng với người khác và giải quyết xung đột. Nhưng không có tình bạn nào là hoàn hảo cả.
Nhắc nhở con bạn rằng mọi tình bạn đều trải qua những thăng trầm. Trong những mối quan hệ lâu dài, ngay cả những người bạn thân thiết đôi khi cũng không tránh khỏi việc thất vọng, cáu gắt hay cãi vã.
Nếu con bạn dễ tiếp thu, hãy nói với chúng về những nỗi đau xã hội tương tự mà chị gái, anh họ của chúng hoặc bạn từng trải qua ở độ tuổi của chúng. Những câu chuyện này là minh chứng rằng chúng không đơn độc và không nên cảm thấy xấu hổ về điều này.
2. Họ mang lại sự an ủi về thể chất
Trừ khi con bạn giật mình khi ai đó chạm vào, còn không thì sự thoải mái về thể chất có thể ngay lập tức và có tác động hơn bất kỳ sự đảm bảo bằng lời nói nào.
Một số nghiên cứu đã tìm thấy lợi ích của việc tiếp xúc giữa các cá nhân với nhau. Ví dụ, được ôm có thể làm giảm huyết áp và mang lại cảm giác được chăm sóc và an toàn.
Giả sử con bạn đang cảm thấy buồn phiền về điều gì đó. Trước khi nói một từ, bạn có thể muốn xoa lưng, ôm hoặc nắm tay chúng. Một học sinh lớp 5 từng nói với mẹ: "Khi con buồn, con chỉ cần mẹ ôm thật chặt và nói: ‘Ừ, chuyện đó thật là buồn.’"
Không bắt đầu cuộc trò chuyện ngay lập tức cũng giúp con bạn có thời gian chuẩn bị để nói về điều mà chúng đang canh cánh ở trong lòng.
3. Họ dạy con rằng chất lượng hơn số lượng
Các thanh thiếu niên thường đánh giá giá trị bản thân thông qua số lượng bạn bè mà chúng có. Chúng chưa đủ chín chắn để nhận ra rằng chất lượng của các mối quan hệ mới là thứ quan trọng hơn. Một nghiên cứu cho thấy những thanh thiếu niên có nhiều bạn bè ở trường - nhưng là những mối quan hệ hời hợt – có xu hướng lo lắng hơn khi chúng dần lớn hơn.
Thêm vào đó, trái với suy nghĩ của hầu hết trẻ em, nổi tiếng không làm giảm bớt sự cô đơn. Sự nổi tiếng, một địa vị xã hội được thúc đẩy bởi việc sử dụng quyền lực thông qua những lời đồn đại và những lời đồn thổi, những thứ đó vốn dĩ không ổn định và do đó khó duy trì.
Đảm bảo với con bạn rằng chúng không cần hàng trăm người bạn, trên mạng xã hội hay trong cuộc sống thực. Một số ít là đủ, miễn là họ đáng tin cậy và hợp với mình.
Nghiên cứu chứng minh rằng tình bạn bền vững, lành mạnh, dù chỉ có một cũng sẽ cho ra kết quả học tập và sức khỏe tâm lý tốt.
4. Họ tập trung vào những mặt tích cực
Có những đứa trẻ thường tập trung vào một sự thất vọng dù rất nhẹ nào đó về xã hội, và trong khoảnh khắc đó, sự thất vọng ấy hiện ra lớn hơn và tạo ra nhiều áp lực hơn tất cả những mặt tích cực trong cuộc sống của chúng.
Cùng với việc đồng cảm với nỗi đau khổ của con bạn, việc tập trung lại sự chú ý của chúng vào những thành tích và niềm vui gần đây nhất của chúng sẽ cho phép chúng lại nhìn thấy và đánh giá cao bức tranh lớn hơn và tươi sáng hơn.
5. Họ cho con hy vọng
Nói với con bạn rằng mặc dù hiện tại chúng đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn nhưng nó sẽ không kéo dài mãi mãi. Mọi thứ rồi sẽ tốt thôi. Các tình huống xã hội sẽ thay đổi bởi lẽ bọn trẻ sẽ thay đổi.
Chúng chỉ cần kiên nhẫn trong khi chúng và bạn bè của mình trưởng thành. Ví dụ, nếu chúng cố gắng thay đổi mối quan hệ bạn bè, hãy nhắc chúng rằng việc thay đổi cần có thời gian. Còn hiện tại, những gì chúng có thể kiểm soát là cách chúng hành động trong các tình huống thách thức xã hội.
Tác giả của bài viết là Tiến sỹ Roni Cohen-Sandler, một nhà tâm lý học lâm sàng, tác giả và diễn giả được cấp phép chuyên về mối quan hệ mẹ-con. Cô cũng là tác giả của cuốn sách "Anything But My Phone, Mom!" Roni đã được giới thiệu trên nhiều tờ báo lớn bao gồm The New York Times, Newsweek, Marie Claire và Teen Vogue.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.