Trà My là học sinh lớp 12 chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Vừa qua, em xuất sắc dành được học bổng toàn phần trị giá 7,8 tỷ đồng tại trường Đại học Haveford College. Nữ sinh đạt GPA 9.6; IELTS 8.0 và tham gia rất nhiều những hoạt động ngoại khóa giàu tính nhân văn.
Chỉ còn 2 tuần nữa, Trà My sẽ sang Mỹ du học, viết tiếp ước mơ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Có được thành công như ngày hôm nay là nhờ công lao của mẹ em – chị Nguyễn Quỳnh Hoa, 47 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Hiện tại chị đang là chủ một salon tóc, chị hoạt động trong nghề được 27 năm.
Trong cuộc sống thường ngày, chị là người luôn sát sao, quan tâm và có phương pháp giáo dục con khoa học. Hãy cùng chúng tôi trò chuyện cùng chị Quỳnh Hoa để biết thêm về phương pháp nuôi dạy con của chị.
"LẠC QUAN TẾU" – CÁCH MANG ĐẾN NGUỒN NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC CHO CON
- Chị có thể chia sẻ điều kiện sống hiện tại của 2 mẹ con không? Chị đã nuôi dạy Trà My theo những phương pháp nào?
Chị ly hôn chồng cách đây 8 năm, hồi đấy Trà My 10 tuổi, đang học lớp 4. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, chị thuê nhà ở ngoài để sống cùng con. Còn bé thứ hai nhà chị là con trai, tên Quang Minh, sống cùng với bố. Cuộc sống rất vất vả khi phải làm lại từ đầu. Chị trở thành trụ cột trong gia đình, vừa kiếm tiền nuôi con ăn học, vừa phải chăm lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ. Sau 3 năm, chị đã mua được một căn hộ chung cư.
Tuy cuộc sống có lúc rơi vào cùng cực nhưng chị vẫn cho rằng mình rất may mắn vì có công việc tốt, gặp được nhiều người lương thiện giúp đỡ 2 mẹ con. Chị luôn lạc quan, tin rằng mọi khó khăn chỉ là thử thách. Cuộc sống không phải lúc nào cũng êm đềm, bằng phẳng mà sẽ có những lúc gặp sóng gió. Cũng nhờ khó khăn mà chị mới nhận ra được khả năng, bản lĩnh của mình. Chính những suy nghĩ tích cực của chị đã truyền cho Trà My động lực sống phi thường. Con luôn biết nỗ lực khắc phục khó khăn, tìm hướng giải quyết phù hợp trong mọi vấn đề.
Tiếp đến, trong cuộc sống, chị đưa mọi vấn đề về trạng thái đơn giản nhất. Chị quan điểm rằng, suy nghĩ đơn giản thì mình mới xử lý đơn giản. Còn nếu mình phức tạp vấn đề thì sẽ phải nghĩ theo hướng phức tạp để giải quyết. Chị nghĩ rằng càng đơn giản càng hạnh phúc. Nhu cầu sống lớn nhất của chị là 2 mẹ con được bình an bên nhau mỗi ngày.
Trong những lúc cùng cực nhất, chị và con thường "lạc quan tếu" rồi lại bật cười thú vị. Chị nhớ có một lần đưa Trà My đi học thêm cách nhà khá xa. Có nhiều hôm đường tắc, khói bụi khiến 2 mẹ con đều mệt mỏi, ngột ngạt. Lúc đấy, chị đã bảo con là: "Biết đâu sau này, có thể là một vài năm nữa mẹ mua được ô tô để chở My đi học. Vậy là sẽ chẳng phải hít khói bụi mù mịt, con nhỉ?". Sau đó, 2 mẹ con cười phá lên, cho rằng đó là sự lạc quan tếu táo bởi thời điểm đó, chị nợ nần chồng chất, đang đi thuê nhà ở. Nhưng cuối cùng năm sau chị đã thực hiện được điều đó.
Qua câu chuyện này, một lần nữa chị muốn nhấn mạnh rằng chị luôn dạy con về sự tích cực trong cuộc sống. Bởi nếu nhìn theo hướng xấu thì năng lượng tiêu cực sẽ tỏa ra và nhấn chìm mình. Vì vậy, hãy cố gắng lạc quan, suy nghĩ tích cực dù là trong trường hợp tệ hại nhất.
- Được nuôi dạy từ một người lạc quan như chị, vậy chị thấy Trà My có phát triển theo đúng định hướng không?
Vì lớn lên trong hoàn cảnh mái ấm gia đình không trọn vẹn nên Trà My là một đứa trẻ rất hiểu chuyện và thông minh. Con sâu sắc hơn so với bạn bè cùng trang lứa rất nhiều. Chị luôn nói với con rằng: "Mẹ biết ơn Trà My nhiều lắm vì con đã luôn lắng nghe và thấu hiểu mẹ". Chị gọi con là "tri kỷ" bởi vì bất cứ ông bố, bà mẹ nào trên cuộc đời cũng nuôi dưỡng niềm hy vọng và cố gắng giành cho con những điều tốt đẹp nhất. Thế nhưng không phải đứa trẻ nào cũng thấu hiểu và lắng nghe để đi đúng định hướng.
Vì thế, việc con thấu hiểu, sẻ chia và thông cảm được những khó khăn của mẹ khiến chị thấy biết ơn lắm. Con luôn nhìn vào mẹ để nỗ lực học tập. Nhìn con như vậy, chị lại càng có thêm động lực để mang đến cho con một cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ hơn.
- Con gái có khi nào khiến chị phiền lòng không?
Cũng có giai đoạn con không nghe lời mẹ. Nhưng giai đoạn này diễn ra ngắn ngủi, chỉ khoảng 2 – 3 tháng khi con học lớp 7. Sau đó, dần dần con không như vậy nữa, trở về trạng thái trước kia. Lý do Trà My ít cãi lời mẹ vì chị luôn cố gắng tôn trọng con, cho con quyền quyết định những thứ liên quan đến con.
Bên cạnh đó, chị cũng không bao giờ xưng hô "mày – tao" với con, đánh mắng con. Chị cũng không áp đặt con, chỉ là người đồng hành, tư vấn và đưa ra lời khuyên hữu ích. Còn con nghe hay không là việc của con. Tất nhiên không phải lúc nào chị cũng cho con quyền đó, nhưng về cơ bản là vậy.
Quan điểm của chị là mỗi người chỉ được sống một lần trong cuộc đời và chị luôn nói với con rằng: "Đến cái bóng còn bỏ mình khi bước vào chỗ râm. Vì thế, con đừng nghĩ sẽ dựa vào ai. Mẹ không thể "đội đá, vá giời", đi theo con đến suốt cuộc đời, bất cứ một lúc nào đó mẹ có thể rời xa con. Vì thế con cần phải dựa vào chính bản thân. Con phải là người biết đứng trên đôi chân của mình, chỉ điều này mới có được những bước đi vững chãi".
- Chị đã dạy con bài học làm người đầu tiên là gì?
"Có tài mà không có đức là người vô dụng". Trước khi thành "ông nọ, bà kia" thì hãy làm người tử tế trước đã. Với chị, chỉ cần lương thiện thôi, trời xanh sẽ tự an bài. Chị luôn dặn con không cần toan tính điều gì.
Trà My có lần tâm sự với mẹ rằng, ở lớp các bạn bảo con là "nhu" (không biết tính toán, không cơ hội, quá ngây thơ và thật thà). Chị đã bảo Trà My không nên bận lòng vì những lời đó. Hãy giữ cho mình sự thánh thiện, trong sáng vì không phải ai cũng giữ được điều đó.
TÔN TRỌNG SỰ LỰA CHỌN CỦA CON, CÓ NHỮNG CÁCH GỌI CON TUY SẾN SÚA NHƯNG CỰC THÚ VỊ
- Khi nghe Trà My chia sẻ muốn đi du học, tâm trạng của chị như thế nào? Nhà chỉ có 2 mẹ con, chị có muốn giữ con bên mình không?
"Đất lành, chim đậu", con ở đâu không quan trọng mà quan trọng là con cảm thấy cuộc sống "happy" (vui vẻ). Nghĩa là con luôn hạnh phúc với những gì mà con có và lựa chọn. Với chị, đấy là yêu con, chứ yêu con không phải là giữ con ở bên mình, trói buộc con. Mỗi bậc cha mẹ nên để con được sống cuộc đời của chính con. Không có lý do hay quyền hạn gì để ép con sống theo quan điểm của cha mẹ. Như thế là không công bằng với con.
Nhà chị chỉ có 2 mẹ con nhưng chị chưa bao giờ nghĩ sẽ giữ con lại bên mình. Mặc dù điều kiện kinh tế không khá giả để có thể cho con đi khắp nơi nhưng chẳng hạn nếu Trà My không đạt được học bổng toàn phần thì chị vẫn cố gắng kiếm tiền lo cho con, để con thực hiện được ước mơ. Bởi vì hạnh phúc của con là hạnh phúc của mình.
- Có người mẹ tâm lý như vậy, con có hay bày tỏ tình cảm với chị không?
Trà My là người sống nội tâm, không thích thể hiện tình cảm ra ngoài. Nhưng chị lại là người có quan điểm muốn lan tỏa tình yêu thương nên chị luôn nói ra cho mọi người biết. Với Trà My, chị thường nói với con: "Cục cưng của mẹ ơi!", "Mẹ yêu Trà My lắm!", "Mẹ yêu con nhất trên đời". Trà My nghe nhiều và dần dần cũng biết cách thể hiện tình cảm, cởi mở hơn.
Nghe có vẻ sến súa, mùi mẫn nhưng chị thấy cách gọi này cực kỳ có hiệu quả. Con trở nên thương yêu, sẵn sàng thể hiện tình cảm với mẹ. Đặc biệt hơn, con sẽ trở thành người ấm áp, biết quan tâm, lắng nghe không chỉ mẹ mà với cả mọi người xung quanh.
- Một kỷ niệm gần đây nhất của chị và con gái là kỷ niệm nào, thưa chị?
Vì con còn 2 tuần sang Mỹ du học nên chị đang sắp xếp thời gian để cùng Trà My đi du lịch khắp nơi, cùng con lưu lại những kỷ niệm tươi đẹp. Hai mẹ con đã đi qua nhiều nơi như: Đà Lạt, Đà Nẵng, Hội An, Huế,… Nhưng nhớ nhất là chuyến đi Đà Nẵng. Chị đặt chuyến đi chơi ấy từ lâu, trước khi con biết kết quả du học. Bởi thời điểm đó, chị thấy Trà My rất căng thẳng. Con gặp nhiều áp lực, stress nên chị vô cùng thương con. Chị sợ nếu kết quả không được như ý sẽ khiến con hụt hẫng, buồn chán và thất vọng.
Vì vậy, chị đặt chuyến đi chơi xa để trấn an con. Chị muốn 2 mẹ con có nhiều thời gian thủ thỉ tâm sự, chị sẽ nói với con rằng: "Đi du học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Thế nên, con đừng quá buồn vì những điều chưa làm được. Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra, con sẽ có cơ hội khác tốt hơn rất nhiều".
Chị đã tưởng trong chuyến đi Đà Nẵng, chị phải chia sẻ những điều đó với con. Nhưng con biết kết quả xin học bổng trước chuyến đi và được học bổng toàn phần. Vì thế, đây là chuyến đi ăn mừng chiến thắng của 2 mẹ con. Trong thời gian đi du lịch, con đã kể cho chị nghe nhiều điều thú vị: Chuyện trường lớp, tâm tư tình cảm và cả những dự định tương lai. Những giây phút mà 2 mẹ con trải lòng với nhau được mọi điều rất quý báu.
- Bé thứ hai của chị học tập có tốt không? Khi có một người chị xuất sắc như vậy, con có bị đem ra so sánh không?
Quang Minh – con trai chị là một cậu bé thông minh, ấm áp và tinh tế. Con thiệt thòi khi không được ở cùng mẹ, không nhận được sự chăm sóc thường xuyên từ mẹ. Về chuyện học tập, ở thời điểm hiện tại, Quang Minh không bằng chị Trà My nhưng chị không bao giờ mang con ra so sánh. 2 đứa trẻ sống trong 2 môi trường với 2 phương pháp giáo dục khác nhau nên mọi thứ cũng khác hoàn toàn.
Mọi người xung quanh cũng hay nói: "Cố học giỏi như chị My ấy", "Phải coi chị My như tấm gương sáng để nhìn vào",… Nghe vậy, chị sợ con chạnh lòng nên luôn nói rằng: "Các con đều rất thông minh. Chỉ cần Quang Minh nỗ lực cố gắng thì mẹ nghĩ Quang Minh cũng chẳng kém chị My. Mỗi người đều có điểm mạnh cho riêng mình. Nếu như chị My giỏi điều này thì Quang Minh lại giỏi ở điểm khác. Và mẹ nghĩ nếu Minh quyết tâm thì một ngày nào đó, Minh sẽ khiến cho mẹ được tự hào".
Chị luôn nói với con những lời động viên, khích lệ tinh thần chứ không phải các câu kiểu: "Đấy con nhìn chị mà xem" hay "Con không được một phần như chị".
Và sau cùng, chị mong con cái phát triển mạnh khỏe, sống một cuộc đời an nhiên. Về phần bản thân, chị mong ước trong tương lai mỗi tuần sẽ dành ra một buổi để giải đáp thắc mắc, trăn trở của các bạn tuổi vị thành niên. Chị muốn đồng hành cùng các bạn trẻ, gỡ rối trong mọi vấn đề mà các bạn khó chia sẻ với cha mẹ.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.