Chuyên gia tư vấn người Việt tại New Zealand chỉ ra một loại “bệnh" tiềm ẩn nguy hiểm nhưng lại đến 90% bà mẹ mắc phải khi dạy con

Bệnh' này rất khó bỏ, tuy nhiên các phụ huynh có thể tham khảo những gợi ý hay ho từ một 'mẹ lười' sau đây!

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn. 

Dr Cherry Vũ (Vũ Anh Đào), một chuyên gia tư vấn Quản lý linh hoạt, Doanh nghiệp linh hoạt sinh sống và làm việc tại New Zealand. Chị là diễn giả quen thuộc trong các hội nghị quốc tế lớn tại Anh, Mỹ, Úc, New Zealand.

Bên cạnh đó, chị còn là quản trị viên của một hội nhóm nuôi dạy con tuổi dậy thì. Những bài viết của chị về phương pháp đồng hành cùng con, đặc biệt là những chia sẻ "bắt mạch" một số "căn bệnh" của cha mẹ rất được các bậc phụ huynh đồng tình và yêu thích.

Chuyên gia tư vấn người Việt tại New Zealand chỉ ra một

Chị Cherry Vũ là một chuyên gia tư vấn Quản lý linh hoạt, Doanh nghiệp linh hoạt sinh sống và làm việc tại New Zealand.

Chúng tôi xin chia sẻ bài viết mới nhất của chị về "bệnh"... cằn nhằn, một thói quen hầu như bà mẹ nào cũng đã từng mắc phải.

Muốn làm mẹ tốt phải chữa bệnh cằn nhằn

Quan sát những người sống xung quanh, tôi thấy nhiều người mắc một căn bệnh chung đó là bệnh cằn nhằn. Căn bệnh này có vẻ phổ biến ở chị em. Bình thường chúng ta thường "chê mưa, trách nắng" như một thói quen mà không nhận ra rằng những câu nói tưởng như vô hại đó thực ra có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của chúng ta.

Từ thói quen hay chê...

Có những người khi sống bên cạnh họ cực kỳ dễ chịu, bạn hầu như không thấy họ kêu ca về điều gì bao giờ. Cũng có những người chỉ ở gần họ nói thôi cũng khiến bạn có cảm xúc tiêu cực, dù họ chẳng làm gì ảnh hưởng trực tiếp tới bạn. Bạn muốn tránh xa những người này.

Hồi còn ở Việt Nam, có lần tôi cùng đi công tác với một đồng nghiệp. Bình thường tôi không tiếp xúc gần cô ấy bao giờ. Mỗi lần gặp chỉ chào hỏi qua loa, cảm nhận của tôi là cổ khá cởi mở và dễ gần. Nhưng chỉ sau chuyến công tác 4 ngày tôi đã thay đổi hoàn toàn ấn tượng về cô ấy.

Suốt thời gian công tác cô ấy luôn miệng cằn nhằn, về mọi thứ, công việc, mọi người, thời tiết... Đây là một ví dụ. Một tối chúng tôi được đối tác chiêu đãi ở một nhà hàng khá sang trọng trong thành phố. Có nhiêu món ăn nhà hàng làm ra cổ chê tất tật: cái món xôi chim chiên này nhiều mỡ quá, con gà quay quá lửa, tôm không tươi... Điệp khúc đó được nhắc đi nhắc lại làm tôi xấu hổ muốn độn thổ. Công bằng mà nói, tôi thấy các món ăn hôm đó đều rất ổn.

Khi về tôi đã góp ý: Theo chị em không nên chê bai mọi thứ như vậy. Khi em vừa ăn vừa chê, đối tác của chúng ta sẽ cảm thấy áy náy vì họ nghĩ họ không chu đáo. Chị mong em lần sau tránh chê bai, đặc biệt là trước mặt những người mời mình ăn. Kể cả thức ăn tệ thật thì hãy nghĩ đến lòng hiếu khách của họ và cảm kích vì điều đó.

Tất nhiên là cô ấy phản ứng lại: Em thấy thế nào thì em nói thế...Và tất nhiên tôi đã không tranh luận thêm nhưng tôi tránh cô ấy rất xa kể từ sau chuyến đi đó.

Chuyên gia tư vấn người Việt tại New Zealand chỉ ra một

"Chê mưa, trách nắng" như một thói quen có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của chúng ta", chị Cherry Vũ cho biết.

Đến những bà mẹ mắc bệnh phàn nàn

Nhiều bà mẹ cũng vậy, rất hay phàn nàn, quở trách con cái về đủ mọi thứ: "Con chẳng bao giờ nghe lời mẹ", "Con suốt ngày trêu em để em khóc", "Lại dán mắt vào cái ti-vi đấy!", "Đừng có xểnh một cái ra là lại chơi game!".

Những lời cằn nhằn thường đi kèm những câu thể hiện họ không tôn trọng con như: "Con làm như vậy là không ngoan","Mẹ nghĩ con không thể thay đổi được đâu", "Mẹ bó tay với con rồi đấy"...

Bạn đã bao giờ nhận thấy con bạn thay đổi hành vi sau khi bị quở mắng hay cằn nhằn chưa? Hay chúng chỉ thấy khó chịu những lời "cằn nhằn" theo thói quen của mẹ? Con bạn không thích điều đó nhưng chúng vẫn không thay đổi hành vi, đặc biệt khi bạn tỏ ra thiếu tin tưởng và không tôn trọng chúng.

Tôi là một bà mẹ lười. Vì lười nên đến việc nói nhiều tôi cũng ngại. Mỗi khi có vấn đề gì cần giải quyết tôi thường tự hỏi mình: Mình muốn đạt được điều gì? Nếu muốn đạt được điều đó mình cần làm gì? Phương pháp tiếp cận nào sẽ hiệu quả với mỗi đứa con của mình?

Để tránh tốn sức, tôi chọn các phương pháp logic thay vì những câu cằn nhằn vô ích.

Ví dụ:

- Khi con dại bé khoảng 6, 7 tháng ảnh rất khoái đánh thật mạnh vào người mọi người và tôi bị ảnh "phết" nhiều nhất. Chắc ảnh thấy trò đó vui vì gây được sự chú ý. Nhận thấy đây là vấn đề, tôi bắt đầu "chơi" lại: Cứ bị ảnh tét một cái, tôi tét lại một cái đau hơn nhiều và cười khanh khách, miệng nói: Ôi mẹ thích trò này, mẹ con mình chơi tiếp nào.

Bị đau ảnh mếu máo nhưng thấy mẹ cười vui vẻ nên không khóc. Bà mẹ "ác như thú" chả cần mắng mỏ hay cáu điên vì bị đánh. Sau 3 lần bị mẹ "chơi" lại như thế ảnh chừa hẳn.

Khi con làm đổ nước, đổ sữa ra bàn thay vì càm ràm: "Sao con hậu đậu thế hả?" thì tôi đưa khăn để con tự lau.

Khi bọn trẻ còn nhỏ tôi quy định mỗi tuần mỗi con sẽ được dẫn đi siêu thị và mua một món đồ chơi. Có lần con dại đã chọn được một thứ mình thích nhưng vẫn khóc đòi mua thêm món khác.

Thay vì quát mắng: "Con có nín đi không nào? Tại sao đã có đồ chơi rồi còn đòi nữa?", tôi nói: "Con đã có đồ chơi của mình, chúng ta về thôi nào" rồi ra xe, về thẳng. Từ đó con tôi học được rằng, nếu mè nheo sẽ chỉ tốn sức và không được chơi trong khu vui chơi ở siêu thị nữa.

Hồi bé đám con dại thường đổ ụp cả thùng đồ chơi ra khắp nhà. Tôi hướng dẫn con dọn đồ chơi vào thùng mỗi khi chơi xong, sau đó mới được chơi thứ khác. Khi con tạo được thói quen tôi để con tự dọn. Cũng nhiều lần con không dọn. Tôi ra chính sách: Nếu các con không dọn đồ chơi sau khi chơi mẹ hiểu rằng con không muốn chơi những thứ đó nữa. Mẹ sẽ bỏ vào thùng rác.

Và tôi làm đúng như vậy.

- Lần đầu: Nhắc nhở con, cùng dọn với con.

- Lần 2: Nhắc con, để con tự dọn.

- Lần 3: Bỏ vào thùng rác (đương nhiên bọn chúng nhặt lại và cất đi).

Sau đó mọi thứ tự nhiên đi vào nề nếp.

Ở nhà tôi tuổi nào việc đó, mọi việc được phân công rõ ràng. Con dại bé làm nhiệm vụ rửa bát. Đương nhiên có nhiều hôm ảnh không rửa ngay sau bữa tối mà để tới hôm sau. Đến giờ nấu ăn thay vì giục mỏi miệng hoặc làm hộ, tôi thường nói: "Khi nào con rửa bát đĩa xong mẹ sẽ bắt đầu nấu ăn, ăn đúng giờ hay ăn muộn phụ thuộc vào việc con rửa nhanh hay chậm".

Đám con dại nhà tôi hiểu rõ mình được kỳ vọng làm gì và làm như thế nào. Chúng thường tự giác làm việc của mình. Thế nên bà mẹ lười không những rất nhàn mà những ngày tháng ở bên con là những ngày vui vẻ. Đã bảo rồi, nếu các vị thấy làm mẹ khó quá, hãy học đám tinh tinh. Chúng suốt ngày chơi đùa vui vẻ với các con của mình. Làm mẹ phải luôn vui như thế mới phải chứ.

Tóm lại cách bạn đang làm: kêu ca, phàn nàn, trách mắng, đe nẹt... không có tác dụng, đừng làm nữa. Hãy thử áp dụng các phương pháp logic, thử hành động khác đi xem sao.

Chuyên gia tư vấn người Việt tại New Zealand chỉ ra một
 

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng những hình phạt độc đoán không có ích gì, chỉ làm trẻ chống đối. Con cái cần hiểu rõ kỳ vọng của cha mẹ, cần được đối xử công bằng, các phương pháp của cha mẹ cần phù hợp với lứa tuổi và nhận thức của trẻ để chúng có thể rút ra được bài học từ đó.

Cho dù bạn chọn cách hành động như thế nào thì việc bạn làm cần thể hiện được những điều trên. Ngoài ra, chú ý ba điều này:

-  Ngay lập tức: Cần được thực hiện hành động ngay lập tức, không chờ đến mai hoặc tuần sau. Trẻ càng nhỏ càng cần làm ngay.

- Nhất quán: Đừng lúc thế này lúc thế khác, bố nói một đằng mẹ nói một nẻo trẻ sẽ không hiểu mình được kỳ vọng ra sao.

- Phù hợp: Logic chưa đủ, các phương pháp cha mẹ cần phù hợp với lứa tuổi, nhận thức, cá tính của con mình.

Vận hành một gia đình cũng như một tổ chức, điều quan trọng là mọi người trong đó phải vui vẻ và hạnh phúc mới có hiệu quả.

 
 

Link gốc:https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/chuyen-gia-tu-van-nguoi-viet-tai-new-zealand-chi-ra-mot-loai-benh-tiem-an-nguy-hiem-nhung-lai-den-90-ba-me-mac-phai-khi-day-con-162212401213116838.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang