Chuyện nam sinh tự vẫn ở tuổi 19: "Xin đừng xát muối lên nỗi đau của gia đình em"

Có những đứa trẻ vẫn cứ nói cười nhưng bên trong tâm hồn là một hố sâu tuyệt vọng. Theo chuyên gia giáo dục Diễm Quyên, sự việc nam sinh 19 tuổi tự tử là rất đau lòng, đáng tiếc.

Chuyện nam sinh tự vẫn ở tuổi 19: Xin đừng xát muối lên nỗi đau của gia đình em - Ảnh 1.

Chuyên gia giáo dục Tô Thị Diễm Quyên

"Chúng ta hãy nhân văn hơn"

Liên quan đến sự việc nam sinh viên mất tích tại bến xe miền Đông rồi tử vong sau đó, ngày 16/2, cơ quan điều tra cho biết em Nguyễn Văn Nghĩa (SN 2003, ngụ tỉnh Bình Định) đã tự tử. Hiện tại, nguyên nhân em Nghĩa tự tử chưa xác định được. Qua khám nghiệm cho thấy, trong balô của Nghĩa có một cục đá nặng hơn 10kg.

Hiện tại, câu chuyện của Nghĩa đã nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Tuổi 19 của em đã khép lại mãi mãi trong sự tiếc thương của gia đình, bạn bè, thầy cô...

Trao đổi với PV, chuyên gia giáo dục Tô Thị Diễm Quyên cho biết: "Tôi có theo dõi câu chuyện của Nghĩa từ thông báo em mất tích tại Bến xe miền Đông. Tôi rất đau lòng, xót xa khi em ấy đã tự tử ở độ tuổi vừa bước vào cuộc đời. Đúng là thế hệ của tôi sẽ rất khác biệt so với thế hệ của em. 

Chuyện nam sinh tự vẫn ở tuổi 19: Xin đừng xát muối lên nỗi đau của gia đình em - Ảnh 2.

Chuyên gia Diễm Quyên

Thời của chúng tôi, internet vẫn chưa được phổ biến, chúng tôi tiếp xúc với thông tin hạn chế hơn. Các em hiện nay có mạng xã hội, lĩnh hội nhiều cái mới, cái hay nhưng song hành với đó là những điều tiêu cực. Các em phải loay hoay chọn lọc thông tin và cách giải quyết vấn đề của chính mình.

Từ hình ảnh tìm người thân mất tích, tôi thấy Nghĩa là một bạn có dung mạo rất hiền lành. Đồng thời, điểm số tại trường của bạn cũng rất cao. Mất đi Nghĩa, gia đình hiện đang có rất nhiều nỗi xót xa vô tận. Với cương vị là một người làm giáo dục, tôi thật sự thấy buồn khi mọi người vẫn chia sẻ hình ảnh không làm mờ của em trên mạng xã hội. Nếu người thân Nghĩa nhìn thấy, điều đó không phải là rất đau lòng sao? Tôi mong chúng ta hãy nhân văn hơn, đừng xát muối lên nỗi đau của gia đình em".

Theo chị Diễm Quyên, những luồng thông tin tiêu cực xuất hiện trên mạng xã hội sẽ như cơn sóng biển, cứ xô tới và khiến tâm trạng người khác tệ hơn. "Mọi người cần kiếm soát lời nói của mình để không vô tình tạo áp lực cho người khác", chuyên gia nói thêm.

"Không để các em một mình"

Trước đó, ông Nguyễn Công Đoàn (cha Nghĩa) cho biết gia đình hiện chưa thể tin được Nghĩa đã mất. Ông Đoàn cũng không thể giải thích được tại sao con trai lại tự tử như kết luận của cơ quan công an. Tính đến hiện tại, nguyên nhân Nghĩa tự tử vẫn đang được tìm hiểu.

Chuyên gia Diễm Quyên cho biết thêm: "Đối với những người hướng ngoại, việc họ có những áp lực, khúc mắc trong cuộc sống rất dễ nhận biết. Tuy nhiên, đối với những người hướng nội, đó lại là một câu chuyện khác. Có thể bình thường, các em cười nói, vui vẻ với mọi người, sinh hoạt như chẳng có gì xảy ra nhưng nội tại bên trong rất ngổn ngang. Và, mọi người sẽ rất khó nhận biết được em ấy đang có vấn đề cần giải tỏa". 

Ngay từ khi bắt đầu làm cha mẹ, ai cũng cần trang bị một số kĩ năng cần thiết. Ví dụ, với tình huống khó khăn, cha mẹ cần tham luận ý kiến con, gợi mở cho chúng hướng giải quyết.

Bên cạnh niềm xót xa đến tận cùng, câu chuyện của Nghĩa đã gióng lên hồi chuông về tự tử ở người trẻ tuổi.

"Vào năm 1999, tôi từng chủ nhiệm một cô bé lớp 8. Do con không nghe lời, cha của cô bé đã lột trần con và xích cô lại. Đau đớn, tủi nhục, cô bé bỏ trốn cùng bạn trai. Tôi và bạn bè trong lớp của cô bé đổ xô đi tìm. Sau 2,3 ngày, cháu cũng đã trở về nhà với một tâm hồn đầy thương tổn. 

Tôi từng rất tâm đắc ngạn ngữ: Cần một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ. Tức, trách nhiệm giáo dục con người không chỉ riêng của cha mẹ mà còn nằm ở cộng đồng, xã hội. Chúng ta, những người lớn không nên để các con một mình, loay hoay với những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai. 

Ai cũng phải có trách nhiệm dang tay đón lấy, xoa dịu nỗi đau của các con. Đặc biệt, bạn bè cũng là kênh quan trọng", chị Quyên nói thêm.

Tô Thuỵ Diễm Quyên - 1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu. Đồng thời, cô cũng là người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, cô Diễm Quyên từng đạt giải nhất quốc gia dạy học tích hợp, sau đó đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Tây Ban Nha, là giám khảo châu Á duy nhất trong 18 giám khảo của Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Mỹ.

Theo Doanh nghiệp và tiếp thị

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang