Nghĩa trang nằm cạnh tuyến đường sắt Bắc – Nam. Ảnh: Đình Phú |
Chuyến tàu định mệnh cướp đi hơn 200 sinh mạng
5h sáng ngày 17/3/1982, chuyến tàu định mệnh xuất phát từ ga Nha Trang đến Km 1668+400 (gần ga Bàu Cá H. Trảng Bom, Đồng Nai) đã bị lật. 10 trong số 13 toa xe đã văng ra khỏi đường ray. Riêng đầu máy văng lên một gò đất cao cách đường ray vài chục mét.
Tại hiện trường, các xác chết nằm la liệt, chồng lấn lên nhau. Nhiều thi thể không còn nguyên vẹn, kẹt giữa đống hàng hóa. Thời điểm đó khó khăn, thông tin chưa phổ biến mà phần lớn các gia đình không hề biết người thân của mình đã tử nạn trên chuyến tàu đó. Số nạn nhân tìm thấy danh tính và có người nhà nhận diện được đưa về nhà. Còn lại 113 người vô thừa nhận được an táng ngay tại địa phương.
Chính quyền xã lúc bấy giờ phải huy động nhiều người đến hiện trường thu gom thi thể các nạn nhân. Sau đó, xã cho đào khoảng hơn 100 huyệt mộ cách đó khoảng 3km ngay vào buổi chiều.
Theo lời kể của người tham gia cứu nạn năm đó, ông Nguyễn Kim Hoạt cho biết: “Thi thể những người xấu số được chôn xuống đó nhưng chỉ được hơn 100 huyệt. Số còn lại thừa ra chúng tôi lấp lại. Trong đời tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng chôn người chết thê thảm đến thế. Hơn một trăm người, mỗi người nằm trong chiếc quan tài bằng gỗ cao su được bỏ xuống lấp vội. Không một tiếng khóc. Không một một bát nhang. Không một câu kinh, tiếng kệ, tiếng kèn, tiếng trống đưa hồn người chết tiêu diêu. Người chết được lấp đất, đắp lên một nấm mộ sơ sài và cắm một cọc gỗ ghi số thứ tự. Khi người cuối cùng được lấp đất thì gần nửa đêm”.
Sau này, ngành đường sắt đã xây tường rào bao quanh khu vực chôn lấp, làm bia cho những người xác nhận được tên. Hàng năm, người dân địa phương tổ chức lễ phát quang dọn cỏ, giáo xứ Lộc Hòa tổ chức lễ linh hồn theo nghi thức Công giáo vào tháng 11.
Cổng nghĩa trang chôn lấp những nạn nhân xấu số. |
Nghĩa trang hành khách xấu số mang tên: “ĐS 17.3.1982”
Sau nhiều năm, nghĩa trang không được ai dọn dẹp, nơi đây lại mọc đầy cỏ dại, chắn cả lối đi. Đến năm 2013, sau khi biết có nhiều người ghé qua nghĩa trang không vào bên trong được do cỏ cây phủ dày bà Trần Thị Cẩm (quận Phú Nhuận, Hồ Chí Minh) đã kêu gọi bà con tại địa phương cùng góp công phát hoang.
Tường rào nghĩa trang rậm cỏ dại. Ảnh: Vietnamnet |
Đồng thời, bà vận động các nơi làm tấm bia bằng xi măng, ghi số thứ tự trên các tấm bia vô danh, nghĩa trang còn lại hơn 90 huyệt. Song song với cắm bia, hàng chữ "Nghĩa trang ĐS 17.3.1982" ngoài cổng cũng được thực hiện.
Hàng chục tấm bia tạm bợ ghi “Mộ VD” làm dấu tích mộ phần những nạn nhân vụ lật tàu ngày 17.3.1982 trong nghĩa trang hoang phế. Ảnh: Đình Phú |
Ngoài những ngôi mộ vô danh, có những ngôi mộ được khắc tên (mũi tên chỉ). Ảnh: Vietnamnet |
Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo anh Lý Thoại Phương (53 tuổi ngụ tại Gò Vấp), mẹ của anh đã tử nạn trên chuyến tàu định mệnh ấy. Ngày 25/3/1982, anh được thông báo nhận tiền bồi thường 3000đ/người tại văn phòng phía nam Tổng Cục Đường sắt trên đường Hàm Nghi (Q.1 TP.HCM). Nguyên nhân tai nạn được các giới chức đường sắt xác nhận là mất thắng. Do sự cố này đã làm cho tàu tăng tốc có thể lên đến 200km/g nên khi đến cua chữ C gần ga Bàu Cá thì xảy ra tại nạn thảm khốc.
Năm 2015, đoàn lãnh đạo Tổng công ty đường sắt VN (thuộc Bộ GTVT) có về tổ chức lễ cầu siêu. Thân nhân của các nạn nhân xấu số kiến nghị chỉnh trang lại nghĩa trang, công bố hồ sơ, xác định ADN, xây mộ phần cho nạn nhân. Đến nay, bà Cẩm cho biết, họ mới chỉ thực hiện nguyện vọng chỉnh trang lại nghĩa trang, các nguyện vọng còn lại chưa nhận được hồi âm.
Sau 36 năm, vẫn chưa có một thông tin chính thức nào về sự cố này được công bố.
Theo VTC News
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.